TP.HCM duy trì gần 400 trạm y tế lưu động ứng phó với biến thể Omicron

Sự kiện - Ngày đăng : 20:35, 10/01/2022

TP.HCM duy trì 391 trạm y tế lưu động trên toàn thành phố nhằm sẵn sàng ứng phó với biến thể Omicron.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM đã khẳng định như thế tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP vào chiều 10.1.2022.

Theo bà Mai, hiện nay ngoài 310 trạm y tế cố định ở mỗi xã, phường, thị trấn, TP.HCM còn lập 391 trạm y tế lưu động. Trong đó các tổ quân y đảm trách 168 trạm y tế lưu động với lực lượng dao động khoảng 400 người.

“Khi lực lượng quân y rút đi trước Tết Nguyên đán theo kế hoạch, các trạm lưu động vẫn duy trì hoạt động, không phải do F0 tăng mà để chủ động ứng phó với biến chủng Omicron”, bà Mai nói.

Theo bà Mai, nhân sự để tiếp nhận các trạm y tế lưu động được thành phố huy động từ nhiều nguồn. Thứ nhất là nhân sự từ các bệnh viện sẽ được phân bổ cho 150 trạm lưu động. Thứ hai là vận động các bác sĩ mới tốt nghiệp xung phong về trạm y tế. Với nhóm bác sĩ trẻ này, Sở Y tế sẽ có tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ cũng như cơ chế chính sách phù hợp đảm bảo hoạt động cho họ khi làm việc tại trạm lưu động.

Nguồn nhân lực để thay thế cho khoảng 400 nhân viên quân y trên, TP sẽ lấy từ các bệnh viện phân bố cho 150 trạm y tế lưu động; lực lượng bác sĩ mới ra trường. Ngoài ra, ngành y tế huy động các sinh viên các trường y trên địa bàn TP để hỗ trợ công tác thăm hỏi, chăm sóc, tiêm ngừa, lấy mẫu xét nghiệm…

400-nhan-vien-quan-y-rut-khoi-tphcm-bo-sung-luc-luong-bang-cach-nao-hinh-anh(1).png
Lực lượng  y tế đến TP.HCM hỗ trợ chống dịch COVID-19 - Ảnh: PV

Song song đó, UBND các quận, huyện bố trí lực lượng y tế trên địa bàn, bao gồm các trạm y tế cố định, huy động thêm lực lượng y tế tư nhân, các nhà thuốc đồng hành, các hội đoàn như: Hội Đông y, Hội chữ thập đỏ… và các tình nguyện viên ở các địa phương.

“Tùy theo địa phương, tùy theo số F0 mà số trạm y tế lưu động tăng lên hay giảm xuống”, bà Mai nói.

Đối với việc hỗ trợ cho những bệnh nhân bị rối loạn tâm thần hậu COVID-19, bà Mai cho biết, ngoài việc tổ chức tiêm vắc xin bổ sung và tiêm nhắc lại, nhiều phòng khám chuyên tư vấn cho bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 từ tâm lý cho đến thể chất.

Tại một số bệnh viện lớn còn thành lập riêng khoa Điều trị hậu COVID-19 như: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới… Các bệnh viện cấp Bộ đóng trên địa bàn TP có Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược.

Sở Y tế cũng đang phối hợp với các ngành chức năng, hình thành kế hoạch để chăm sóc kịp thời những người sau khi mắc COVID-19 khỏi bệnh. Mới đây, Đại học Y dược TP.HCM còn ban hành cẩm nang phục hồi sau COVID-19 với 11 chuyên đề rất thiết thực.

“Ngoài việc khám và điều trị cho những bệnh lý thực thể, chúng ta còn chăm sóc về mặt tinh thần cho những đối tượng này”, bà Mai nhấn mạnh.

Liên quan đến đến tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM, ông Phạm Đức Hải - Phó ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP cho biết, trong tuần qua lần đầu tiên cấp độ dịch TP đạt cấp độ 1 - vùng xanh. Trong đó, quận 8 - một địa bàn đông dân cư, vốn là điểm nóng về dịch COVID-19 khi có ngày lên đến hơn 1.000 ca, nhưng 13 tuần qua, kể từ ngày TP thực hiện đánh giá cấp độ dịch, địa phương này luôn là vùng xanh.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Thanh Sang - Phó chủ tịch UBND quận 8 cho biết, địa phương này lấy phương châm “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố, phường là một pháo đài chống dịch” gắn với tiêu chí “4 không”: không để các trường hợp F0 tử vong tại nhà; không để trường hợp người bệnh điều trị tại nhà không có thuốc; không bỏ sót một người dân nào có hoàn cảnh khó khăn mà không được chăm lo và không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn.

“Chúng tôi lấy tiêu chí “4 không” trên làm làm tư tưởng - hành động xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành, nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết”, ông Sang nhấn mạnh.

Đến nay số ca nhiễm bệnh mới ngày càng giảm sâu, quận được TP công nhận đạt cấp độ 1 liên tục trong 13 tuần vừa qua, trong đó 16/16 phường hiện nay đều là vùng xanh. “Quận đã và đang cố gắng, nỗ lực giữ vững “màu xanh" để người dân trên địa bàn vui xuân đón Tết”, ông Sang nói.

Trong công tác quản lý và chăm sóc F0 tại nhà, ông Sang cho biết, quận phát huy hiệu quả tích cực mô hình chăm sóc sức khỏe từ xa qua công tác tư vấn, theo dõi F0 tại nhà, tăng cường phối kết hợp Đông - Tây y trong chăm sóc, điều trị. Hỗ trợ các gói an sinh các trường hợp F0 đang điều trị tại nhà gặp khó khăn... Đến nay, sức khỏe của các F0 hồi phục tốt, khỏi bệnh nhanh; không còn trường hợp tử vong tại cộng đồng.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, tính đến 18 giờ ngày 9.1.2022, có 508.502 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 507.851 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 651 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 4.602 bệnh nhân, trong đó có 91 trẻ em dưới 16 tuổi, 305 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 9.1 có 257 bệnh nhân nhập viện, 282 bệnh nhân xuất viện (nâng tổng số xuất viện từ ngày 1.1.2021 đến nay lên 312.091 người), 19 trường hợp tử vong trong ngày (nâng tổng số bệnh nhân tử vong từ ngày 1.1.2021 đến nay là 20.126).

Tổng số mũi vắc xin đã mà TP triển khai tiêm đến ngày 9.1.2022 được 8.064.485 mũi 1; 7.195.917mũi 2; 421.316 mũi bổ sung và 2.556.062 mũi nhắc lại.

Hồ Quang