Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo nguy cơ Nga đưa quân vào Kazakhstan

Quốc tế - Ngày đăng : 07:52, 08/01/2022

Về sự hiện diện của các lực lượng Nga ở Kazakhstan, Ngoại trưởng Mỹ nói: "Có một bài học lịch sử gần đây là một khi người Nga ở trong nhà bạn, đôi khi rất khó để khiến họ rời đi".

Tổng thống Kazakhstan Kassym-JomartTokayev cho biết một đội quân của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh quân sự gồm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ do Nga đứng đầu, đã đến nước này "trong một thời gian ngắn" để thực hiện các chức năng phòng thủ và hỗ trợ.

Hôm 7.1, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ vẫn "rất lo ngại về tình trạng khẩn cấp đang diễn ra" ở Kazakhstan, và có câu hỏi về yêu cầu của nước này đối với các lực lượng gìn giữ hòa bình từ CSTO.

Blinken phát biểu: “Đối với tôi, dường như các cơ quan chức năng và chính phủ Kazakhstan chắc chắn có đủ năng lực để đối phó một cách thích hợp với các cuộc biểu tình và làm thể nào để tôn trọng quyền của những người biểu tình trong khi duy trì luật pháp và trật tự. Vì vậy, không rõ tại sao họ cảm thấy cần sự trợ giúp nào đó từ bên ngoài, và chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu thêm về điều đó".

Nhà ngoại giao số 1 Mỹ kêu gọi các lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO và cơ quan thực thi pháp luật Kazakhstan tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế để hỗ trợ giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng.

Về sự hiện diện của các lực lượng Nga ở Kazakhstan, Ngoại trưởng Mỹ nói: "Có một bài học lịch sử gần đây là một khi người Nga ở trong nhà bạn, đôi khi rất khó để khiến họ rời đi".

Tổng thư ký của tổ chức CSTO, Stanislav Zas, nói với hãng thông tấn Sputnik của Nga rằng khoảng 3.600 nhân viên của họ sẽ được triển khai tới Kazakhstan để bảo vệ chính phủ và các cơ sở chiến lược, đồng thời giúp duy trì trật tự công cộng. Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin một lữ đoàn lính dù đã đến Kazakhstan.

Ngay hôm qua, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đội máy bay vận tải gồm 70 chiếc IL-76 và 5 chiếc AN-124 đã chuyển lính và thiết bị cho lực lượng CSTO "suốt ngày đêm".

Về phía chủ nhà, Tổng thống Tokayev cảm ơn sự ủng hộ của người đứng đầu các nước CSTO và bày tỏ "lòng biết ơn đặc biệt" đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin vì đã "rất kịp thời và coi trọng nhất, đã phản ứng nhiệt tình hữu hảo trước lời kêu gọi của tôi".

Nhà lãnh đạo Kazakhstan cũng cảm ơn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chủ tịch các nước thành viên CSTO khác, tổng thống Uzbekistan, Thổ Nhĩ Kỳ và "các nhà lãnh đạo của LHQ và các tổ chức quốc tế khác đã dành những lời ủng hộ".

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các nhà báo hôm thứ 7.1, ông Putin đã nói chuyện qua điện thoại với các nhà lãnh đạo CSTO vào cả ngày 6 và 7.1.

Kazakhstan, quốc gia có diện tích lớn thứ chín thế giới và là nền kinh tế lớn nhất Trung Á. Quốc gia này thường tự hào về sự ổn định của mình trong một khu vực có nhiều xung đột.

Ngay cả trước khi giành được độc lập vào năm 1991, chính trường của Kazakhstan đã bị chi phối bởi một người - Nursultan Nazarbayev. Cái tên Nazarbayev được biết đến nhiều nhất ở phương Tây vì đã từ bỏ vũ khí hạt nhân và việc dời thủ đô đến thành phố tương lai Astana - nơi sau này được đổi tên thành Nur-Sultan, theo tên của chính ông.

Theo Reuters, những người chỉ trích cáo buộc Nazarbayev bổ nhiệm các thành viên gia đình và đồng minh vào các công việc quan trọng trong chính phủ, đồng thời gia đình ông được cho là kiểm soát phần lớn nền kinh tế Kazakhstan. Từ đó họ đổ lỗi bất ổn tại Kazakhstan hiện giờ bắt nguồn sâu xa từ cách quảy lý của Nazarbayev. Cho dù Nazarbayev đã rút lui năm 2019 nhưng ông vẫn là người có ảnh hưởng thực tế lớn nhất tại Kazakhstan.

Anh Tú