Nhiều người mắc COVID-19 nhẹ gặp vấn đề về chú ý và trí nhớ trong 6 - 9 tháng

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 09:57, 19/01/2022

Đó là kết quả nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh).

Nghiên cứu của Đại học Oxford phát hiện ra những người mắc COVID-19 nhẹ vốn không bị bất kỳ triệu chứng kéo dài thường thấy vẫn có thể suy giảm khả năng chú ý và trí nhớ trong vòng 6 đến 9 tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2

Các vấn đề về nhận thức ảnh hưởng đến mức độ tập trung, cùng với sự hay quên và mệt mỏi, là những đặc điểm của COVID-19 kéo dài (tình trạng ảnh hưởng đến nhiều người sau khi nhiễm SARS-CoV-2 lần đầu). Thế nhưng vẫn chưa xác định được mức độ lan rộng của các vấn đề về khoảng chú ý có thể xảy ra sau khi nhiễm SARS-CoV-2.

Khoảng chú ý là khoảng thời gian một người có thể tập trung vào công việc mà không bị phân tán tư tưởng. Nhiều nhà giáo dục và tâm lý học nhất trí rằng khả năng tập trung chú ý vào một công việc là thiết yếu để đạt được mục tiêu.

Trong nghiên cứu của Đại học Oxford, những người tham gia dương tính với SARS-CoV-2 trước đó nhưng không gặp các triệu chứng COVID-19 kéo dài thường thấy, được yêu cầu hoàn thành các bài tập để kiểm tra trí nhớ và khả năng nhận thức của họ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tham gia kém hơn đáng kể trong việc nhớ lại những trải nghiệm cá nhân, được gọi là trí nhớ theo từng đợt, đến 6 tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2.

Họ cũng bị suy giảm nhiều hơn về khả năng duy trì sự chú ý theo thời gian so với những ai không nhiễm SARS-CoV-2, đến 9 tháng sau khi mắc COVID-19.

Tiến sĩ Sijia Zhao thuộc Khoa Tâm lý Thực nghiệm thuộc Đại học Oxford cho biết: “Điều đáng ngạc nhiên là dù những người sống sót sau COVID-19 không cảm thấy có bất kỳ triệu chứng nào nữa vào thời điểm kiểm tra, nhưng họ cho thấy khả năng chú ý và trí nhớ bị suy giảm. Phát hiện của chúng tôi tiết lộ rằng nhiều người có thể trải qua một số hậu quả nhận thức mãn tính trong nhiều tháng”.

Nhóm nghiên cứu nói rằng các cá nhân theo thời gian đã nhớ lại theo từng giai đoạn và khoảng chú ý phần lớn trở lại bình thường sau 6 tháng, 9 tháng tương ứng.

Những người tham gia cũng thể hiện tốt trong bài kiểm tra về các khả năng nhận thức khác, bao gồm cả trí nhớ làm việc và lập kế hoạch, trong phân tích 136 người.

nhieu-nguoi-mac-covid-19-nhe-gap-van-de-ve-chu-y-va-tri-nho-trong-6-9-thang.jpg
Nhiều mắc COVID-19 nhẹ có thể suy giảm khả năng chú ý và trí nhớ trong vòng 6 đến 9 tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2 - Ảnh: Intenet

Stephen Burgess thuộc Đơn vị Thống kê Sinh học MRC tại Đại học Cambridge (Anh) nói rằng chỉ có số lượng nhỏ những người tham gia vào nghiên cứu trên, đồng thời nó không phải là thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa nhóm mắc COVID-19 và không nhiễm SARS-CoV-2 về một số thước đo cụ thể khả năng nhận thức được xem xét trong nghiên cứu này là rất đáng chú ý”, ông nói.

Thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên là loại hình nghiên cứu thực nghiệm có giá trị nhất về mặt y học thực chứng để đánh giá hiệu quả của một thuật điều trị.

Nó là một loại thử nghiệm khoa học nhằm mục đích giảm thiểu các sai số khi đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị mới. Các đối tượng tham gia được phân bổ ngẫu nhiên thành 2 hoặc nhiều nhóm để so sánh. Nhóm chứng là nhóm nhận thử nghiệm với liệu pháp mới cần đánh giá. Trong khi đó, nhóm còn lại được gọi là nhóm đối chứng, được nhận phương pháp điều trị thay thế, chẳng hạn như giả dược, tá dược hoặc thuốc đối chứng.

Thử nghiệm có thể tiến hành theo phương pháp mù (mù đơn hoặc mù đôi), có nghĩa là các thông tin người tham gia sử dụng liệu pháp gì, sẽ không được công bố cho đến sau khi thử nghiệm hoàn tất.

Các triệu chứng hậu COVID-19

"Nếu hồi phục sau khi nhiễm SARS-CoV-2 nhưng vẫn gặp một số triệu chứng, bạn có thể mắc tình trạng hậu COVID-19. Một số triệu chứng phổ biến nhất là khó thở, rối loạn chức năng nhận thức”, Tiến sĩ Harish Chafle, huyên gia tư vấn cấp cao tại Bệnh viện Toàn cầu ở thành phố Mumbai (Ấn Độ), cho biết.

Các triệu chứng khác mà người khỏi COVID-19 có thể gặp phải là đau ngực, khó nói, lo lắng hoặc trầm cảm, đau cơ, sốt, mất khứu giác, mất vị giác, nhức đầu, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung và đau bụng.

"Ngay cả trong những trường hợp nhẹ, bất kỳ người mắc COVID-19 nào cũng có thể bị các triệu chứng tồn tại lâu dài. Thời gian kéo dài của tình trạng này vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Người ta đã mô tả rằng tình trạng này có thể kéo dài 3 tháng, thậm chí 6 tháng và có thể lên đến 9 tháng”, Harish Chafle nói thêm.

