Các hãng rục rịch phát triển vắc xin đặc trị biến thể Omicron

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 06:51, 18/01/2022

Giám đốc điều hành Moderna - Stephane Bancel nói công ty này dự kiến ​​có thể chia sẻ dữ liệu vắc xin đặc trị Omicron với các cơ quan quản lý vào khoảng tháng 3.2022.

Ứng cử viên vắc xin của Moderna đặc trị biến thể Omicron sẽ được phát triển lâm sàng vài tuần tới.

Giám đốc điều hành Moderna - Stephane Bancel nói công ty này dự kiến ​​có thể chia sẻ dữ liệu vắc xin đặc trị Omicron với các cơ quan quản lý vào khoảng tháng 3.2022.

"Vắc xin đang được hoàn thiện. Nó sẽ được phát triển trong những tuần tới. Chúng tôi hy vọng trong khoảng thời gian tháng 3 có thể có dữ liệu để chia sẻ với các cơ quan quản lý để tính đến các bước tiếp theo", ông Stephane Bancel chia sẻ trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức ở thị trấn Davos (Thụy Sĩ) dưới dạng trực tuyến.

Hôm 10.1.2022, Giám đốc điều hành Pfizer - Albert Bourla tiết lộ vắc xin của hãng này nhắm đến Omicron cùng các biến thể khác sẽ sẵn sàng vào tháng 3.2022.

Pfizer có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm vắc xin đặc trị biến thể Omicron trên người trước cuối tháng 1.2022.

Mikael Dolsten, Giám đốc khoa học của Pfizer, tiết lộ trong cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi sẽ kiểm tra điều đó từ bây giờ vào cuối tháng 1, khi chúng tôi đang triển khai các thử nghiệm lâm sàng đánh giá Omicron với vắc xin hiện tại”.

Người phát ngôn của Pfizer cho biết các chi tiết cụ thể cho nghiên cứu mới này vẫn đang được hoàn thiện với các cơ quan quản lý, bao gồm cả số lượng tình nguyện viên sẽ được đăng ký và sẽ tiến hành ở những quốc gia nào.

Mục tiêu chính của nghiên cứu sẽ là so sánh các đáp ứng miễn dịch giữa công thức vắc xin hiện tại và phiên bản cập nhật phù hợp với Omicron. Theo người phát ngôn của Pfizer, thử nghiệm sẽ kiểm tra cả hai công thức được đưa ra như liều vắc xin thứ tư để nghiên cứu trên các tình nguyện viên.

Ngoài Moderna và Pfizer, Novavax và AstraZeneca cũng đang phát triển vắc xin đặc trị Omicron.

Mới đây, một cơ quan kỹ thuật của WHO cho biết vắc xin COVID-19 hiện tại có thể cần được làm lại để đảm bảo hiệu quả chống lại Omicron và các biến thể SARS-CoV-2 trong tương lai.

Nhóm kỹ thuật, bao gồm các chuyên gia độc lập, cho biết sẽ xem xét thay đổi thành phần vắc xin và nhấn mạnh rằng các mũi tiêm cần có hiệu quả hơn trong việc bảo vệ chống lại nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

"Thành phần của vắc xin COVID-19 hiện tại có thể cần được cập nhật để đảm bảo rằng vắc xin COVID-19 tiếp tục cung cấp mức độ bảo vệ chống lại nhiễm vi rút do WHO khuyến nghị và bệnh từ các biến thể đáng lo ngại, bao gồm cả Omicron và các chủng trong tương lai. Vắc xin COVID-19 cần tạo ra các đáp ứng miễn dịch rộng rãi, mạnh mẽ và lâu dài để giảm nhu cầu về tiêm các liều tăng cường liên tiếp. Chiến lược tiêm chủng dựa trên các liều nhắc lại của chế phẩm vắc xin ban đầu khó có thể phù hợp hoặc bền vững", theo nhóm kỹ thuật được giao nhiệm vụ đưa ra các khuyến nghị cho WHO.

