Chuyên gia: Lấy mẫu xét nghiệm nhanh từ mũi có thể không sớm phát hiện với Omicron

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 10:14, 08/01/2022

Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm, lấy mẫu từ mũi rồi xét nghiệm nhanh kháng nguyên có thể không phát hiện ra Omicron trong vài ngày đầu tiên sau khi nhiễm biến thể này, vì vậy các nhà sản xuất nên xin phép FDA phê duyệt để người dùng thu thập mẫu từ cổ họng an toàn.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã bày tỏ lo ngại về tính an toàn của việc tự lấy mẫu từ mũi phục vụ xét nghiệm nhanh.

Một người có thể truyền Omicron cho người khác khi vi rút nhiễm vào cổ họng và nước bọt nhưng trước khi đến mũi, thế nên ngoáy mũi quá sớm trong quá trình nhiễm trùng sẽ không lấy mẫu chính xác, theo Tiến sĩ Michael Mina, trước đây thuộc Harvard T.H. Chan School of Public Health và hiện là Giám đốc khoa học của eMed.

Theo một nghiên cứu được công bố trên medRxiv trước khi đánh giá đồng cấp, 29 người nhiễm Omicron trong các ngành nghề có nguy cơ cao đã thực hiện đồng thời xét nghiệm PCR và kháng nguyên nhanh nhiều ngày. Các xét nghiệm PCR với nước bọt phát hiện vi rút trung bình 3 ngày trước khi các mẫu ngoáy mũi rồi xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho kết quả dương tính.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Blythe Adamson (thuộc Infectious Economics - công ty giảm thiểu rủi ro tại New York, Mỹ), cho biết: “Khi mọi người xét nghiệm âm tính bằng kháng nguyên nhanh, họ vẫn có thể có tải lượng vi rút rất dễ lây truyền sang người khác”.

Tiến sĩ Michael Mina lưu ý rằng xét nghiệm kháng nguyên cho kết quả dương tính thường rất đáng tin cậy.

ngoai-mui-xet-nghiem-nhanh-co-the-khong-phat-hien-ra-nhiem-omicron.jpg
Một người đàn ông bị ngoáy mũiđể xét nghiệm COVID-19 ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ - Ảnh: Reuters

Trên mạng xã hội, một số chuyên gia đã khuyên những người dùng xét nghiệm kháng nguyên nên ngoáy họng trước khi ngoáy mũi. Tuy nhiên, FDA cho biết người dùng nên làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

FDA cho biết có những lo ngại về an toàn liên quan đến việc tự lấy gạc họng, "vì chúng phức tạp hơn gạc mũi và nếu sử dụng không đúng cách, có thể gây hại cho bệnh nhân".

FDA nói: “Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị nên lấy gạc cổ họng bởi nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có đào tạo”.

Tiến sĩ Michael Mina cho biết, trước khi FDA phê duyệt phương pháp ngoáy họng tại nhà, các nhà sản xuất sẽ cần tiến hành các nghiên cứu để chứng minh rằng người dùng có thể thực hiện xét nghiệm một cách an toàn và cung cấp hướng dẫn chi tiết với từng kit.

Michael Mina nói thêm rằng người đi ngược lại lời khuyên của FDA "tự chịu rủi ro”.

Ông lưu ý rằng kit xét nghiệm được cung cấp cho người tiêu dùng ở Anh có bao gồm cả hướng dẫn để ngoáy họng. Michael Mina nói: “Trong khi điều quan trọng là phải tuân theo hướng dẫn của FDA, chúng tôi cũng cần tuân theo khoa học".

Nghiên cứu cho thấy các triệu chứng khi nhiễm Omicron xuất hiện sớm hơn so với các biến thể khác.

Sở hữu công ty phát triển công nghệ để xác minh kết quả xét nghiệm kháng nguyên, Michael Mina cho biết: “Khi bạn cảm thấy các triệu chứng, hãy cho rằng bạn dương tính, nhưng hãy đợi sử dụng các xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho đến khi vài ngày trôi qua. Các xét nghiệm đang phát hiện ra Omicron tốt khi nó xâm nhập vào mũi”.

Omicron tăng vọt đẩy số ca nhập viện do COVID-19 ở Mỹ lên mức cao kỷ lục

Theo thống kê của Reuters, số ca nhập viện do COVID-19 ở Mỹ đã chuẩn bị đạt mức cao mới vào 7.1.2022, vượt qua kỷ lục được thiết lập vào tháng 1.2020, khi biến thể Omicron lây lan cực nhanh.

Số ca nhập viện đã tăng đều đặn kể từ cuối tháng 12.2022 khi Omicron nhanh chóng vượt qua Delta để trở thành biến thể SARS-CoV-2 chiếm ưu thế ở Mỹ, dù các chuyên gia cho rằng nó có thể sẽ ít gây tử vong hơn.

Tuy nhiên, các quan chức y tế cảnh báo rằng số lượng lớn ca nhiễm Omicron đang khiến các bệnh viện trở nên căng thẳng. Một số bệnh viện đang phải vật lộn để theo kịp dòng bệnh nhân vì nhân viên của họ mắc COVID-19.