Sương mù não kéo dài là một trong những triệu chứng thần kinh đã được ghi nhận ở những người khỏi COVID-19. Nguyên nhân có thể là do viêm não. Vi rút phá hủy rào cản ngăn dị vật xâm nhập vào não, từ đó gây ra tình trạng viêm.

Nhiều bệnh nhân phàn nàn gặp vấn đề với trí nhớ như dễ bị phân tâm, khó theo dõi cuộc trò chuyện và khó tập trung và tham gia vào các công việc hàng ngày. Các triệu chứng của sương mù não cũng có thể xuất hiện như:

Bước vào một căn phòng và quên mất lý do tại sao ở đó.

Khó nghĩ ra từ đúng.

Khó nhớ những gì vừa đọc.

Mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành nhiệm vụ nào đó.

Quên công thức nấu ăn hoặc các bước khi nấu ăn.

Quên những gì đang làm sau khi trở nên mất tập trung...

Những triệu chứng này thường xuất hiện sau khi bệnh nhân trải qua giai đoạn cấp tính của COVID-19 và trở lại làm việc. Trong nhiều trường hợp, bạn gặp khó khăn khi thực hiện công việc hoặc quản lý hàng ngày. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.

Để bảo vệ khỏi nhiễm SARS-CoV-2 và tình trạng hậu COVID-19, mọi người nên tiêm vắc xin sớm hơn, đeo khẩu trang mọi lúc khi ra khỏi nhà, giãn cách xã hội, tránh đám đông và những nơi kém thông gió.

Omicron có thể gây triệu chứng kéo dài khó đoán trước

Nhiễm các biến thể SARS-CoV-2 trước đó, bao gồm nhiễm trùng nhẹ và các trường hợp nhiễm đột phá dù đã tiêm vắc xin đầy đủ, đôi khi gây triệu chứng COVID-19 kéo dài, suy nhược cơ thể.

Vì thế, theo các chuyên gia, việc một số người cho rằng Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta nên cố tình nhiễm biến thể này để có thêm khả năng miễn dịch là điều tồi tệ.

Eric Topol, Giáo sư y học phân tử tại Viện nghiên cứu Scripps (Mỹ), cho biết: “Lên kế hoạch bị nhiễm Omicron để có được một số khả năng miễn dịch hoặc vượt qua nó là ý tưởng tồi tệ. Đây là loại vi rút thực sự không thể đoán trước được. Một số người có thể bị bệnh nặng. Một số người có thể bị triệu chứng COVID-19 kéo dài. Một số người bị suy giảm miễn dịch có thể nhập viện và tử vong”.

Ông nói thêm: “Có quá nhiều trách nhiệm pháp lý, quá nhiều sự không chắc chắn và không thể đoán trước được khi bạn nhiễm một loại vi rút vẫn có thể gây bệnh nghiêm trọng và gây chết người”.

Hơn nữa, hoàn toàn chưa rõ liệu việc khỏi bệnh sau khi nhiễm Omicron có bảo vệ bạn trước các biến thể trong tương lai hay không.

Nếu bạn đã nhiễm Omicron, điều đó có thể mở rộng khả năng nhận dạng vi rút của tế bào T và tế bào nhớ B, mang lại cho bạn một đợt kháng thể trung hòa tuyệt vời. Song, bạn không thể khẳng định rằng nhiễm Omicron sẽ bảo vệ bản thân trước các biến thể trong tương lai”, Eric Topol nói.

Akiko Iwasaki, nhà nghiên cứu miễn dịch học vi rút tại Đại học Yale (Mỹ), nói: “Chúng ta chưa có dữ liệu về tỷ lệ nhiễm trùng với Omicron gây triệu chứng COVID-19 kéo dài. Những người đánh giá Omicron gây bệnh nhẹ đang tự đặt mình vào nguy cơ mắc bệnh suy nhược có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm".

Cũng chưa rõ liệu Omicron sẽ có bất kỳ tác động thầm lặng nào như từng thấy ở các biến thể SARS-CoV-2 trước đó không, chẳng hạn như có nồng độ kháng thể tăng cao có thể tấn công nhầm các cơ quan và mô của chính mình, suy giảm tinh trùng và thay đổi tế bào sản xuất insulin.

Paul Offit, Giáo sư nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Philadelphia (Mỹ), nói: “SARS-CoV-2 gây ra những điều mà không loại vi rút đường hô hấp nào khác làm được. Bạn có thể bị đột quỵ, đau tim, bệnh thận, bệnh gan và sau đó mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài".

Một số biến thể SARS-CoV-2 trước đây cũng tạo ra các loại biến chứng này. Sự khác biệt với Omicron là bạn có thể không cần thở máy, nhưng vẫn cần phải nhập viện, đôi khi nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Jorge Moreno, Giáo sư y khoa tại Trường Y Yale (Mỹ), nói: “Omicron có thể gây ra vấn đề về phổi nhẹ hơn, nhưng chắc chắn vẫn gây ra những vấn đề khác. Bệnh nhân có thể không cần đặt nội khí quản nhưng vẫn có thể yêu cầu được chăm sóc đặc biệt".

Một biến chứng của COVID-19 là nhiễm toan ceton do tiểu đường. Jorge Moreno nói: “Nó làm tăng lượng đường trong máu của họ. Nó gây ra mối đe dọa nhiều hơn với bệnh nhân tiểu đường”.

“Đó là những tình trạng rất khẩn cấp và đôi khi đe dọa đến tính mạng. Họ vẫn cần rất nhiều sự chăm sóc. Họ vẫn yêu cầu nhiều thời gian trong bệnh viện”, ông cho biết thêm.

Sơn Vân