Kỹ thuật mới tăng tốc phát triển vắc xin, test nhanh COVID-19 có thể không chính xác với trẻ em

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 10:13, 20/01/2022

Đó là 2 trong 3 nghiên cứu đáng chú ý liên quan đến COVID-19 được công bố gần đây.

Kỹ thuật mới có thể tăng tốc độ phát triển vắc xin, thuốc kháng thể

Các nhà khoa học đang nghiên cứu một cách để tăng tốc độ phát triển vắc xin và thuốc kháng thể đơn dòng điều trị COVID-19 cùng các bệnh khác, rút ​​ngắn thời gian từ thu thập mẫu máu của tình nguyện viên đến xác định các kháng thể hữu ích tiềm năng từ vài tháng xuống còn vài tuần.

Được mô tả trên Tạp chí Science Advances, kỹ thuật mới sử dụng cryoEM (kính hiển vi điện tử lạnh), liên quan đến việc đóng băng mẫu sinh học để xem nó với sự biến dạng ít nhất có thể.

Hiện tại, quá trình tạo kháng thể đơn dòng bao gồm nhiều bước, tốn kém và thường mất khoảng từ 2 đến 3 tháng. Khi kết thúc quá trình đó, bạn vẫn cần thực hiện phân tích cấu trúc các kháng thể để tìm ra vị trí của chúng”, Andrew Ward thuộc Viện Nghiên cứu Scripps ở bang California (Mỹ) giải thích.

Trong các thí nghiệm sử dụng cách tiếp cận mới để tìm kiếm kháng thể chống lại HIV, chúng tôi bỏ qua quy trình từ đầu đó bằng cách bắt đầu với phân tích cấu trúc", Andrew Ward nói.

ky-thuat-moi-tang-toc-phat-trien-vac-xin-test-nhanh-co-the-khong-chinh-xac-voi-tre-em1.jpg
Dùng cryoEM có thể tăng tốc độ phát triển vắc xin, thuốc kháng thể - Ảnh: Internet

Trong đại dịch COVID-19, chính các cryoEM cho phép các nhà khoa học chụp được ảnh SARS-CoV-2 với độ phân giải cao nhất, thấy rõ đến từng khu vực trong protein gai của vi rút được gọi là miền liên kết thụ thể (RBD). RBD chính là thứ SARS-CoV-2 dùng để gắn vào thụ thể ACE-2 của tế bào người, từ đó gây bệnh cho chúng ta.

Vì cryoEM cung cấp ảnh độ phân giải cao như vậy, thay vì phải phân loại lần lượt qua các tế bào miễn dịch sản xuất kháng thể để xác định cái nào có triển vọng, quá trình xác định các kháng thể, lập bản đồ cấu trúc và xem chúng có khả năng tấn công vi rút cùng các mục tiêu khác như thế nào sẽ nhanh hơn, Andrew Ward nói thêm.

Nhóm của ông kết luận: “Đại dịch COVID-19 đang diễn ra đã làm nổi bật nhu cầu về những công nghệ mạnh mẽ và nhanh chóng như vậy”.

Xét nghiệm nhanh kháng nguyên có thể không đáng tin cậy ở trẻ em

Khi được sử dụng cho trẻ em, nhiều kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên không đáp ứng các tiêu chí về độ chính xác để phát hiện SARS-CoV-2 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan quản lý thiết bị của Mỹ, Anh đặt ra.

Các nhà khoa học cho biết thông tin này sau khi xem xét 17 nghiên cứu về các xét nghiệm nhanh.

Các thử nghiệm đã đánh giá 6 nhãn hiệu kit xét nghiệm nhanh ở hơn 6.300 trẻ em và thanh thiếu niên cho đến tháng 5.2021. Trong 5/6 nghiên cứu, các xét nghiệm nhanh do nhân viên được đào tạo thực hiện.

Nhìn chung, so với các xét nghiệm PCR, xét nghiệm nhanh kháng nguyên không phát hiện được SARS-CoV-2 ở 36% trẻ em mắc COVID-19. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo điều này trên tạp chí BMJ Evidence-Based Medicine.

Trong số trẻ em có các triệu chứng COVID-19, các xét nghiệm nhanh đã bỏ sót 28% trường hợp. Trong số những đứa trẻ mắc COVID-19 không có triệu chứng, xét nghiệm nhanh đã bỏ sót 44% trường hợp. Chỉ có khoảng 1% trường hợp xét nghiệm nhanh phát hiện nhầm ở đứa trẻ không thực sự nhiễm SARS-CoV-2.

Các tác giả cho biết, hơn 500 kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên có sẵn chỉ riêng ở châu Âu, nhưng "hiệu suất của hầu hết chúng trong điều kiện thực tế vẫn chưa được biết".

Họ kết luận rằng những phát hiện mới đã đặt ra nghi ngờ về hiệu quả các xét nghiệm nhanh kháng nguyên để sử dụng rộng rãi trong các trường học.

Dù vậy, nghiên cứu trên được thực hiện trước khi biến thể Delta chiếm ưu thế ở nhiều nơi. Hiện Omicron đã thay Delta để trở thành chủng SARS-CoV-2 thống trị ở nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Anh.

Không có khả năng lây truyền SARS-CoV-2 qua sữa mẹ

Một nghiên cứu lớn dường như xác nhận rằng các phụ nữ cho con bú không có khả năng truyền vi rút SARS-CoV-2 qua sữa mẹ.

Từ tháng 3 đến tháng 9.2020, các nhà nghiên cứu đã thu được nhiều mẫu sữa mẹ từ 110 phụ nữ đang cho con bú (trong đó 65 người có xét nghiệm dương tính với COVID-19, 36 người có các triệu chứng chưa được xét nghiệm) và nhóm đối chứng gồm 9 phụ nữ âm tính với COVID-19.

7 phụ nữ (chiếm 6%, trong đó 6 người xét nghiệm dương tính và một người chưa xét nghiệm) có vật chất di truyền từ SARS-CoV-2 trong sữa của họ, nhưng không mẫu nào cho thấy bất kỳ bằng chứng về vi rút đang hoạt động, theo báo cáo được công bố trên Tạp chí Nhi khoa.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Paul Krogstad thuộc Trường Y David Geffen của hệ thống Đại học California (Mỹ), cho biết tại sao sữa mẹ chứa vật chất di truyền từ SARS-CoV-2 nhưng không phải vi rút lây nhiễm thì vẫn chưa rõ ràng.

"Sữa mẹ được biết có chứa các yếu tố bảo vệ chống lại nhiễm trùng, bao gồm cả các kháng thể phản ánh việc người mẹ tiếp xúc với vi rút và các tác nhân lây nhiễm khác hay vắc xin mà họ nhận được”, ông lưu ý.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyên rằng, trước khi cho con bú (bú bình hoặc vắt sữa), phụ nữ mắc COVID-19 nên rửa tay sát khuẩn hoặc dùng nước rửa tay có ít nhất 60% cồn. CDC cũng khuyến cáo họ nên đeo khẩu trang khi ở cách em bé trong vòng 1,8 mét.

Vài loại vắc xin có thể truyền vi rút từ mẹ sang trẻ sơ sinh (như vắc xin phòng bệnh sốt vàng da và đậu mùa) do được bào chế dựa trên vi rút sống.

Sơn Vân