Thượng nghị sĩ nói Intel hèn nhát vì xóa nội dung về Tân Cương sau khi bị dân Trung Quốc tẩy chay
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:49, 11/01/2022
Tháng trước, Intel đã bị chỉ trích trên mạng xã hội Trung Quốc vì một bức thư gửi các nhà cung cấp được công bố trên trang web của mình. Bức thư gửi vào ngày 23.12.2021 cho biết Intel đã "được yêu cầu đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của họ không sử dụng bất kỳ lao động hoặc nguồn hàng hóa hoặc dịch vụ nào từ khu vực Tân Cương" sau các hạn chế do nhiều chính phủ áp đặt.
Tờ Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận nhà nước Trung Quốc, gọi chỉ dẫn của Intel với các nhà cung cấp là vô lý, chỉ ra rằng 26% doanh thu năm ngoái của nhà sản xuất chất chip này đến từ Trung Quốc và Hồng Kông.
“Điều chúng ta cần làm là khiến các công ty xúc phạm Trung Quốc phải trả giá cao hơn, vì vậy thiệt hại của họ sẽ nhiều hơn lợi nhuận”, tờ báo viết.
Sau đó, Vương Tuấn Khải, ca sĩ chính của nhóm nhạc pop Tfboys, đã chấm dứt hợp đồng đại sứ thương hiệu với Intel để bảo vệ “lợi ích quốc gia” của Trung Quốc.
Các khẩu hiệu dân tộc chủ nghĩa ủng hộ Vương Tuấn Khải và chỉ trích, tẩy chay Intel tràn ngập tài khoản Weibo của công ty Mỹ.
Theo Reuters, hiện Intel đã xóa bất kỳ thông tin nào liên quan đến Tân Cương hoặc Trung Quốc khỏi bức thư gửi các nhà cung cấp.
Nội dung thư viết rằng Intel nghiêm cấm "bất kỳ lao động nào bị buôn bán hoặc lao động không tự nguyện như lao động bị cưỡng bức, nô lệ nợ nần, tù nhân hoặc lao động nô lệ trong suốt chuỗi cung ứng mở rộng của bạn".
Intel đã không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về chuyện này. Tháng trước, Intel đã xin lỗi Trung Quốc về rắc rối đã gây ra, nói rằng cam kết tránh chuỗi cung ứng từ Tân Cương là biểu hiện của việc tuân thủ luật pháp Mỹ, chứ không phải tuyên bố về lập trường của họ về vấn đề này.
Trong tuyên bố bằng tiếng Trung Quốc được đăng trên tài khoản Weibo, Intel cho biết: “Chúng tôi xin lỗi vì đã gây ra phiền muộn cho các quý khách hàng, đối tác và công chúng Trung Quốc”.
Trích dẫn lịch sử 36 năm của mình tại Trung Quốc, nơi họ có 10.000 nhân viên, Intel khẳng định cam kết là đối tác công nghệ tin cậy và sẽ đẩy nhanh sự phát triển tại nước này.
Các công ty đa quốc gia đã phải chịu áp lực khi đặt mục tiêu tuân thủ các lệnh trừng phạt thương mại liên quan đến Tân Cương trong khi tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất của họ.
Intel là thương hiệu phương Tây mới nhất đối mặt với phản ứng dữ dội từ người dân Trung Quốc. H&M buộc phải đóng cửa một số cửa hàng của mình ở Trung Quốc hồi tháng 3.2021 do bị nhiều người tiêu dùng tẩy chay sau khi nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển bày tỏ lo ngại về các báo cáo về lao động bị cưỡng bức ở Tân Cương.
Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền trên diện rộng ở Tân Cương, nơi sinh sống của người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở nước này, bao gồm cả lao động bị cưỡng bức. Trung Quốc nhiều lần bác bỏ các tuyên bố đó.
Lần đầu tiên được trang Wall Street Journal đưa tin, việc Intel xóa bất kỳ chỉ dẫn nào liên quan đến Tân Cương trong thư gửi các nhà cung cấp hàng năm đã bị Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa - Marco Rubio chỉ trích.
Marco Rubio tuyên bối: “Sự hèn nhát của Intel là một hệ quả có thể dự đoán được khác về sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Thay vì xin lỗi một cách nhục nhã và tự kiểm duyệt, các công ty nên chuyển chuỗi cung ứng của họ sang các quốc gia không sử dụng lao động nô lệ hoặc phạm tội diệt chủng”.
Marco Rubio là một trong bốn chính trị gia Mỹ đã đưa ra Đạo luật Phòng chống Lao động bị Cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ vào tháng trước, kêu gọi cấm nhập khẩu từ Tân Cương vì cáo buộc vi phạm nhân quyền ở đó. Vào ngày 23.12.2021, Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã ký đạo luật.