Nỗi lo thông tin xấu độc từ các dịch vụ OTT xuyên biên giới

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:01, 07/01/2022

Nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới đã để lọt rất nhiều nội dung xấu độc, kích động bạo lực, khiêu dâm..., vi phạm văn hóa, pháp luật Việt Nam.

Dịch vụ OTT xuyên biên giới để lọt nội dung xấu độc

Những năm gần đây, song song với sự phát triển của công nghệ, hạ tầng mạng viễn thông ngày càng mở rộng, ứng dụng OTT (Over-The-Top) cũng cộng sinh theo đó mà phát triển.

OTT là thuật ngữ được sử dụng nhiều trong cung cấp nội dung chương trình trên không gian mạng internet. Dịch vụ OTT cung cấp nội dung là các video nội dung chương trình, phim ảnh… được đóng gói phát trên các ứng dụng OTT. Việc này cũng tương tự các kênh truyền hình truyền thống cung cấp nội dung chương trình trên các phương thức truyền dẫn phát sóng như trên hạ tầng mạng cáp viễn thông, vệ tinh, internet.

Hoạt động cung cấp dịch vụ ứng dụng OTT tại Việt Nam hiện nay bao gồm các dịch vụ trực tuyến trong nước và dịch vụ trực tuyến xuyên biên giới.

ott-2.jpg
Dịch vụ OTT xuyên biên giới bùng nổ, kéo theo nhiều hệ lụy

Đối với dịch vụ trực tuyến trong nước, tất cả các đơn vị khi cung cấp dịch vụ OTT đều phải đăng ký và được cấp phép, chịu sự tác động của Luật Báo chí, Luật Điện ảnh và các nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực phát thanh, truyền hình.

Theo đó, nội dung chương trình khi chuyển tải đến cộng đồng đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch nội dung theo quy định Luật Báo chí, Luật Điện ảnh, góp phần làm phong phú nội dung, gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc và phát triển nền điện ảnh nước nhà.

Tuy nhiên, mặc dù có sự kiểm soát nội dung rất chặt chẽ nhưng vẫn còn đâu đó tình trạng “lọt sóng”, điển hình như những vụ hình ảnh bản đồ Việt Nam thiếu hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; hoặc mới đây là phim hoạt hình thiếu nhi xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” do Cục Điện ảnh kiểm duyệt bỏ sót. Chưa kể, nếu việc hậu kiểm nội dung như dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang đề xuất được chấp thuận phải chăng đang tiếp sức cho các OTT xuyên biên giới vô tư truyền tải những nội dung thông điệp không được chắt lọc, ảnh hưởng đến văn hóa, pháp luật Việt Nam.

Đó là các dịch vụ trong nước, nhưng đối với dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới, hầu hết các đơn vị nước ngoài không qua đăng ký cấp phép, máy chủ đặt tại nước ngoài, không có văn phòng đại diện, điển hình như Netflix. OTT xuyên biên giới Netflix hiện đứng thứ 2 trong top 5 OTT phổ biển nhất tại Việt Nam về người xem, đăng ký sử dụng, thanh toán phí xem từ 180.000 - 260.000 đồng/tháng qua hình thức trực tuyến. Điều này đồng nghĩa với việc Netflix có thể hoàn toàn rút khỏi Việt Nam cùng với tất cả doanh thu, mà không ai ngăn chặn được

Hay đơn cử như YouTube, có nhiều nội dung xấu, độc, nội dung nhảm nhí, khiêu dâm, bạo lực, cờ bạc còn nhan nhản trên YouTube. Cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào hậu kiểm dẫn đến việc các clip vi phạm sau khi bị gỡ bỏ thì người dùng vẫn có thể dễ dàng đăng tải và YouTube cũng không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

Ngoài ra, YouTube vẫn cho phép bật tính năng suggest (đề xuất) cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền mạnh mẽ trên nền tảng này.

Thêm nữa, do không có cơ chế kiểm duyệt nội dung như các đơn vị trong nước, nhiều nội dung chương trình, phim ảnh của các đơn vị nước ngoài (Netflix, TikTok...) dễ dàng đẩy những nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam mà không bị phát hiện sớm để ngăn chặn, kịp thời xử lý.

Cần công bằng với doanh nghiệp trong nước

Về quản lý nội dung, hiện nay, đối với các đơn vị trong nước khi đưa phim đến công chúng thông qua việc phát sóng trên truyền hình, hoặc đưa lên mạng internet phải tuân thủ các quy định của Luật Điện ảnh (giấy phép phổ biến phim, nội dung phim phải được kiểm duyệt trước khi phát hành, phổ biến phim, nhập khẩu phim qua hải quan phải có giấy phép nhập khẩu phim...)

