TP.HCM là vùng xanh nhưng không có nghĩa toàn bộ học sinh đều được đến trường
Giáo dục - Ngày đăng : 18:50, 10/01/2022
Chiều 10.1, tại họp báo thường kỳ của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Công tác chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết việc tổ chức dạy học trực tiếp cho các em học sinh trên địa bàn TP được thực hiện theo kế hoạch và chỉ đạo của UBND TP. Hiện nay, đối tượng đi học trực tiếp là học sinh từ lớp 7 đến lớp 12.
Từ ngày 4.1, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, trung tâm giáo dục kỹ năng sống ngoài giờ chính khóa cũng được dạy trực tiếp. “Điều này đồng nghĩa với việc không phải cứ vùng xanh thì tất cả các em học sinh sẽ được đi học”, ông Trọng nói.
Đối với các học sinh từ lớp 6 trở xuống, ông Trọng cho biết ngành giáo dục đang tham mưu cho lãnh đạo TP về lộ trình cũng như đối tượng được đi học trực tiếp trở lại; đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục chuẩn bị sẵn sàng đón các em học sinh đi học trở lại trong thời gian tới theo chỉ đạo của UBND TP.
“Việc tổ chức dạy học trực tiếp của mỗi địa phương hay của TP sẽ thay đổi hình thức dạy học khi thay đổi cấp độ dịch. Điều này đã được Sở GD-ĐT TP triển khai các văn bản cụ thể ngay từ đầu tổ chức việc học trực tiếp trở lại. Khi thay đổi cấp độ dịch, các cơ sở giáo dục sẽ thay đổi hình thức tổ chức dạy học tương ứng. Đây là thể hiện sự linh hoạt trong tổ chức dạy học trực tiếp ở thời điểm mà chúng ta đang phòng chống dịch”, ông Trọng chia sẻ.
Ông Trọng cũng khẳng định không có chuyện phải chờ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh tiểu học rồi mới tổ chức cho cấp học này đi học trực tiếp trở lại. Việc tiêm vắc xin chỉ là một trong những tiêu chí để đảm bảo an toàn cho học sinh, còn việc đi học trở lại không chỉ dựa vào việc tiêm vắc xin mà dựa vào nhiều điều kiện khác.
“Dù hiện nay khối lớp 6 trở xuống chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhưng ngành giáo dục đang có sự chuẩn bị để tham mưu cho lãnh đạo TP mở rộng dạy học trực tiếp cho các khối lớp này, kể cả mầm non. Còn kế hoạch học cụ thể như thế nào phải chờ lãnh đạo UBND TP. Ngành giáo dục TP đã sẵn sàng đón tiếp tất học sinh các khối lớp còn lại đi học trực tiếp”, ông Trọng thông tin.
Đại diện Sở GD-ĐT cho biết trong thời gian qua, 7.500 học sinh bậc tiểu học đã thực hiện hồ sơ chuyển trường, đa số chuyển về các tỉnh để học trực tiếp vì TP.HCM chưa thể tổ chức cho các em đến trường.
Cũng theo ông Trọng, Sở GD-ĐT tạo điều kiện cho người dân sinh sống, làm việc theo điều kiện thuận lợi nhất của từng gia đình. Mục tiêu là chăm lo tốt nhất cho học sinh, để việc học của các em được liên tục, không gián đoạn. Dù tiếp tục học ở thành phố hay chuyển về các tỉnh để đi học trực tiếp thì Sở đều tạo điều kiện cho phụ huynh được chuyển trường.
Riêng 2 địa phương là quận 4 và huyện Củ Chi tổ chức cho các em học sinh khối lớp 7, 8, 10 và 11 chậm hơn so với với các quận huyện khác, nhưng theo ông Trọng hiện nay tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp ở đây khá cao.
Riêng đối với huyện Củ Chi, có 7/7 trường THPT tổ chức đủ 3 khối 10, 11, 12 đi học trực tiếp; 24/24 trường THCS tổ chức cho 3 khối 7, 8, 9 đi học trực tiếp. Trong đó, tỷ lệ học sinh đi học ở khối lớp 7 là 89%, khối lớp 8 là 87%, khối lớp 9 là 96%, khối lớp 10 là 95%, khối lớp 11 là 97% và khối lớp 12 là 97%...
“Dù bắt nhịp hơi trễ so với các quận huyện khác, nhưng đến nay việc học trực tiếp tại huyện Củ Chi đã hòa nhịp chung với các địa phương khác của TP”, ông Trọng nói.