Thủ tướng: Vẫn còn đâu đó tâm lý "quyền anh, quyền tôi", "cát cứ thông tin"
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:00, 18/01/2022
Số hóa thông tin của 98 triệu dân
Đến nay, Bộ Công an đã hoàn thành số hóa và lưu trữ tập trung tại trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin của hơn 98 triệu dân cư. Hệ thống dữ liệu này được vận hành thông suốt, hàng ngày bởi hơn cán bộ, chiến sĩ công an của hơn 11.000 xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.
Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, đồng thời đã triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước có gắn chíp điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật cho công dân, đã in và trả hơn 50 triệu thẻ đến tay người dân...
Bộ Công an cũng đã triển khai kết nối thử nghiệm thành công với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của một số bộ ngành và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, trong đợt cao điểm chống dịch vừa qua, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai các ứng dụng để kiểm soát đi lại, phòng chống dịch bệnh mang lại hiệu quả; góp phần tổ chức chiến dịch tiêm chủng thần tốc, lớn nhất trong lịch sử…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là những kết quả hết sức ấn tượng, phản ánh sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của lực lượng công an cùng các bộ, ngành, địa phương trong suốt gần 2 năm vừa qua để đến ngày hôm nay, có được một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia lớn, tập trung, hiện đại.
Chống phiền hà, sách nhiễu
Theo Thủ tướng, những kết quả đạt được nêu trên có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin; tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước; góp phần cải cách thủ tục hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu…
Thủ tướng nêu rõ, một mặt, đại dịch đã làm bộc lộ những hạn chế, yếu kém về cơ sở dữ liệu, mặt khác, đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số. Thủ tướng lấy ví dụ, việc kết nối hội nghị trực tuyến tới hơn 10.000 xã, phường, thị trấn đã được triển khai chỉ trong vòng 1 tuần.
Thủ tướng cũng cho biết việc triển khai đề án là phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia. Những mục tiêu đề án xác định trong năm 2022 cho thấy một khối lượng công việc rất nhiều, quy mô lớn (là một trong những dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay), tiến hành trên phạm vi rộng (triển khai trên toàn quốc, toàn dân) và với sự phối hợp của nhiều bên liên quan (giữa các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp viễn thông lớn và người dân, cộng đồng doanh nghiệp); trong đó Bộ Công an sẽ đóng vai trò nòng cốt thực hiện Đề án và chúng ta phấn đấu về đích sớm ngay trong năm 2023.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh đất nước hiện nay, đây là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài; nhưng khó khăn, thách thức phía trước còn rất nhiều, thậm chí không ít "lực cản".
Cụ thể, một số cơ chế, chính sách, pháp luật còn đang từng bước hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung; điều kiện hạ tầng kỹ thuật, nhân lực công nghệ của các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, manh mún, thiếu đồng bộ; vẫn còn đâu đó tâm lý "quyền anh, quyền tôi", tư tưởng cục bộ "cát cứ thông tin"; việc chuyển đổi thói quen, cách nghĩ, cách làm của các cấp, các ngành và của xã hội khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều; nguy cơ mất an ninh an toàn hệ thống và dữ liệu luôn thường trực...
Tất cả vì lợi ích quốc gia và quyền lợi của người dân
Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình về thời gian, nhân lực triển khai thực hiện đảm bảo đề án thực hiện thành công gắn với chương trình chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh chuẩn bị nền tảng, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm, y tế, giáo dục… và sắp tới là đất đai, chứng khoán. Với những đơn vị chưa có hạ tầng công nghệ thông tin hoặc hạ tầng công nghệ thông tin chưa bảo đảm thì nghiên cứu, sử dụng chung hạ tầng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm tiết kiệm, đồng bộ, hiệu quả.
"Thủ tướng Chính phủ rất chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương là thời gian đầu triển khai sẽ có những khó khăn, vướng mắc. Bao giờ khi chuyển đổi trạng thái, khi đổi mới, khi vận hành chưa trơn tru cũng gặp khó khăn, nhưng càng khó khăn, vướng mắc thì càng cần phải đoàn kết, chung sức, đồng lòng, lắng nghe ý kiến của nhau, tìm ra giải pháp phù hợp, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Song song với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan khẩn trương rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về quy định của pháp luật có liên quan để tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, tổng thể, liên thông, tổ chức thực hiện hiệu quả; bảo đảm dữ liệu dân cư chính xác và luôn được bổ sung, cập nhật thường xuyên.
“Các đồng chí cần thực hiện quyết liệt, mang lại hiệu quả rõ nét, "làm gương", "làm mẫu", "nói là làm và làm quyết liệt, đến nơi, đến chốn, có hiệu quả", để tạo dấu ấn lan tỏa tại các bộ, ngành, địa phương và trong toàn xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh.