Khó khăn trong giám sát núi lửa vừa phun trào ngoài khơi Tonga

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:31, 18/01/2022

Giám sát ngọn núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai trở nên khó khăn vì vụ phun trào cuối tuần trước đã phá hủy miệng núi lửa trên mặt nước và một phần lớn của nó đã sụp đổ chìm xuống biển.

Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào vào ngày 15.1, giải phóng lượng lớn tro bụi với phạm vi khoảng 20 km cũng như tạo nên sóng thần trên khắp Thái Bình Dương.

Mối nguy hiểm vẫn còn. Chuyên gia Janine Krippner thuộc Trung tâm Núi lửa toàn cầu Smithsonian cho biết: “Điều đáng lo lúc này là chúng ta có quá ít thông tin, thật đáng sợ. Khi miệng núi lửa nằm dưới mặt nước, chẳng có gì có thể giúp chúng ta dự báo được chuyện gì sắp xảy ra tiếp theo cả”. Bà cũng e ngại những thiết bị đo lường tại chỗ đã bị phá hủy trong vụ phun trào.

Vụ phun trào 15.1 mạnh đến nỗi vệ tinh không chỉ chụp được ảnh đám mây tro bụi khổng lồ, mà còn ghi nhận được sóng xung kích trong khí quyển với vận tốc gần bằng vận tốc âm thanh.

Ảnh và video đăng tải trên các phương tiện truyền thông cho thấy phía nam Thái Bình Dương xuất hiện những đám mây xám cuồn cuộn, những con sóng cao cả mét tràn vào bờ biển Tonga. Hiện Tonga chưa có báo cáo chính thức về thiệt hại nhân mạng, hệ thống internet và thông tin liên lạc của đảo quốc này bị ảnh hưởng nặng nề.

tonga-volcano-10.jpg
Hình ảnh vụ phun trào ngày 15.1 - Ảnh: AP

Các chuyên gia cho biết Hunga Tonga-Hunga Ha'apai đã giải phóng khói bụi từ 1 tháng trước, trước khi magma nóng tới 1.000 độ C gặp nước biển 20 độ C gây nên vụ nổ lớn chớp nhoáng ngày 15.1.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, lực và tốc độ lớn bất thường của vụ nổ cho thấy có một yếu tố tác động lớn hơn là magma gặp nước. Giáo sư Raymond Cas thuộc đại học Monash (Úc) đưa ra giả thuyết magma nóng lúc gặp nước tạo ra khí núi lửa khiến vụ nổ mạnh hơn.

Vụ phun trào 15.1 còn tạo ra lượng sét kỷ lục. Nhà khí tượng học người Mỹ Chris Vagasky thống kê được vài ngày trước lúc Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào, lượng sét quanh núi lửa tăng lên khoảng 30.000 tia sét, trong ba giờ của ngày núi lửa phun trào có đến 400.000 tia sét, sau đó giảm còn 100 tia sét/giây.

Núi lửa có thể sinh ra sét do hạt tro trong cột khói va chạm vào nhau hoặc vào băng trong khí quyển, tạo ra điện tích.

Lượng sét của Hunga Tonga-Hunga Ha'apai mới đây vượt xa vụ núi lửa Anak Krakatau phun trào năm 2018 (8.000 tia sét/giờ). Vụ phun trào năm đó khiến một phần miệng núi lửa sụp xuống biển, tạo ra sóng thần ập vào miền tây Java của Indonesia làm hàng trăm người thiệt mạng.

Theo giáo sư Cas, tình hình hiện tại rất khó dự đoán hoạt động sắp tới của Hunga Tonga-Hunga Ha'apai. Ông cảnh báo núi lửa sẽ còn giải phóng khí hoặc vật chất khác trong suốt vài tuần hoặc vài tháng.

Cẩm Bình