Chủ tịch VCCI: Bây giờ không phải lúc siết chặt quy định về PPP

Sự kiện - Ngày đăng : 11:03, 29/05/2020

Bây giờ không phải là giai đoạn có thể siết chặt các quy định về PPP mà phải dỡ bỏ các rào cản để bảo đảm cho cả nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân có thể linh hoạt, thích ứng với cạnh tranh, chia sẻ được rủi ro và cùng hưởng lợi trong đầu tư”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc - Ảnh: Tiền Phong

Cần gỡ bỏ rào cản đầu tư PPP

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, Quốc hội bàn và thông qua luật về đối tác công tư (PPP) trong một bối cảnh đặc biệt “trăm năm có một”. Khi họp kỳ họp lần thứ 8, chưa có đại dịch COVID-19, tới kỳ họp thứ 9 thì nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế thế giới đã phải gánh chịu đủ những tác hại nặng nề của COVID. Hiện nay tình hình đã thay đổi một cách rất căn bản, khó khăn nhiều hơn, thách thức nhiều hơn.

Theo ông Lộc, bây giờ các nước trên thế giới và Việt Nam đang trong quá trình tái khởi động, phục hồi nền kinh tế. Một trong những việc làm đầu tiên là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và nâng cấp khu vực dịch vụ công để làm nền tảng trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

“Như vậy, chúng ta đang đứng trước một nhu cầu bùng nổ về đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng chúng ta lại đang đứng trước một thách thức là nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng rất hạn hẹp, kể cả nguồn lực của Chính phủ và của khu vực tư nhân, bởi vì cả 2 chủ thể này thì đều chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và đều suy giảm khả năng tài chính đầu tư”, ông Lộc nói.

Theo Chủ tịch VCCI, đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) bây giờ rủi ro hơn rất nhiều. Trong một bối cảnh như vậy, tư duy chính sách về phương thức PPP phải được thay đổi, không thể nguyên xi như 6, 7 tháng trước đây.

Theo đó, để có thể thực thi được trên thực tế các dự án PPP thì phải dỡ bỏ các rào cản, bảo đảm sự linh hoạt, khả năng chống chịu cao và sự phối hợp lợi ích phải hài hòa hơn. Bây giờ không phải là giai đoạn có thể siết chặt các quy định về PPP mà phải dỡ bỏ các rào cản để bảo đảm cho cả nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân có thể linh hoạt, thích ứng với cạnh tranh, chia sẻ được rủi ro và cùng hưởng lợi trong đầu tư

“Tôi xin báo cáo rõ đây là xu hướng toàn cầu. Cách đây 10 ngày, tại hội nghị quốc tế quan trọng về PPP đã diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới về PPP, các đại biểu đều chung một nhận định như vậy. Đối chiếu lại với dự thảo Luật PPP của chúng ta, tôi thấy dường như một số quy định đang đi ngược lại với xu thế chung và yêu cầu thực tiễn đó”, ông Lộc nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng thu hút đầu tư PPP sẽ khó khăn hơn đòi hỏi luật PPP phải xóa bỏ các rào cản.

Đại dịch COVID-19 diễn ra đã làm suy giảm nghiêm trọng nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Trong khi đại dịch trên toàn cầu vẫn còn diễn biến phức tạp và ngay sau khi đại dịch đi qua hoặc phải sống chung với dịch, Chính phủ cần tiến hành phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ công một cách nhanh chóng và mạnh mẽ nhằm tái thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và khuyến khích đầu tư.

Không hạn chế quy mô dự án

Ông Vũ Tiến Lộc cho hay các dự án PPP quy mô lớn thông thường sẽ mất nhiều thời gian để triển khai trong khi các dự án nhỏ có thể triển khai nhanh và đem lại hiệu quả sớm hơn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục kinh tế.

Việc quy định quy mô tối thiểu các dự án như trong dự luật PPP hiện nay không cần thiết vì nó sẽ bỏ lỡ các dự án PPP quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế - xã hội và phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương.

Mặt khác, việc quy định hạn chế lĩnh vực đầu tư PPP (hiện tại dự luật PPP chỉ bao gồm 5 lĩnh vực) cũng là một rào cản thu hút đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực CSHT khác. Việc mở rộng hoặc thậm chí không hạn chế lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP có ý nghĩa quan trọng trong việc huy động tối đa nguồn lực tài chính, công nghệ, kỹ thuật của khu vực tư nhân đáp ứng nhu cầu đa dạng về CSHT và dịch vụ công của quốc gia trong thời gian tới.

Ông Lộc cũng nhận định đầu tư PPP sẽ trở nên rủi ro hơn cho khu vực tư nhân, cách thức phân bổ và quản lý rủi ro cần có sự linh hoạt hơn.

Trong đại dịch COVID-19, hầu hết các quốc gia áp dụng phong tỏa hoặc giãn cách xã hội dẫn đến nhu cầu sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước sụt giảm dẫn đến nguồn thu của nhiều dự án bị sụt giảm mạnh. Các vấn đề địa chính trị, kinh tế thế giới làm cho các hoạt động đầu tư xuyên biên giới và các dự án dài hạn trở nên rủi ro hơn.

Trước thực tiễn này, để thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng dài hạn, Luật PPP nên được xem là luật khung và không nên đi vào chi tiết quy định cách thức và tỷ lệ chia sẻ rủi ro của nhà nước. Việc quy định chi tiết một số loại bảo lãnh của Chính phủ cho dự án PPP như trong dự luật hiện tại vừa thừa lại vừa thiếu.

“Thừa vì nó không tạo ra sự linh hoạt cho cả khu vực công và khu vực tư trong các dự án PPP khác nhau. Đồng thời nó lại thiếu khi xét các rủi ro khác cần sự tham gia của Nhà nước thì lại không được đề cập, ví dụ như bảo lãnh trách nhiệm thực hiện hợp đồng trong bối cảnh mức độ tín nhiệm quốc gia còn thấp. Trên cơ sở luật khung, tùy theo định hướng chính sách và nguồn lực quốc gia trong từng giai đoạn, Chính phủ sẽ nên có các hướng dẫn và quy định cụ thể”, ông Lộc nêu.

Chủ tịch VCCI cũng cho rằng cách thức sử dụng dịch vụ công của người sử dụng có sự thay đổi mạnh mẽ, cần khuyến khích tính sáng tạo và đổi mới của khu vực tư nhân trong các dự án PPP để đáp ứng các nhu cầu tương lai.

“Cách thức sử dụng dịch vụ công nói chung của người sử dụng có sự dịch chuyển rất lớn sang kết hợp với các dịch vụ ứng dụng số và công nghệ. Luật PPP cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân trong các dự án cơ sở hạ tầng và đây cũng chính là lý do cần có sự tham gia của khu vực tư nhân bên cạnh mục đích thu hút vốn”, ông Lộc nêu quan điểm.

Do đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, để thúc đẩy vấn đề này, việc yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ lợi nhuận tạo ra do sự sáng tạo, đổi mới của khu vực tư nhân cần phải hủy bỏ. Các quy định về kiểm toán nhà nước đối với hoạt động của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong dự luật PPP cần áp dụng theo thông lệ quốc tế dựa trên nguyên tắc tôn trọng hợp đồng PPP và hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư.

Lam Thanh