‘Vi rút SARS-CoV-2 mất 90% khả năng lây nhiễm sau 5 - 20 phút tiếp xúc không khí’
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 11:00, 12/01/2022
Dữ liệu sơ bộ từ Đại học Bristol (Anh) cho rằng trong tình huống thực tế, điều kiện không khí làm khô các hạt vi rút SARS-CoV-2.
Nhóm nghiên cứu đã đo lường mức độ ổn định của các giọt bắn SARS-CoV-2 (loại vi rút gây ra bệnh COVID-19) theo thời gian, dao động từ 5 giây đến 20 phút.
Các nhà khoa học viết trong bài báo: “Sự giảm khả năng lây nhiễm giảm xuống còn khoảng 10% giá trị ban đầu có thể quan sát được với SARS-CoV-2 trong 20 phút, với hầu hết tổn thất xảy ra trong vòng 5 phút đầu tiên”.
Các phát hiện chỉ ra rằng vi rút SARS-CoV-2 không tồn tại lâu bên ngoài môi trường ấm áp, ẩm ướt trong hệ hô hấp của con người và mất hiệu lực nhanh chóng trong môi trường hoang dã.
Chưa được công bố đầy đủ hoặc chưa được đánh giá ngang hàng, nghiên cứu này cho thấy rằng trong không khí có độ ẩm thấp hơn 50%, tương tự như không khí tương đối khô được tìm thấy ở nhiều văn phòng, vi rút SARS-CoV-2 mất khoảng một nửa khả năng lây nhiễm trong vòng 5 giây, sau đó sự suy giảm chậm hơn và ổn định hơn, với tỷ lệ mất thêm 19% ở 5 phút tới.
Ở độ ẩm không khí 90% (gần tương đương với phòng xông hơi ướt hoặc phòng tắm), giọt bắn không khô ngay lập tức và lưu lại chất lỏng lâu hơn, sự suy giảm khả năng lây nhiễm của vi rút SARS-CoV-2 diễn ra từ từ hơn. 52% hạt còn lại có khả năng lây nhiễm trong 5 phút, giảm xuống còn khoảng 10% sau 20 phút.
Tuy nhiên, nhiệt độ của không khí không tạo ra sự khác biệt nào với khả năng lây nhiễm của vi rút SARS-CoV-2, trái ngược với niềm tin rộng rãi rằng vi rút lây truyền thấp hơn ở nhiệt độ cao.
“Điều đó có nghĩa là nếu hôm nay tôi gặp bạn bè để ăn trưa trong quán, rủi ro chính có thể là tôi truyền vi rút cho bạn mình hoặc bạn tôi truyền vi rút sang tôi, hơn là vi rút lây truyền từ ai đó trên ở phía bên kia của căn phòng”, Giáo sư Jonathan Reid, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khí dung của Đại học Bristol và là tác giả chính của nghiên cứu, nói với tờ The Guardian.
Giáo sư Paul Hunter, Giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia (Anh), nói rằng nghiên cứu cho thấy sự lây lan vi rút SARS-CoV-2 qua không khí “có thể không nghiêm trọng như một số người đã nghĩ”.
Các phát hiện nhấn mạnh lại vi rút SARS-CoV-2 chủ yếu lây truyền trong phạm vi ngắn, nên với việc giữ khoảng cách vật lý và đeo khẩu trang có thể là phương tiện hiệu quả nhất để tránh mắc COVID-19. Hệ thống thông gió, mặc dù vẫn đáng giá, nhưng có thể sẽ có tác động ít hơn.
“Nhiều người đã tập trung vào những không gian thông gió kém và nghĩ về sự lây truyền vi rút SARS-CoV-2 trong không khí qua hàng mét hoặc xuyên qua một căn phòng. Tôi không nói điều đó không xảy ra, nhưng tôi nghĩ vẫn có nguy cơ phơi nhiễm lớn nhất là khi bạn ở gần ai đó. Khi bạn di chuyển ra xa hơn, không chỉ giọt bắn bị loãng xuống mà còn có ít vi rút hơn vì nó mất khả năng lây nhiễm do thời gian”, Giáo sư Jonathan Reid cho biết.
Nghiên cứu về tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 và nhập viện ở người tiêm vắc xin Pfizer, Moderna
Một nghiên cứu thực tế được tài trợ bởi Bộ Cựu chiến binh Mỹ (VA) cho thấy những người nhận vắc xin Moderna có nguy cơ mắc COVID-19 và nhập việp thấp hơn đáng kể so với những ai tiêm vắc xin Pfizer. Nguy cơ thấp hơn được quan sát thấy ở tất cả các nhóm tuổi, các nhóm với bệnh nền đi kèm và chủng tộc (da trắng/da đen).
Các tác giả của nghiên cứu (được xuất bản dưới dạng bản in trước) đã ghi nhận sự khác biệt giữa vắc xin mRNA-1273 của Moderna với vắc xin BNT162b2 của Pfizer về khả năng ngăn nhiễm vi rút hoặc nhập viện khi thời gian theo dõi kéo dài hơn.
Nghiên cứu xem xét 902.235 người đã tiêm hai loại vắc xin Moderna hoặc Pfizer, theo dõi 192 ngày, trong đó có gần 17.000 ca nhiễm SARS-CoV-2, 3.591 người nhập viện và 381 trường hợp tử vong.
Kết quả là người tiêm vắc xin Moderna nhiễm SARS-CoV-2 và nhập viện do COVID-19 thấp hơn đáng kể so với những ai nhận vắc xin Pfizer. Hơn nữa, ít người tiêm vắc xin Moderna tử vong do COVID-19 hơn so với Pfizer (168 so với 213).
“Những khác biệt này càng lớn với thời gian theo dõi lâu hơn kể từ khi tiêm vắc xin và thậm chí còn rõ rệt hơn trong đợt dịch Delta”, các tác giả cho hay.