Hà Nội lên phương án phòng chống dịch khi Tết Nguyên đán cận kề
Sự kiện - Ngày đăng : 18:35, 09/01/2022
Người dân lơ là phòng chống dịch
Thời điểm Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 đang tới gần, khi người dân khắp nơi bắt đầu đổ xô đi sắm Tết hoặc giao thương buôn bán, tỷ lệ lây nhiễm các ca F0 trong cộng đồng càng tăng cao. Hà Nội với vị thế trung tâm đã có những kế hoạch cụ thể để chuẩn bị cho tình hình dịch bệnh đang tăng nhanh một cách căng thẳng nhất. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và số ca mắc tăng cao, nhất là đối với nhóm có nguy cơ cao, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu các huyện, thị xã tăng cường công tác phòng chống dịch, đặc biệt triển khai tiêm mũi 3 cho người dân toàn thành phố.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết việc các ca mắc COVID-19 tại Hà Nội tăng lên trong những ngày gần đây đã được dự báo từ trước, thậm chí còn dự tính có tới 5.000 ca nhiễm COVID-19 trong 1 ngày. Đây là việc chắc chắn sẽ xảy ra khi thành phố dỡ bỏ giãn cách xã hội. "Về cơ bản người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì ngành y tế đang thực hiện tiêm chủng mũi 3 cho toàn bộ người dân thành phố, kể cả đối với người mắc bệnh nền, có nguy cơ cao cũng sẽ được tiêm vắc xin đầy đủ để giảm tỷ lệ tử vong trong cộng đồng. Các hoạt động xã hội vẫn diễn ra bình thường theo tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh nên nếu có ca F0 xuất hiện thì tiến hành phong tỏa diện hẹp theo từng hộ hoặc khu vực nhỏ.
Đánh giá về cấp độ dịch của Hà Nội trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết: Hiện thành phố có 30 quận huyện, thị xã vẫn ở cấp độ 2. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh hiện nay khi các ca bệnh cao, nếu người dân không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch thì thời gian tới các ca mắc sẽ tiếp tục tăng, cấp độ dịch của TP cũng sẽ tăng theo.
Hà Nội ứng phó với kịch bản mắc 5.000 ca mỗi ngày
Đưa ra các giải pháp cụ thể về tình hình ứng phó với dịch bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng hiện thành phố đã có chủ trương khuyến cáo người dân về từ các tỉnh, thành phố có dịch cần tuân thủ nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày về Hà Nội. Đồng thời luôn thực hiện thông điệp 5K. Người dân cần khai báo y tế, chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để được xét nghiệm và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội cũng phát hiện nhiều F0 trong cộng đồng thông qua sàng lọc ho, sốt. Vì vậy, đơn vị cũng khuyến cáo người dân nếu có một trong các biểu hiện (như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác), cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh COVID-19. “Chúng ta cũng đã xác định sống chung an toàn với dịch bệnh, vì vậy nếu có triệu chứng, người dân cần phải đi khám ngay để được hướng dẫn và điều trị kịp thời. Đối với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất… cần có xét nghiệm định kỳ cho công nhân, người lao động để phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời”.
Theo ông Phu, khi mà số ca mắc cao quá có thể dẫn tới quả tải hệ thống y tế và vẫn có thể ảnh hưởng tới ca bệnh nặng, tử vong. Theo Nghị quyết 128, làm sao vừa kiểm soát được dịch một cách an toàn linh hoạt, quan trọng không để tăng số ca mắc nặng, tử vong và quá tải hệ thống y tế, muốn vậy thì phải kiểm soát được số ca nhiễm. "Theo tôi, chúng ta có thể phân làm 2 khái niệm: Người nhiễm là những người xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và bệnh nhân là những người có triệu chứng và để đưa ra cách báo cáo, giám sát, theo dõi và điều trị cho từng đối tượng này. Cụ thể là thay đổi hình thức thống kê khi chúng ta cần phân rõ hai con số giữa ca nhiễm và những người mắc bệnh (có triệu chứng và được điều trị, đi bệnh viện) để có những đáp ứng cụ thể và trúng hơn trong việc phòng, điều trị và cấp cứu bệnh nhân", ông Phu cho biết thêm.
Với kịch bản ứng phó khi Hà Nội có tới 5.000 ca mắc mỗi ngày, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội cho biết hiện có những ngày bệnh viện tiếp nhận tới gần 200 bệnh nhân chuyển biến nặng khi bị nhiễm COVID-19. Khi các bệnh nhân nặng nhập viện, người nhà của bệnh nhân hoàn toàn không thể theo để chăm sóc được mà toàn bộ đổ dồn vào các nhân viên y tế nên việc quá tải ở các bệnh viện tuyến đầu lúc nào cũng căng thẳng, đặc biệt khi chủng Omicron xâm nhập. "Khi biến chủng mới xâm nhập, những người có bệnh nền, cao tuổi sẽ bị biến chứng rất nặng, gây quá tải, ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh. Chính vì vậy, cộng đồng nên đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh, thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chuyên môn dù chúng ta đã tiêm vắc xin, kể cả đối với bệnh nhân đã tiêm đủ 3 mũi. Tiêm mũi tăng cường với hy vọng bao phủ kháng thể tốt hơn, chống chọi với khả năng xâm nhập của virus chứ không hoàn toàn tuyệt đối đã tiêm mũi 3 là không miễn nhiễm" - bác sĩ Hoàng Hải cảnh báo.
Đưa ra lời khuyên đối với người dân khi Tết Nguyên đán sắp tới, bác sĩ Hoàng Bùi Hải cho hay: “Tết Nguyên đán sắp tới chúng ta vẫn có một số hoạt động vui chơi ngày Tết. Có thể thấy rằng khi COVID-19 xảy ra chúng ta nên sống chậm hơn một tí cũng là hay, ở với gia đình cũng là chuẩn mực. Mọi người hoàn toàn có thể có cái Tết vui vẻ, đầm ấm trong chính gia đình mình. Để phòng tránh dịch, chúng ta có thể gọi điện chúc Tết và các biện pháp chúc Tết từ xa thay vì tập trung tại khu vui chơi nào đó rất đông người. Các hoạt động Tết hay Lễ hội thì mọi người cần hạn chế và nên ở nhà, khai thác hết khía cạnh tình cảm mà lâu nay bận rộn quá chúng ta chưa để ý đến. Đây cũng là điều thú vị, mọi người nên tập trung về gia đình, gia đình là nơi quan trọng nhất, hoạt động như vậy sẽ giảm nguy cơ tăng nhiễm”.