TP.HCM dành ra 900 tỉ đồng để tổ chức các hoạt động chăm lo dịp Tết cho người dân
Sự kiện - Ngày đăng : 19:30, 09/01/2022
Những vấn đề trọng tâm trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 là công tác phòng chống dịch COVID-19, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ tết, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chăm lo tết...
Tại chương trình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhận xét, tình hình dịch COVID-19 ở TP.HCM đang có chuyển biến tích cực và thành phố đang đạt cấp độ 1, trở thành “vùng xanh”. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp với biến thể mới Omicron, đòi hỏi các cấp, các ngành và người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Ông Dương Anh Đức chia sẻ, trong dịp tết, TP.HCM tập trung thực hiện đầy đủ các chính sách, đặc biệt là các chính sách đối với lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch. Lãnh đạo TP.HCM đã có chỉ đạo Sở Y tế, Bộ Tư lệnh TP.HCM và các đơn vị đã điều động lực lượng tham gia phòng chống dịch bằng mọi giá phải hoàn tất việc chi hỗ trợ trước tết Nguyên đán 2022.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ chăm lo tết đối với các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, các trạm y tế, trạm y tế lưu động, các khu phố và tất cả đơn vị đã tham gia phòng chống dịch, giúp cho thành phố được yên bình hơn.
Về chính sách chăm lo Tết, ông Đức cho biết dù khó khăn nhưng TP vẫn chuẩn bị kinh phí lớn với 900 tỉ đồng. Để chuẩn bị đón Tết an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình, ông đã đề nghị các cấp các ngành, các địa phương thực hiện đầy đủ các chương trình chăm lo Tết, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người khó khăn do dịch. Vận động các đơn vị trả lương thưởng sớm để người lao động chủ động mua sắm Tết.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng yêu cầu tăng cường giám sát và nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, kế hoạch trả lương và các khoản trợ cấp cho công nhân. Hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp khó khăn và chăm lo cho người lao động, sinh viên không về quê.
Tại chương trình, chính sách chăm lo Tết cho người dân nghèo cũng được nhiều cử tri quan tâm.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết các đơn vị đã phối hợp xây dựng kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội cho người dân từ sớm với tinh thần cố gắng không để sót người cần hỗ trợ, đảm bảo không để người dân nào vì quá khó khăn mà không có Tết. Do vậy, các đơn vị hỗ trợ thêm chứ không triển khai thành các gói hỗ trợ như gói 1, 2, 3 đã làm.
Theo đó, hệ thống mặt trận các cấp của TP.HCM dự kiến huy động và chăm lo hơn 200.000 suất quà với trị giá trên 200 tỉ đồng. Riêng ban thường trực MTTQ Việt Nam TP.HCM và Trung tâm An sinh cũng huy động và hỗ trợ trên 40.000 phần quà với trị giá trên 46 tỉ đồng. So với năm ngoái, số tiền chăm lo cho người dân tăng hơn 21 tỉ đồng trong dịp tết Nhâm Dần 2022.
Ngoài ra, TP.HCM tiếp tục vận động chăm lo cho đoàn viên hội viên, hỗ trợ vé xe cho công nhân, sinh viên, người khuyết tật… Đặc biệt trong đó là có chính sách chăm lo trên 2.100 trẻ em mồ côi, 380 người già neo đơn vì COVID-19.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP, cho biết hiện tất cả quận huyện và TP.Thủ Đức đang khẩn trương hoàn tất chi trước 15.1, theo chỉ đạo của UBND TP.
Cùng với đó, Sở LĐ-TB-XH TP đã trình UBND TP kế hoạch đi thăm và tặng quà bổ sung cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch COVID-19. TP.HCM sẽ thăm và hỗ trợ 3 triệu đồng cho gia đình của lực lượng tuyến đầu phòng dịch không may tử vong; Thăm và hỗ trợ 2 triệu đồng cho lực lượng tham gia tuyến đầu có cha mẹ tử vong do COVID-19.
Vấn đề thưởng Tết, ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết qua khảo sát, có trên 50% doanh nghiệp gặp khó về kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cố gắng thưởng Tết cho người lao động theo quy chế. Đồng thời, nhiều chương trình như hỗ trợ vé xe, tặng quà hỗ trợ cũng được nhiều doanh nghiệp thực hiện.
Về chuẩn bị số lượng hàng hóa lớn cho hàng tết, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng có quy mô gần 19.900 tỷ đồng. Trong đó, nguồn hàng hóa bình ổn thị trường chiếm hơn 7.200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Nguyên Phương đánh giá, các mặt hàng bình ổn dự trữ chiếm tỷ trọng từ 20-54% của thị phần, sẽ hoàn toàn có thể cung ứng đầy đủ, kịp thời và điều tiết thị trường. Các doanh nghiệp cam kết giữ giá bán ổn định trong 1 tháng trước và 1 tháng sau tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thịt gia cầm, trứng gia cầm.
Bên cạnh giữ giá, các doanh nghiệp, nhà phân phối còn thực hiện nhiều chương trình giảm giá sâu – đặc biệt là trong thời gian 2-3 ngày trước tết – giúp cho công nhân, người lao động sắm tết với giá cả hợp lý. Hệ thống phân phối cũng kéo dài thời gian phục vụ, mở cửa sớm hơn và đóng cửa muộn hơn để người dân mua sắm thuận lợi.
Trao đổi thêm về việc cung ứng hàng hóa, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) thông tin, đơn vị này đã chuẩn bị lượng hàng trị giá trên 5.000 tỷ đồng phục vụ tết. Số lượng hàng bình ổn đã dự trữ gấp 2-3 lần so với thông thường, nhất là đối với hàng thiết yếu. “Lượng hàng hóa rất dồi dào, đảm bảo nhu cầu của người dân trong dịp tết, người dân cứ yên tâm”, ông Nguyễn Anh Đức nhắn nhủ.