Người dân mệt mỏi vì đại dịch COVID-19 và tiêm vắc xin, vài nước thận trọng với mũi thứ 4

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 20:42, 10/01/2022

Một số quốc gia dự định tiêm liều vắc xin thứ 4 để đối phó với sự gia tăng đột biến số ca COVID-19 do biến thể Omicron gây ra. Tuy nhiên, các dấu hiệu ban đầu cho thấy việc tiêm chủng lặp lại có thể gặp trở ngại vì nhiều người cảm thấy mệt mỏi khi bước vào năm thứ 3 của đại dịch.

Nhiều quốc gia triển khai mũi vắc xin tăng cường những tháng gần đây, có thể làm chậm lại đợt tiêm chủng đầu tiên ở một số nước nghèo.

Các chuyên gia về dịch bệnh nói rằng việc thay đổi nhanh chóng thông điệp y tế công cộng khi đối mặt với Omicron, loại vi rút đột biến cao và lây lan nhanh, đã gây ra sự nhầm lẫn và không tin tưởng vào lợi ích của mũi vắc xin tăng cường.

Biến thể Omicron có hơn 30 đột biến trên protein gai - mục tiêu mà hầu hết các loại vắc xin COVID-19 hiện tại nhắm đến. Những thay đổi này làm tăng khả năng lây truyền của Omicron, cho phép vi rút tránh được sự bảo vệ khỏi bệnh có triệu chứng nhờ tiêm vắc xin và khỏi COVID-19 trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết vắc xin vẫn là công cụ quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng và tử vong do COVID-19.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy mũi vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna thứ 3 có thể khôi phục lại phần lớn khả năng bảo vệ đã mất sau khi tiêm 2 liều đầu tiên.

Thế nhưng, dữ liệu của chính phủ Anh công bố vào tháng 12.2021 chỉ ra rằng mũi vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna thứ 3 chỉ bảo vệ bạn chống nhiễm Omicron có triệu chứng khoảng 10 tuần, đặt ra câu hỏi về việc liệu có cần tiêm bổ sung trong thời gian ngắn không.

Dựa trên các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, Giám đốc phụ trách khoa học của Pfizer - Mikael Dolsten nói với CBS News vào đầu tháng 12.2021 rằng "rất có thể sẽ cần đến liều vắc xin thứ 4 trong vòng vài tháng nếu Omicron vẫn là phiên bản SARS-CoV-2 thống trị".

Israel đã tiêm liều vắc xin Pfizer-BioNTech thứ 4 cho những người từ 60 tuổi, nhân viên y tế và những ai bị suy giảm miễn dịch để chống lại đợt dịch Omicron. Các quan chức chính phủ Israel nêu bằng chứng ban đầu rằng mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ 4 là an toàn và giúp tăng kháng thể gấp 5 lần sau khi tiêm 1 tuần.

"Một tuần sau liều vắc xin thứ tư, chúng tôi biết ở mức độ chắc chắn cao hơn rằng tiêm liều này là an toàn", ông Naftali Bennett nói tại Trung tâm Y tế Sheba, nơi tiêm mũi tăng cường thứ hai ở một cuộc thử nghiệm giữa các nhân viên của mình trong bối cảnh gia tăng toàn quốc về số ca nhiễm biến thể Omicron.

Naftali Bennett cho biết thêm: "Chúng tôi biết rằng một tuần sau khi chích liều thứ 4, chúng tôi thấy số lượng kháng thể ở người được tiêm chủng tăng gấp 5 lần. Điều này rất có thể đồng nghĩa với sự gia tăng đáng kể khả năng chống lại nhiễm vi rút, nhập viện và các triệu chứng nghiêm trọng".

nguoi-dan-met-moi-vi-dai-dich-covid-19-va-tiem-vac-xin-vai-nuoc-than-trong-voi-mui-tiem-thu-4.jpg
Y tá chuẩn bị liều mũi vắc xin COVID-19 thứ 4 cho người dân trong khuôn khổ cuộc thử nghiệm ở Israel tại Trung tâm Y tế Sheba - Ảnh: Reuters

Tại Mỹ, cuối tháng 12.2021, Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Nhà Trắng, nói "có thể tưởng tượng được" rằng sẽ cần mũi vắc xin bổ sung. Song, ông cho biết quyết định về liều tiếp theo sẽ dựa trên thông tin về độ bền của mũi vắc xin tăng cường hiện có.

Những người bị suy giảm miễn dịch ở Mỹ được cung cấp 3 liều vắc xin như một phần của loạt tiêm chủng ban đầu và một mũi tiêm nhắc lại 6 tháng sau đó.

Các quan chức y tế ở Hà Lan và Đức đưa ra quan điểm về sự cần thiết của việc tiêm mũi vắc xin tăng cường thứ 2. Trong khi các quan chức Pháp cho biết sẽ không đưa ra quyết định cho đến giữa tháng 2 hoặc tháng 3.2022 khi có thêm dữ liệu.

Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng và Miễn dịch Anh (JCVI) cho biết vẫn chưa cần đến mũi tiêm vắc xin COVID-19 thứ 4, vì liều thứ 3 vẫn đang cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại bệnh nặng do Omicron ở người lớn tuổi.

Theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), các số liệu mới nhất cho thấy, với những người trên 65 tuổi, khả năng bảo vệ chống lại nhập viện vẫn ở mức khoảng 90% trong 3 tháng kể từ khi tiêm mũi vắc xin thứ 3.

