Cạn nguồn cá tra cho dịp tết, Trung Quốc tăng cường mua của Việt Nam
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:44, 20/01/2022
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kể từ tháng 9.2021, nhiều nhà nhập khẩu của Trung Quốc cho biết, nguồn cá tra dự trữ của họ chuẩn bị cho dịp tết cuối năm và mùa hè năm 2022 đã cạn, nên họ chờ đợi chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm tra hàng hóa để tăng cường mua hàng từ các nước.
Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 3 thị trường cung cấp sản phẩm cá thịt trắng hàng đầu cho Trung Quốc - Hồng Kông, trong đó Việt Nam là nhà cung cấp cá tra đông lạnh "độc quyền" tại Trung Quốc.
Mới đây, Chính phủ Trung Quốc và nhiều địa phương biên giới tiếp giáp với Việt Nam đã thông báo mở cửa trở lại một số cảng hàng hóa như: Đại Liên, Thanh Đảo, Đông Hưng... và đẩy mạnh giao thương phục vụ cho kỳ nghỉ lễ tết sắp tới. Đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam gia tăng xuất khẩu cá tra sang thị trường này.
Từ tháng 11.2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đã tăng gấp đôi so với tháng trước đó và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, sau ba quý đầu năm xuất khẩu sang thị trường này bất ổn thì quý cuối năm đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng cho biết, các đơn hàng trong tháng 11 tăng mạnh, đặc biệt là tại Trung Quốc. Đại diện Công ty cổ phẩn Vĩnh Hoàn chia sẻ, riêng tháng 11 doanh thu hoạt động xuất khẩu tăng mạnh lên 18 triệu USD là nhờ doanh số mặt hàng cá tra tăng 30%.
Trong 3 quý đầu năm 2021, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Trung Quốc bị giảm sút mạnh là do những rào cản thương mại mà nước này đưa ra nhằm ngăn chặn và giảm tỷ lệ sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Trung Quốc đã nhiều lần tăng cường biện pháp kiểm tra thực phẩm nhập khẩu để test COVID-19.
Hơn nữa, kể từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp chế biến cá tra trong nước gặp nhiều khó khăn hơn khi công suất chế biến giảm, nhiều nhà máy chế biến buộc phải giảm công suất để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong môi trường làm việc. Từ hoạt động nuôi trồng, đánh bắt, vận chuyển, kinh doanh, đến xuất nhập khẩu đều gặp trở ngại, hàng trăm container mắc kẹt không được bốc dỡ ở các cảng Trung Quốc để kiểm tra. Đó là lý do khiến trong năm 2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm.
VASEP dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2021 sẽ đạt khoảng 1,54 tỉ USD, tăng 3% so với năm 2020. Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 khi chiếm tỷ trọng 28% xuất khẩu cá tra của Việt Nam, tiếp theo là thị trường Mỹ chiếm 22%. Dự báo năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng giá trung bình xuất khẩu cá tra có thể sẽ tăng, tuy nhiên khó bù đắp được các chi phí đầu vào quá cao.
Theo đó, các doanh nghiệp đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan quản lý địa phương tạo điều kiện về cơ chế cho việc phục hồi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra. Đồng thời có chính sách hỗ trợ người nuôi, người lao động và doanh nghiệp để duy trì và ổn định sản xuất, có biện pháp kiểm soát, bình ổn chi phí đầu vào cho sản xuất.
Trên cơ sở nhu cầu, dự báo thị trường xuất khẩu trong thời gian tới sẽ có nhiều triển vọng, các địa phương cần quan tâm đến cơ chế chính sách phù hợp để phát triển vùng nuôi liên kết gắn với cơ sở chế biến tiêu thụ và chia sẻ thông tin điều tiết sản xuất theo yêu cầu thị trường. Các tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hợp tác liên kết các chuỗi cơ sở nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo ổn định sản xuất.