Phi công người Anh mắc chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng phổi rất khó điều trị

Sự kiện - Ngày đăng : 16:10, 02/06/2020

Bệnh nhân 91 mắc COVID-19 – phi công người Anh bị nhiễm trùng phổi do vi khuẩn Burkholderia cenocepacia và kết quả cấy đàm ra 2 chủng Burkholderia cenocepacia. Đây là chủng vi khuẩn rất khó điều trị và tiên lượng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý tình trạng nhiễm trùng phổi của bệnh nhân này.
Bệnh nhân 91- phi công người Anh đang được điều tri tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: BVCC

Phi công người Anh mắc COVID-19 đang khỏe dần, có thể tự xoay đầu

Bệnh viện Chợ Rẫy cho phi công người Anh ngưng sử dụng thuốc giãn cơ

Phi công người Anh đã được ngưng lọc máu hoàn toàn

Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ huy động toàn lực để cứu phi công người Anh ​

Chỉ còn 10% phổi hoạt động, phi công người Anh được chỉ định ghép phổi

Ngày 2.6, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay trong sáng nay, bệnh nhân 91 mắc COVID-19 – phi công người Anh, đã có phản xạ ho mạnh hơn, cơ hoành phải đã hoạt động nhưng còn yếu. Hiện bệnh nhân tỉnh, sức cơ chi trên 3/5, chi dưới 1/5; mạch 100 lần/ phút; huyết áp 117/57 mmHg; T 37oC, SpO2: 95%.

Bệnh nhân đang thở máy và đã giảm dần các thông số máy tim phổi nhân tạo ECMO. Hiện ECMO RPM: 2600, Flow 3.7 LPM, Sweep gas1.5 LPM, FiO2 50%; máy thở (mode A/C - PC: Pi 14mmHg (Vt 300 ml), PEEP 6 cmH2O, nhịp thở bệnh nhân 37 lần/phút, FiO2 35%.). Bệnh nhân tiếp tục điều trị kháng sinh Meropenem 6g/ngày (N11), cotrim 480mg giảm còn 12 viên/ngày (N18), ceftazidim/avibactam10g/ngày (N4); truyền liên tục kháng đông argatropan mục tiêu aPTT 70 giây; dinh dưỡng đường tĩnh mạch; vật lý trị liệu mỗi ngày 2 lần; theo dõi điều chỉnh nước điện giải, sử dụng furosemide để duy trì cân bằng dịch bằng 0...

Tuy nhiên, theo BSCK 2 Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, điều đáng lo ngại nhất ở bệnh nhân 91- phi công người Anh là mắc chủng vi khuẩn viêm phổi rất khó điều trị.

Bệnh nhân này được xác định viêm phổi do vi khuẩn Burkholderia cenocepacia. Sau đó, kết quả cấy đàm ra 2 chủng Burkholderia cenocepacia. Qua hội chẩn với tiểu ban điều trị của Bộ Y tế, bệnh viện đã quyết định đổi ceftazidim sang ceftazidim/avibactam, xét nghiệm procalcitonin và bạch cầu đã giảm, nhưng vẫn còn đàm mủ.

“Bệnh nhân 91 còn nặng, dù đã giảm được các thông số ECMO do sức cơ toàn thân còn yếu, đặc biệt yếu các cơ hô hấp và nhiễm trùng phổi với chủng vi khuẩn rất khó điều trị”, bác sĩ Thức nói.

Bệnh nhân 91 là bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất, tình trạng bệnh diễn biến rất thất thường. Bệnh nhân này được chẩn đoán là COVID-19, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển giai đoạn tăng sinh xơ hóa - viêm phổi do Burkholderia cenocepacia – Tổn thương thận cấp đang hồi phục/U thượng thận trái (chưa rõ bản chất).

Bệnh nhân này ngoài bị rối loạn đông máu còn mắc hội chứng "cơn bão cytokine", khiến hệ miễn dịch phản ứng thái quá, giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Các thuốc trong nước điều trị kháng đông cho bệnh nhân này đều bị kháng thuốc. Bộ Y tế nhận định đây là bệnh nhân có yếu tố cơ địa rất kỳ lạ, nếu theo y học thì khả năng sống sót là rất thấp.

Sau 65 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, trong đó có 47 ngày lọc máu, hỗ trợ tim phổi nhân tạo ECMO, 28 ngày mở nội khí quản... bệnh nhân 91 đã dần hồi phục, 7 lần liên tiếp âm tính với vi rút SARS-CoV-2 được xác định khỏi bệnh COVID-19, phổi đã hoạt động được 30% nên chiều tối 22.5 bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị nội khoa nhằm xử lý tình trạng nhiễm trùng phổi.

Tại đây, bệnh nhân 91 tiếp tục được điều trị với máy hỗ trợ tim phổi nhân tạo ECMO, thở máy, lọc máu, điều trị kháng sinh, dinh dưỡng, thuốc an thần, thuốc giãn cơ, vật lý trị liệu... Đến ngày 27.5, bệnh nhân được ngưng lọc máu, thận của bệnh nhân bắt đầu tiến triển hơn. Sau đó, bệnh nhân đã giảm dần thông số ECMO, phổi tiến triển, hơn 40% phổi đã hoạt động, bệnh nhân ngưng sử dụng thuốc giãn cơ, tiếp xúc được với nhân viên y tế, tự xoay đầu...

“Quy trình cai ECMO là giảm dần lưu lượng máu vào máy ECMO, sau đó giảm dần số lít oxy và FiO2 vào máy ECMO, thời điểm nặng nhất số lít oxy vào máy ECMO là 6 lít/phút với FiO2 100%, hiện giảm còn 2,5 lít/phút với FiO2 50%. Khi số lít oxy vào máy ECMO giảm còn 0 lít, nếu 24 giờ sau bệnh nhân vẫn ổn định sẽ rút hệ thống ECMO”, bác sĩ Thức cho biết.

Hồ Quang