Indonesia chính thức thông qua luật dời đô, đặt tên thủ đô mới là Nusantara
Chuyển động - Ngày đăng : 08:17, 19/01/2022
Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani cho biết dự luật dời thủ đô đã được quốc hội nước này thông qua với sự chấp thuận đông đảo, vào hôm qua 18.1.
Các nhà lập pháp đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét cẩn thận tác động môi trường của sự phát triển mới. Theo số liệu từ Cơ quan Quy hoạch và phát triển quốc gia, tổng diện tích đất cho thủ đô mới sẽ vào khoảng 256.143ha (khoảng 2.561km2) - hầu hết được chuyển đổi từ diện tích rừng.
"Thủ đô mới giữ vai trò trung tâm, là biểu tượng cho bản sắc của quốc gia cũng như một trung tâm kinh tế mới", Bộ trưởng Kế hoạch Indonesia Suharso Monoarfa nói tại quốc hội nước này sau khi dự luật được thông qua.
Tên của thủ đô mới - Nusantara - do chính Tổng thống Indonesia Joko Widodo chọn và có nghĩa là "quần đảo" trong tiếng Java. Trước đó, đã có nhiều kế hoạch di dời chính phủ khỏi Jakarta, một siêu đô thị sầm uất với 10 triệu dân bởi nhiều đời tổng thống nhưng chưa ai thực hiện được.
Theo CNN, lý do Indonesia phải dời đô là do dân cư quá đông khiến kẹt xe trở thành nạn, ngoài ra là việc Jakarta đang ngày một lún xuống nên thường xuyên bị ngập lụt. Dự án đầy tham vọng này có thể sẽ tiêu tốn khoảng 466 nghìn tỉ rupiah (32 tỉ USD).
Nusantara dự kiến sẽ có chính quyền cấp tỉnh, ngang với 34 tỉnh khác của Indonesia và cách thủ đô hiện tại khoảng 2.000km về phía đông bắc. Người đứng đầu Nusantara tương đương một bộ trưởng trong nội các, Bộ trưởng Kế hoạch Indonesia Monoarfa cho biết.
Bên cạnh đó, theo luật di dời thủ đô, các đại sứ quán nước ngoài và văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế phải chuyển đến thủ đô mới trong vòng 10 năm kể từ khi bắt đầu di dời. Chính phủ Indonesia cam kết sẽ có đủ đất cho tất cả các cơ quan ngoại giao.
Trong một cuộc họp báo diễn ra ngày 18.1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho biết sẽ có 5 giai đoạn phát triển ở thủ đô mới.
Giai đoạn đầu tiên dự kiến bắt đầu vào năm 2022 và kéo dài đến năm 2024, các giai đoạn tiếp theo sẽ kéo dài đến năm 2045, Bộ trưởng Monoarfa cho biết.
Indonesia sẽ trở thành nước Đông Nam Á thứ 3 thực hiện việc dời đô. Năm 2003, Malaysia đã di dời phần lớn bộ máy hành chính tới thành phố Putrajaya nhưng vẫn giữ Kuala Lumpur làm thủ đô chính thức. Còn Myanmar đã chuyển thủ đô tới thành phố Naypyidaw vào năm 2006.