Siêu vi khuẩn kháng thuốc từng gây tử vong hơn 1,2 triệu người năm 2019
Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:16, 20/01/2022
Các quan chức y tế toàn cầu đã nhiều lần cảnh báo về sự gia tăng của vi khuẩn kháng thuốc và các vi khuẩn khác do lạm dụng thuốc kháng sinh, điều này khuyến khích vi sinh vật phát triển thành “siêu vi khuẩn kháng thuốc”.
Xu hướng kháng lại các thuốc kháng sinh thường dùng, làm cho thuốc đó không còn tác dụng trên lâm sàng, không còn tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Khi đó thuốc kháng sinh đang dùng điều trị cho người bệnh không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh, ngay cả khi chúng ta sử dụng kháng sinh với liều lượng cao, thời gian kéo dài. Sự kháng thuốc kháng sinh là mối hiểm họa to lớn bởi lẽ vi khuẩn gây bệnh sẽ tha hồ lộng hành, phát triển mà không còn bị tiêu diệt trước các vũ khí của con người. Những vi khuẩn kháng thuốc sẽ nhân lên nhanh chóng, lây lan, gây bệnh trước sự bất lực của các bác sĩ.
Báo cáo Nghiên cứu toàn cầu về kháng thuốc kháng sinh mới được công bố trên tạp chí The Lancet cho biết kháng thuốc kháng sinh (AMR) là nguyên nhân trực tiếp gây ra 1,27 triệu ca tử vong và có liên quan đến khoảng 4,95 triệu ca tử vong. Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 204 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Những dữ liệu mới này tiết lộ sự kinh hoàng của tình trạng kháng thuốc trên toàn thế giới… Các ước tính trước đây đã dự đoán 10 triệu ca tử vong do AMR vào năm 2050 nhưng giờ đây chúng tôi chắc chắn rằng chúng ta đang tiến gần đến con số đó nhanh hơn”, ông Chris Murray, Giáo sư tại Đại học Washington (Mỹ) và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Năm ngoái, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng không có loại kháng sinh nào trong số 43 loại kháng sinh đang được phát triển hoặc các loại thuốc được phê duyệt gần đây là đủ để chống lại tình trạng kháng thuốc.
Cornelius Clancy, Giáo sư y khoa tại Đại học Pittsburgh (Mỹ) cho biết một trong những cách để giải quyết AMR là xem xét một mô hình điều trị mới.
Hầu hết các trường hợp tử vong trong năm 2019 là do kháng thuốc trong các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, sau đó là nhiễm trùng máu và nhiễm trùng ổ bụng.
Tác động của AMR hiện nghiêm trọng nhất ở châu Phi và khu vực Nam Á, khoảng 1/5 trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Giáo sư Clancy nói rằng toàn thế giới đang dồn trọng tâm vào chống dịch COVID-19 suốt 2 năm qua, nhưng AMR là một “loại thách thức lâu dài” cần phải quan tâm.