Hôm 6.1.2022, Mỹ ghi nhận 662.000 ca COVID-19 mới. Đây là số ca COVID-19 cao thứ tư ở Mỹ, chỉ 3 ngày sau khi kỷ lục gần 1 triệu trường hợp, theo thống kê của Reuters.

Số người nhập viện do COVID-19 ở Mỹ hiện là 123.000 và chuẩn bị vượt qua kỷ lục 132.000 ca trước đây. Số ca tử vong do COVID-19 vẫn khá ổn định ở mức khoảng 1.400 một ngày, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của năm ngoái.

Tuy nhiên, dữ liệu nhập viện thường không phân biệt giữa những người nhập viện vì COVID-19 và những trường hợp được gọi là ngẫu nhiên liên quan đến những lý do khác, được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình xét nghiệm thông thường.

ngoai-mui-xet-nghiem-nhanh-co-the-khong-phat-hien-ra-nhiem-omicron2.jpg
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 trong phòng cách ly của họ tại đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) thuộc Bệnh viện Western Reserve, bang Ohio, Mỹ ngày 4.1.2022 - Ảnh: Reuters

Trong khi số người nhập viện tiếp tục tăng ở New York, Thống đốc Kathy Hochul và các quan chức bang khác bày tỏ sự lạc quan rằng điều tồi tệ nhất của đợt dịch Omicron có thể qua đi những ngày tới.

Tiến sĩ Mary Bassett, quyền Ủy viên Y tế của New York, cho biết: “Chúng tôi cần thêm vài ngày nữa để có thể nói rằng nó đã đạt đến đỉnh điểm. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thấy tháng 1 khó khăn nhưng mọi thứ sẽ tốt hơn nhiều vào tháng 2".

Các ca bệnh gia tăng đã buộc các hệ thống bệnh viện ở gần một nửa số bang của Mỹ phải hoãn các cuộc phẫu thuật tự chọn, phản ánh sự căng thẳng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vốn đã mất khoảng 3.100 lao động theo báo cáo việc làm hàng tháng của Mỹ hôm 7.1.2022.

Một số bác sĩ và y tá bày tỏ sự thất vọng trước sự gia tăng số bệnh nhân không tiêm vắc xin COVID-19. Họ nói không thể hiểu tại sao một người nào đó phớt lờ lời khuyên tiêm vắc xin COVID-19 từ bác sĩ nhưng sau đó lại tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia y tế khi bị bệnh này.

Lynne Kokoczka, y tá tại phòng chăm sóc đặc biệt tại trung tâm y tế học thuật đa khoa Cleveland Clinic ở bang Ohio, cho biết: “Rất nhiều trường hợp này là những cái chết không cần thiết”.

Tiến sĩ Hassan Khouli, chủ nhiệm khoa chăm sóc sức khỏe nghiêm trọng ở Cleveland Clinic, nói 90% bệnh nhân COVID-19 được chăm sóc đặc biệt bằng máy thở tại đây chưa tiêm vắc xin.

"Điều này thực sự gây thiệt hại cho các đội của chúng tôi. Tình trạng kiệt sức là một mối quan tâm lớn", Hassan Khouli nói.

Trong khi nhiều hệ thống trường học đã tuyên bố sẽ tiếp tục giảng dạy trực tiếp, một số đã phải đối mặt với việc đóng cửa khi số ca COVID-19 gia tăng. Tại Chicago, hệ thống trường công lập lớn thứ ba của Mỹ, các trường học đã đóng cửa trong ngày thứ ba liên tiếp trong bối cảnh giáo viên hướng dẫn về các biện pháp bảo vệ COVID-19.

Các quan chức tiếp tục nhấn mạnh tiêm vắc xin là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh hiểm nghèo, dù các lệnh liên bang yêu cầu thực hiện việc này gây tranh cãi về mặt chính trị.

Một nguồn tin cho Reuters biết các nhân viên Mỹ của công ty dịch vụ tài chính Citigroup ở New York chưa tiêm vắc xin COVID-19 trước ngày 14.1 sẽ bị cho nghỉ không lương và sa thải vào cuối tháng trừ khi được miễn tiêm phòng.

Thống đốc Kathy Hochul nói New York sẽ trở thành bang đầu tiên bắt buộc tiêm mũi vắc xin tăng cường cho các nhân viên y tế, trong khi chờ sự phê duyệt của hội đồng lập kế hoạch y tế bang. Bà Kathy Hochul cho biết cần tiêm mũi vắc xin tăng cường để giữ cho các y tá khỏe mạnh và có thể làm việc.

CDC chưa thấy biến thể Omicron gây bệnh nghiêm trọng hơn ở trẻ nhỏ

CDC vẫn chưa nhận thấy tín hiệu nào cho thấy biến thể Omicron gây bệnh nghiêm trọng hơn ở trẻ nhỏ mặc dù số ca nhập viện ngày càng gia tăng. Giám đốc CDC - Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết thông tin này trong cuộc họp báo hôm 7.1.2022.

Rochelle Walensky cho biết: “Chúng tôi chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy mức độ nghiêm trọng gia tăng ở trẻ em dưới 5 tuổi, những người chưa đủ điều kiện tiêm vắc xin”.

Bà nói rằng sự gia tăng số ca COVID-19 nói chung có thể là một lý do giải thích cho tăng số ca nhập viện.

Sơn Vân