Bộ TT-TT đánh giá cao 'cánh tay nối dài' trong cách nghĩ, cách làm

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:33, 18/01/2022

Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phát huy tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm.

Theo nhận định của Bộ TT-TT, với vai trò là cánh tay nối dài của Bộ TT-TT trong công tác quản lý nhà nước về TT-TT tại địa phương, trong năm 2021, Sở TT-TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phát huy tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, tập trung triển khai các định hướng, chiến lược lớn do Bộ TT-TT chỉ đạo.

Ngoài ra, các Sở TT-TT cũng đã giúp tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố triển khai công tác quản lý nhà nước về TT-TT tại địa phương đạt hiệu quả.

Cụ thể, về lĩnh vực bưu chính, Hà Nội tổ chức làm việc với Vụ Bưu chính (Bộ TT-TT) về triển khai mã địa chỉ bưu chính Vpostcode trên địa bàn TP.Hà Nội. Cao Bằng, Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện mục tiêu 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam tổ chức kiểm tra thống nhất kế hoạch triển khai Hệ sinh thái Hành chính công của Bưu điện và triển khai thí điểm Hệ sinh thái Hành chính công tại thị trấn Nam Phước.

Để hỗ trợ tiêu thụ hàng chục nghìn tấn nông sản tại Bắc Giang, Hải Dương do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã đẩy mạnh đồng thời nhiều giải pháp như kết nối thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng kênh phân phối, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa tại các huyện trên địa bàn tỉnh.

su-chu-dong-sang-tao-cua-cac-so-tt-tt-canh-tay-noi-dai-cua-bo-tt-tt.jpg
Các Sở TT-TT đã tập trung triển khai các định hướng, chiến lược lớn do Bộ TT-TT chỉ đạo - Ảnh: Internet

Trong lĩnh vực viễn thông, đã có 59/63 tỉnh thành ban hành kế hoạch dùng chung cơ sở hạ tầng, còn lại 4 tỉnh/thành chưa ban hành. Đến cuối tháng 11.2021, theo thống kê từ các địa phương, tỷ lệ dùng chung hạ tầng viễn thông đạt và vượt kế hoạch được giao 0,3% (kế hoạch giao 20%, đạt được 20,3%).

Một số tỉnh đạt mức độ chia sẻ nhiều, như Hải Phòng 37%, Ninh Thuận 33%, Hà Nội 29%, Quảng Ninh đạt 27%, Hưng Yên 27%, Vĩnh Long 27% số trạm BTS dùng chung. 

Dưới sự chỉ đạo của Bộ TT-TT, các Sở triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp Viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ điều hành phòng chống COVID-19 tại các khu vực cách ly y tế trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn quy trình, điều kiện để ứng cứu thông tin liên lạc tại các khu vực phong tỏa, cách ly COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Trong lĩnh vực CNTT, theo đánh giá của Bộ TT-TT, công tác triển khai ứng dụng CNTT phục vụ quản lý điều hành tiếp tục được các địa phương tập trung triển khai hiệu quả, thiết thực.

Cụ thể, 100% các địa phương đã triển khai nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu LGSP đáp ứng trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ triển khai các chính sách từ Trung ương tới địa phương; đồng thời 63/63 địa phương hoàn thành kết nối thử nghiệm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dịch vụ xác thực thông tin công dân trong năm 2021.

Hoạt động ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp tiếp tục được nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ công của người dân và doanh nghiệp tốt hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tỷ lệ dịch vụ công mức độ 3, 4 của các tỉnh ngày càng tăng với tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến ngày càng được cải thiện.

Bộ TT-TT cho biết nhiều địa phương có tỷ lệ dịch vụ công mức độ 3, 4 cao, điển hình như Đà Nẵng, Quảng Ninh… Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến được kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia ngày càng tăng, trong đó Bình Dương dẫn đầu cả nước với 100% dịch vụ được kết nối.

Về triển khai đô thị thông minh, tính đến hết năm 2021, 54/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai Đô thị thông minh; trong đó Đà Nẵng được bình chọn là 1 trong 5 thành phố khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trong 30 thành phố thông minh mới nổi độc đáo, sáng tạo do Viện Nghiên cứu chiến lược Eden công bố…

“Trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, các địa phương tăng cường chỉ đạo và thực hiện công tác đảm bảo an toàn thông tin (ATTT), nâng cao khả năng cảnh báo sớm, phòng chống các nguy cơ tấn công, xâm nhập hệ thống CNTT và ngăn chặn, khắc phục kịp thời các sự cố an toàn thông tin”, Bộ TT-TT nhận định.

Trong đó, Bộ TT-TT đặc biệt chú ý tới việc duy trì an toàn thông tin mạng, vận hành ổn định hoạt động của trung tâm dữ liệu của địa phương và hệ thống mạng tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn.

100% các địa phương đã hoàn triển khai bảo đảm ATTT cho hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo mô hình 4 lớp mức cơ bản và đang dần chuyển sang mô hình nâng cao.

100% các tỉnh đã triển khai Trung tâm An toàn thông tin (SOC) và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, trực thuộc Bộ TT-TT theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam…

Thu Anh