Tuy nhiên, tuyên bố chưa hẳn ủng hộ một loại vắc xin đặc trị Omicron ở giai đoạn này, nói rằng cần có thêm nghiên cứu và kêu gọi các nhà sản xuất chia sẻ dữ liệu.

Cơ quan kỹ thuật của WHO nói rằng một loại vắc xin cập nhật có thể nhắm vào biến thể nổi trội ở nhiều nơi, hiện là Omicron, hoặc là vắc xin đa giá trị được thiết kế để chống nhiều biến thể cùng lúc. Cơ quan này sẽ bổ sung các khuyến nghị khác khi có thêm dữ liệu.

Hiệu quả của vắc xin mũi 4 với biến thể Omicron

Trung tâm Y tế Sheba ở Israel đã tiêm mũi vắc xin tăng cường thứ 2 trong cuộc thử nghiệm giữa các nhân viên của mình. Họ nghiên cứu tác dụng của mũi vắc xin tăng cường Pfizer ở 154 người sau hai tuần tiêm và mũi vắc xin tăng cường Moderna với 120 người sau 1 tuần tiêm.

Việc này được so sánh với nhóm đối chứng không nhận được mũi vắc xin thứ 4.

Trung tâm Y tế Sheba cho biết những người trong nhóm tiêm mũi tăng cường Moderna trước đó đã nhận 3 liều vắc xin Pfizer.

Gili Regev-Yochay, Giám đốc của Đơn vị Bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Y tế Sheba, cho biết: “Mũi vắc xin thứ 4 đã làm tăng lượng kháng thể cao hơn một chút so với những gì chúng ta có sau liều thứ ba. Tuy nhiên, điều này có lẽ là không đủ với Omicron”.

"Hiện tại, chúng tôi biết rằng mức độ kháng thể cần thiết để bảo vệ và không nhiễm Omicron có lẽ là quá cao với vắc xin, ngay cả khi đó là một loại vắc xin tốt", bà nói thêm.

Các phát hiện mà Trung tâm Y tế Shebacho là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới dạng này nhưng mới chỉ sơ bộ.

Hôm 3.1.2022, Thủ tướng Israel - Naftali Bennett cho biết mũi vắc xin COVID-19 thứ tư của Pfizer nâng kháng thể gấp 5 lần sau khi tiêm 1 tuần, trích dẫn những phát hiện sơ bộ của một nghiên cứu ở nước này.

"Một tuần sau liều vắc xin thứ tư, chúng tôi biết ở mức độ chắc chắn cao hơn rằng tiêm liều này là an toàn", Thủ tướng Naftali Bennett nói tại Trung tâm Y tế Sheba.

"Tin tức thứ hai: Chúng tôi biết rằng một tuần sau khi chích liều thứ tư, chúng tôi thấy số lượng kháng thể ở người được tiêm chủng tăng gấp 5 lần. Điều này rất có thể đồng nghĩa với sự gia tăng đáng kể chống lại nhiễm vi rút, nhập viện và các triệu chứng nghiêm trọng", ông Naftali Bennett cho biết thêm.

Israel là quốc gia triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nhanh nhất thế giới cách đây 1 năm và tháng trước đã bắt đầu tiêm mũi thứ 4 cho những người từ 60 tuổi, nhân viên y tế, đối tượng suy giảm miễn dịch.

tiem-mui-vac-xin-pfizer-thu-4-khong-du-ngan-nhiem-omicron.jpg
Bà Shari Marco (93 tuổi) nhận được liều vắc xin COVID-19 thứ 4 tại nhà hưu trí ở thành phố Netanya, Israel - Ảnh: Reuters

Qua nghiên cứu trên, nếu muốn ngăn nhiễm Omicron thì chúng ta cần đeo khẩu trang chất lượng cao (chẳng hạn N95) khi ra khỏi nhà, tránh đám đông và những nơi kém thông gió, đồng thời trông chờ các nhà sản xuất tung ra vắc xin đặc trị biến thể này trong vài tháng tới.

Sơn Vân