Điều đó đồng nghĩa JCVI đã khuyến nghị chính phủ tiếp tục ưu tiên tiêm mũi vắc xin thứ 3 cho tất cả người lớn, thay vì bắt đầu cung cấp liều thứ tư cho các nhóm dễ bị tổn thương như những người từ 80 tuổi hoặc cư dân tại nhà chăm sóc. Qua đó, Anh đánh dấu việc không theo đuổi chiến lược tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ 4 của Israel.

Giáo sư Wei Shen Lim, Chủ tịch JCVI, nói: “Dữ liệu hiện tại cho thấy mũi vắc xin tăng cường đang tiếp tục cung cấp mức độ bảo vệ cao chống lại bệnh COVID-19 nghiêm trọng, ngay cả với những nhóm tuổi già dễ bị tổn thương nhất. Vì lý do này, ủy ban đã kết luận rằng không cần thiết phải đưa ra liều tăng cường thứ hai ngay lập tức, dù điều này sẽ tiếp tục được xem xét”.

Ông Wei Shen Lim nói thêm rằng dữ liệu là "rất đáng khích lệ" và nhấn mạnh giá trị của mũi vắc xin tăng cường.

Với việc Omicron tiếp tục lan truyền rộng rãi, tôi khuyến khích mọi người nhận mũi vắc xin tăng cường, hoặc nếu chưa chủng ngừa thì tiêm hai liều đầu tiên, để tăng khả năng bảo vệ chống lại bệnh trọng”, ông Wei Shen Lim nói.

Dữ liệu dựa trên nghiên cứu của UKHSA xem xét hiệu quả mũi vắc xin thứ 3 ở những người từ 65 tuổi. Họ thuộc những người đầu tiên đủ điều kiện tiêm mũi vắc xin tăng cường kể từ khi khởi động chiến dịch vào giữa tháng 9.2021.

“Vì sao tôi cần tiêm mũi vắc xin thứ 4?”

Yasmin Maor, thành viên của ban cố vấn cho chính phủ Israel, khuyến nghị tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ 4 cho những người có nguy cơ cao nhất. Bà nói trong cuộc họp báo vào tháng trước rằng mọi người có thể cần phải chuẩn bị tiêm nhiều mũi vắc xin COVID-19 một năm để ứng phó với đại dịch này.

Với nhiều người, thông điệp đó không được hoan nghênh, ngay cả trong số những ai sẵn sàng tiêm những liều vắc xin COVID-19 đầu tiên.

Dữ liệu y tế gần đây cho thấy 9% dân số Israel đã tiêm 2 liều vắc xin nhưng chưa nhận mũi thứ 3. Cần chú ý là vào tháng 10.2021, Israel đã gây áp lực lên các công dân đã tiêm 2 liều vắc xin khi yêu cầu những người chích liều thứ 3 mới đủ điều kiện nhận "thẻ xanh" để vào nhà hàng, phòng tập thể dục và nhiều địa điểm khác. Bắt đầu từ 5.10.2021, chủ cửa hàng hoặc nhà tổ chức sự kiện ở Israel phải quét mã vạch kỹ thuật số của khách hàng trước khi cho phép vào trong. Sẽ có một số trường hợp miễn trừ, chẳng hạn như bảo tàng và thư viện.

Tại Nga, dữ liệu còn thưa thớt, nhưng tại lần cập nhật cuối cùng vào ngày 12.12.2021, Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko cho biết 10 triệu người đã nhận mũi vắc xin COVID-19 tăng cường, so với 73 triệu người Nga (khoảng một nửa dân số) mới tiêm 2 liều.

Tại Mỹ, 62% dân số (tương đương 207 triệu người) được coi đã được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ tính đến ngày 7.1.2022. Hơn 1/3 trong số đó (73 triệu) đã nhận mũi vắc xin thứ 3. Một số chuyên gia gợi ý rằng tiêm mũi tăng cường nên được đưa vào định nghĩa mới về tiêm chủng đầy đủ ở Mỹ.

Tiến sĩ Angela Rasmussen, nhà vi rút học tại Đại học Saskatchewan ở Canada, cho biết ở Mỹ, mũi vắc xin tăng cường được mô tả như cách giúp đất nước thoát khỏi đại dịch. Thế nhưng, khả năng lây nhiễm của Omicron với nhiều người nhận mũi vắc xin tăng cường (dù thường bị bệnh nhẹ hơn) đã thay đổi quan niệm đó.

"Có hàng tá giai thoại về những người đã nhận mũi vắc xin tăng cường nhiễm Omicron và tôi nghĩ rằng rất nhiều người đang nói: Việc gì phải vội vàng? Tại sao tôi thậm chí cần phải làm điều này?”, bà Angela Rasmussen cho hay.

Để trả lời câu hỏi đó, Angela Rasmussen nói lý do là dù có thể không ngăn ngừa được nhiễm Omicron nhưng mũi vắc xin tăng cường sẽ giúp mọi người không bị đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt.

Một phần của sự thất vọng bắt nguồn từ bản chất của chính loại vi rút SARS-CoV-2 luôn biến đổi, khiến người ta buộc phải cập nhật chính sách thường xuyên về mọi thứ, từ đeo khẩu trang đến các yêu cầu cách ly khiến dân hoang mang và không tin tưởng.

Jason Gallagher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trường dược của Đại học Temple (Mỹ), nhận xét: "Người dân đang tìm kiếm mức độ chắc chắn không thể tồn tại trong một tình huống liên tục thay đổi".

Sơn Vân