Nhật, Úc ký thỏa thuận quốc phòng đối phó Trung Quốc, Bắc Kinh nói gì

Quốc tế - Ngày đăng : 18:28, 06/01/2022

Nhật và Úc đã ký thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng, nhằm đối phó với sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc.

Theo Nikkei, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Úc Scott Morrison hôm 6.1 đã ký Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA), tạo điều kiện cho quân đội hai nước hợp tác chặt chẽ trong các chiến dịch phòng thủ và nhằm tăng cường hợp tác an ninh trong bối cảnh ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA) sẽ cho phép triển khai Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ Úc nhanh hơn, đồng thời giảm bớt các hạn chế trong việc vận chuyển vũ khí và vật tư cho các hoạt động huấn luyện chung và cứu trợ thảm họa.

f0-2f6-2f7-2f2-2f38242760-13-eng-gb-2fcropped-1641449511-01-06t050437z_1769767401_rc2htr9y9q3t_rtrmadp_3_australia-japan-d.jpg
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) và Thủ tướng Úc Scott Morrison trong lễ ký kết trực tuyến Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA) hôm 6.1 - Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh đây là "một thỏa thuận mang tính bước ngoặt sẽ đưa hợp tác an ninh Nhật Bản - Úc lên một tầm cao mới”.

"Hiệp ước lịch sử này đánh dấu lần đầu có khuôn khổ rõ ràng nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến và hợp tác giữa lực lượng hai nước. Thỏa thuận cũng phản ánh các giá trị chung, cũng như cam kết với quyền con người và dân chủ, cũng như lợi ích của hai nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở và bền vững", Thủ tướng Úc Scott Morrison nói.

Trước đó, Mỹ cũng đã ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự tương tự với Nhật. Bên cạnh đó, chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida cũng sẽ tìm cách đạt được một hiệp ước như vậy với Anh và Pháp.

Được biết, Nhật Bản và Úc đã đồng ý bắt đầu đàm phán về RAA vào năm 2014 và đạt được một thỏa thuận rộng rãi vào tháng 11 năm 2020, nhưng có một số trở ngại cho việc ký kết thỏa thuận. Tuy vậy, hai bên đã thống nhất đi tới một thỏa thuận ngay trong năm nay khi Úc ngày càng nhận thức được Bắc Kinh là một mối đe dọa an ninh.

Trung Quốc đã tăng cường áp lực kinh tế lên Úc sau khi Canberra thúc ép Bắc Kinh điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19, được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, miền trung Trung Quốc. Úc đã cấm công ty Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm. Bắc Kinh cũng đáp trả bằng cách áp nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn với hàng hóa Úc trong nhiều lĩnh vực.

Ali Wyne, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cho rằng RAA sẽ giúp Tokyo và Canberra nâng cao năng lực tiến hành các đợt diễn tập chung với Mỹ tại Nhật Bản.

"Trung Quốc có thể coi hiệp ước này là bằng chứng cho thấy những nước này đang tìm cách cản trở sự trỗi dậy của họ, dù cách hành xử của Bắc Kinh gần đây góp phần không nhỏ vào những căng thẳng ngoại giao giữa họ với các quốc gia khác", ông Wyne nói.

Về phần mình, khi được hỏi về hiệp ước nói trên trong cuộc họp báo hôm 5.1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: "Thái Bình Dương đủ rộng lớn dành cho sự phát triển chung của các nước trong khu vực".

"Trao đổi và hợp tác giữa các quốc gia với nhau nên đóng góp vào việc tăng cường hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực, và bảo vệ hòa bình cũng như ổn định khu vực, thay vì hướng mục tiêu vào hoặc cản trở lợi ích của bên thứ ba. Trung Quốc hy vọng Thái Bình Dương sẽ là một vùng biển hòa bình, không phải là nơi để làm dậy sóng", ông Uông cho hay.

Hoàng Vũ