Với kênh chương trình truyền hình, việc đăng ký, cung cấp, biên dịch, biên tập kênh chương trình nước ngoài phải tuân theo quy định tại Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18.1.2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Ngược lại, đối với các đơn vị nước ngoài, hiện nay khi cung cấp nội dung cho người dùng tại Việt Nam qua internet thì lại chưa có quy định buộc phải có giấy phép phổ biến phim, video, clip và cũng chưa có quy định về kiểm duyệt nội dung, trong khi đó Nghị định 06/2016/NĐ-CP chỉ điều chỉnh các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet thông qua các địa chỉ tên miền của trang thông tin điện tử hoặc các địa chỉ internet xác định do Việt Nam quản lý.

ott.jpg
Các OTT nội chấp hành mọi quy định của pháp luật ngày càng kém cạnh tranh trước những OTT xuyên biên giới không phép

Hiện nay, nhiều quốc gia đã đưa ra các quy định, biện pháp kỹ thuật, công nghệ nghiêm ngặt về siết chặt công tác quản lý, kiểm duyệt nội dung, thực hiện làm chậm, biên tập, biên dịch, xóa các cảnh nóng quá đẫm máu, bạo lực, khiêu dâm, lời thoại dung tục… nhằm đảm bảo an ninh, an toàn văn hóa từng dân tộc, từng quốc gia, ví dụ tại Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia…

Tại một cuộc hội thảo về vấn đề này, ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) cho rằng nội dung phát trên OTT đều là các chương trình truyền hình, ca nhạc, văn hóa, phim, được đóng gói rồi phát trên OTT bằng hình thức truyền qua internet. Truyền hình truyền thống đã truyền dẫn nhiều phương thức khác nhau, trong đó có OTT.

“Trên truyền hình truyền thống, từng chữ, từng dấu chấm dấu phẩy bị kiểm duyệt. Do đó, để công bằng, khách quan và bình đẳng, nội dung trên OTT cũng phải kiểm duyệt tương tự như vậy. Một quốc gia có “hàng rào”, nội dung khi đã phát sóng vào Việt Nam là phải có kiểm duyệt, đó chưa kể đến trên Amazon, Netflix có nhiều chương trình nội dung vô cùng nhạy cảm”, ông Úy nói.

Chủ tịch VNPayTV cũng khẳng định: “Không nên cổ súy cho bảo hộ ngược”. Hiện Luật Báo chí, Luật Điện ảnh đã quy định rõ về những nội dung phải được kiểm duyệt. Ví dụ như quy định các đài truyền hình trả tiền phải phát sóng 70% nội dung trong nước là để thúc đẩy nền công nghiệp điện ảnh nước nhà phát triển. Do đó, khi các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam cũng phải đảm bảo thực hiện pháp luật giống như doanh nghiệp trong nước.

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện thủ tục về đăng ký cấp phép hoạt động theo quy định của Việt Nam.

Ngoài ra, tất cả nội dung trước khi cung cấp tại Việt Nam phải thông qua khâu biên tập, biên dịch, kiểm duyệt đúng theo quy định Luật Báo chí, Luật Điện ảnh nhằm đảm bảo quản lý nhà nước chặt chẽ về nội dung chương trình truyền hình, nội dung phim ảnh giống như các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT trong nước. Nếu chưa tuân thủ quy định về thủ tục, điều kiện cấp phép thì không cho tham gia cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật kèm theo chế tài đủ mạnh để kiểm soát việc tuân thủ các quy định về kiểm duyệt nội dung theo Luật Điện ảnh và Luật Báo chí đối với tất cả các phim, chương trình truyền hình được các tổ chức nước ngoài cung cấp thông qua dịch vụ ứng dụng viễn thông xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam.

Lĩnh vực truyền hình OTT, vốn là dịch vụ cung cấp video trực tuyến, độc lập hoàn toàn với mọi nhà đài và các kênh truyền hình truyền thống, hiện 80% do nước ngoài sở hữu.

12 công ty truyền hình OTT xuyên biên giới tại Việt Nam là: WeTV (Tencent), IQIYI, NetFlix, Amazon Prime Video, iflix, Apple TV, QQLive, Bilibili, TrueID, Youku, MangoTV, GagaOOLala.

Hoài Lam