Ưu tiên triển khai mở rộng mạng lưới giao thông kết nối sân bay Long Thành

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:03, 14/01/2022

Đối với Đồng Nai, để có thể khai thác tối đa hiệu quả sân bay Long Thành, tỉnh đã quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối với sân bay, vốn đầu tư 19.000 tỉ đồng.
967d84aa-1167-4814-8a42-e84d6ac5947c.jpeg
Đường tỉnh 769 kết nối với sân bay - Ảnh: Internet


Theo đó, 3 dự án giao thông gồm các tuyến đường tỉnh 769, 773 và 770B để kết nối các tuyến quốc lộ, đường cao tốc và các địa phương trong tỉnh với sân bay Long Thành.

Các dự án nói trên dạng đầu tư công nhóm A, nằm trong danh mục tỉnh sẽ ưu tiên triển khai trong vòng 5 năm tới.

Sở Giao thông vận tải Đồng Nai đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai các bước nhằm thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đấu thầu chọn đơn vị thi công để tới đầu năm 2023 khởi công cả 3 dự án.

Trong 3 dự án, tuyến đường tỉnh 770B được xây dựng mới hoàn toàn với chiều dài khoảng 42,5km. Đường có điểm đầu tuyến giao với đường tỉnh 763 tại xã Suối Nho (huyện Định Quán), điểm cuối tuyến giao với quốc lộ 51 tại xã Phước Thái (huyện Long Thành).

Hai tuyến đường tỉnh 769 và 773 cũng sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng nhằm đảm bảo nhu cầu kết nối giữa các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất với sân bay Long Thành. Trong đó, đường tỉnh 769 sẽ góp phần tăng cường khả năng lưu thông giữa vùng kinh tế trọng điểm phía nam với các tỉnh Tây Nguyên, kết nối với sân bay Long Thành.

Riêng đường tỉnh 773 sẽ là tuyến kết nối 2 huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ đến sân bay Long Thành và KCN Xuân Quế - Sông Nhạn; đồng thời giảm lưu lượng xe cho quốc lộ 1.

Theo quy hoạch, 3 tuyến đường tỉnh 769, 773 và 770B sẽ được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng với quy mô từ 4-8 làn xe ô tô, 2-4 làn xe hỗn hợp, lộ giới từ 40-120m. Tổng vốn để thực hiện các dự án gần 19.000 tỉ đồng. Trong đó, dự án đường tỉnh 770B có tổng mức đầu tư lớn nhất, hơn 8.000 tỉ đồng. Dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 khoảng 6.200 tỉ đồng, dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 773 khoảng 4.300 tỉ đồng.

Các dự án đều sử dụng ngân sách tỉnh, cụ thể từ nguồn đấu giá đất. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương khai thác các khu đất lợi thế để bán đấu giá tạo nguồn vốn thực hiện các dự án này.

Sau khi báo chí liên tục phản ánh tình trạng mất an toàn giao thông tại cây cầu vượt Dầu Giây vốn nhiều lần “lỡ hẹn”, phía UBND tỉnh Đồng Nai đã cử đại diện đến hiện trường kiểm tra tiến độ và nghe cam kết của đơn vị thi công.

  Ghi nhận của PV tại cầu vượt ngày 13.1, các công nhân đang hối hả thi công để hoàn thành công trình, khối lượng xây dựng đã đạt khoảng 86%, phần còn lại chỉ còn khu vực đường găng (đoạn đường cuối) chưa xong. Trên cầu, các hạng mục nhỏ vẫn chưa hoàn chỉnh nhưng thiết bị đã được chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ công nhân lắp đặt.

  Theo chủ đầu tư, đơn vị này và các bên liên quan sẽ cố gắng hoàn thành phần cơ bản vào ngày 25 tháng chạp, trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cho các loại xe cơ giới trên tuyến quốc lộ 1 lưu thông qua cầu bình thường.

  Do dịch bệnh COVID-19 nên việc huy động nhân lực còn khó khăn. Nếu đủ người, đơn vị sẽ đẩy mạnh thi công khu vực còn lại (phía nam cầu).

  Dự án xây dựng cầu vượt Dầu Giây do Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long làm chủ đầu tư. Công trình gồm cầu vượt dọc quốc lộ 1, dài hơn 350m, rộng 16m với 4 làn xe; phần nút giao được mở rộng hai bên quốc lộ 1, có 4 làn xe. Mục đích của dự án là giải quyết ùn tắc giao thông tại ngã tư trọng điểm này.

Trịnh Thể