Nhiều y, bác sĩ nhiễm bệnh và không được ở bên gia đình khi Tết về
Sự kiện - Ngày đăng : 11:20, 21/01/2022
Gần 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm COVID-19
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong suốt 2 năm ở các địa phương. Dịch bệnh tăng nhanh gây quá tải hệ thống y tế và làm tăng các ca tử vong và sự lây lan mạnh mẽ của dịch bệnh khiến ngành y tế nước ta luôn đặt ở trạng thái cấp bách. Với yêu cầu đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, cùng với cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, ngành Y tế đã huy động tổng lực, chưa từng có từ trước đến nay với nỗ lực, quyết tâm cao nhất cho công tác phòng, chống dịch.
Chỉ tính đợt dịch thứ 4, ngành Y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất với hơn 25.000 giáo sư, y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y dược tham gia phòng, chống dịch. Nhiều người hiện nay vẫn đang tiếp tục trực chiến tại các địa phương ở khu vực miền Nam. Cùng thời gian này năm trước, khi đợt dịch thứ 3 bùng phát, rất nhiều thầy thuốc, các y bác sỹ, cán bộ, nhân viên y tế tại các vùng miền trên cả nước đã gác lại việc riêng tham gia chống dịch và đón Tết Tân Sửu xa gia đình; và Tết này vẫn còn nhiều cán bộ y tế tiếp tục không được đón Tết với gia đình mà dành Tết cho chống dịch và chăm sóc bệnh nhân. "Gần 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm COVID-19 và hơn 10 trường hợp mắc đã mất do mắc COVID-19 trong quá trình làm nhiệm vụ…" - Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Báo cáo về chiến dịch tiêm vắc xin, Bộ trưởng cho biết hiện nay tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 1 trên cả nước đạt 100%, ngành y tế đang triển khai tiêm toàn bộ người dân bao phủ mũi 2 đạt mục tiêu như mũi 1.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nêu rõ năm 2022, dịch COVID-19 được nhận định là chưa thể kiểm soát được hoàn toàn. Dịch bệnh hiện nay vẫn diễn biến phức tạp với hơn 15.000 ca nhiễm mới và hơn 150 trường hợp tử vong mỗi ngày. Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng và nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất cao. Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên số mắc tăng rất nhanh, có thể gây quá tải hệ thống y tế. Với tốc độ lây lan nhanh của chủng Omicron và có thể các chủng mới khác, Bộ Y tế lo ngại về sự bùng phát đợt dịch trong thời gian tới nên đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch và yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. "Ngành Y tế xác định nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 triển khai thực hiện thành công Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023) góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định những nhiệm vụ ngành y tế thực hiện trong năm 2022 là rất nặng nề. Ngành Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành để thực hiện thành công các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Tiếp tục đạt mục tiêu tiêm chủng và phòng chống dịch năm 2022
Đưa ra ý kiến nhận định chung và mục tiêu cho năm 2022 của ngành y tế, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính cho biết trong những thành tựu chung của cả nước có đóng góp quan trọng của ngành Y tế. Trong thời khắc khó khăn nhất, lãnh đạo, ngành y tế đã giữ được bản lĩnh, bình tĩnh để cùng các cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ không tuyên bố tình trạng khẩn cấp mà tăng cường các biện pháp giãn cách và áp dụng các biện pháp đặc biệt để phòng chống dịch. Đây là một quyết định rất khó khăn nhưng phù hợp tình hình và đã khẳng định hiệu quả. Ngành Y tế đóng góp vào xây dựng chiến lược vắc xin, thúc đẩy ngoại giao vắc xin, thành lập Quỹ vắc xin và phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay.
Từ một nước có tỷ lệ tiêm vắc xin rất thấp đã vượt lên là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất trên thế giới. Đến nay, tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là gần 100%, 2 mũi là 95%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 92%, 2 mũi là 76%. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong giảm rõ rệt. Việc chuyển hướng sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đã phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá là quyết sách quan trọng, tạo nền tảng để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Đưa ra mục tiêu cho năm 2022 với ngành y tế, Thủ tướng nhấn mạnh những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra trong thời gian vừa qua đồng thời yêu cầu tiếp tục tập trung phòng chống dịch COVID-19, không để khủng hoảng y tế, đổ vỡ, quá tải hệ thống y tế…. năm 2022 dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Biến chủng Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác làm cho dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường hơn.
Trước tình hình đó và trên tinh thần kiên trì, kiên quyết đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, Thủ tướng Chính phủ gợi mở thêm một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà ngành Y tế cần tập trung thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh, các biện pháp phòng chống dịch dứt khoát phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc nhưng linh hoạt trong phạm vi nhất định, các địa phương nếu áp dụng các biện pháp khác hoặc cao hơn quy định chung thì phải báo cáo. Thủ tướng lưu ý không được ngăn sông cấm chợ, cản trở di chuyển của người dân, đồng thời thực hiện nghiêm 5K, nhất là với các phương tiện giao thông công cộng.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngành Y tế nói chung và Bộ Y tế nói riêng cũng cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thúc đẩy thực hiện dinh dưỡng hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, chống già hóa dân số, phát triển nhanh ngành dược, y dược cổ truyền, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh...; đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin truyền thông, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, ủng hộ các chủ trương, chính sách, điều hành của Chính phủ, của ngành. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng ngành Y tế tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục bằng được những hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Y tế năm 2022 với kết quả cao hơn năm 2021. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin mùa Xuân từ ngày 1.2- 28.2.2022. Giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch với các mục tiêu, biện pháp và các phương án triển khai cụ thể.