Bệnh nhân đầu tiên được ghép tim heo: ‘Cơ hội cuối cùng để tôi có thể sống’

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 09:40, 11/01/2022

Người đàn ông Mỹ mắc bệnh tim giai đoạn cuối đã được cấy ghép một trái tim heo biến đổi gen trong cuộc phẫu thuật đầu tiên dạng này. Ba ngày sau, ông đang tiến triển tốt, theo các bác sĩ.

Ca phẫu thuật do một nhóm tại Đại học Y Maryland (Mỹ) thực hiện. Đây là một trong những ca đầu tiên chứng minh tính khả thi của việc cấy ghép tim từ heo sang người, lĩnh vực có thể thực hiện được nhờ các công cụ chỉnh sửa gen mới.

Nếu được chứng minh thành công, các nhà khoa học hy vọng nội tạng heo có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu nội tạng người được hiến tặng.

Đây là một cuộc phẫu thuật mang tính đột phá và đưa chúng tôi tiến một bước gần hơn đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu nội tạng. Đơn giản là không có đủ trái tim người hiến tặng để đáp ứng danh sách dài những người nhận tiềm năng”, Tiến sĩ Bartley Griffith, người đã phẫu thuật cấy ghép tim heo cho bệnh nhân, nói.

Chúng tôi đang tiến hành một cách thận trọng, nhưng cũng lạc quan rằng ca phẫu thuật đầu tiên trên thế giới này sẽ cung cấp một lựa chọn mới quan trọng cho bệnh nhân trong tương lai”, Bartley Griffith cho biết thêm.

benh-nhan-dau-tien-duoc-ghep-tim-heo.jpg
Bác sĩ phẫu thuật Muhammad M. Mohiuddin đặt tim heo biến đổi gen vào thiết bị lưu trữ tại phòng thí nghiệm Xenotransplant trước khi cấy ghép cho David Bennett tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland - Ảnh: Reuters

Với David Bennett (57 tuổi ở bang Maryland), ghép tim là lựa chọn cuối cùng của ông để có thể sống.

"Tôi sẽ chết hoặc thực hiện ca cấy ghép này. Tôi muốn sống. Tôi biết đó là việc không biết trước kết quả nhưng đó là lựa chọn cuối cùng của tôi", David Bennett thổ lộ một ngày trước cuộc phẫu thuật của mình, theo tuyên bố từ Đại học Y Maryland.

benh-nhan-dau-tien-duoc-ghep-tim-heo1.jpg
David Bennett trò chuyện với bác sĩ phẫu thuật Bartley P. Griffith, MD trước khi được cấy ghép thành công trái tim heo biến đổi gen - Ảnh; Reuters

Để tiến hành cuộc phẫu thuật thử nghiệm, Đại học Y Maryland đã nhận được sự cấp phép khẩn cấp từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào đêm Giao thừa Tết Dương lịch thông qua chương trình sử dụng lòng nhân ái của mình.

Tiến sĩ Muhammad Mohiuddin, người đứng đầu chương trình cấy ghép nội tạng động vật vào người của Đại học Y Maryland, nói: “FDA đã sử dụng dữ liệu của chúng tôi trên con heo thí nghiệm để cho phép cấy ghép vào một bệnh nhân bệnh tim giai đoạn cuối, người không có lựa chọn điều trị nào khác”.

Khoảng 110.000 người Mỹ đang chờ được ghép nội tạng và hơn 6.000 bệnh nhân chết mỗi năm trước khi được ghép, theo organdonor.gov.

Tim heo biến đổi gen được cung cấp bởi Revivicor, công ty sản xuất thuốc tái tạo có trụ sở tại thị trấn Blacksburg, bang Virginia, Mỹ. Vào buổi sáng ngày phẫu thuật, nhóm ghép tim đã lấy tim con heo ra và đặt vào một thiết bị đặc biệt để bảo tồn chức năng của nó cho đến khi phẫu thuật.

Heo từ lâu đã là một nguồn cấy ghép tiềm năng vì nội tạng của chúng rất giống người. Ví dụ, một quả tim heo tại thời điểm giết mổ, có kích thước bằng tim người trưởng thành.

Các bộ phận khác của heo đang được nghiên cứu để cấy ghép vào người bao gồm thận, gan và phổi.

Những nỗ lực trước đó trong việc cấy ghép bộ phận từ heo sang người từng thất bại vì sự khác biệt về gen gây ra sự đào thải nội tạng hoặc vi rút gây ra nguy cơ lây nhiễm.

Các nhà khoa học đã giải quyết vấn đề đó bằng cách chỉnh sửa các gen có thể gây hại.

Trong trái tim được cấy vào David Bennett, 3 gen trước đây có liên quan đến việc đào thải nội tạng đã bị "đánh bật" khỏi con heo hiến tặng và 6 gen người có liên quan đến sự chấp nhận miễn dịch được đưa vào bộ gen của heo.

Các nhà nghiên cứu cũng đã xóa một gen của heo để ngăn chặn sự phát triển quá mức ở các mô tim heo.

Công trình này được tài trợ một phần với khoản tài trợ nghiên cứu 15,7 triệu USD để đánh giá tim heo biến đổi gen của Revivicor trong các nghiên cứu về khỉ đầu chó.

Ngoài những thay đổi di truyền với tim heo, David Bennett đã nhận được một loại thuốc chống đào thải thử nghiệm do hãng Kiniksa Pharmaceuticals (có trụ sở tại thị trấn Lexington, bang Massachusetts, Mỹ) sản xuất.

Sơn Vân