Đằng sau công trình nghiên cứu công nghệ mRNA đặt nền móng cho vắc xin COVID-19
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:41, 21/01/2022
Lễ trao giải thưởng khoa học - công nghệ toàn cầu VinFuture diễn ra tối qua 20.1 tại Hà Nội hội tụ nhiều tên tuổi kiệt xuất, công bố những sáng kiến, phát minh có tác động lên hàng trăm triệu người, thu hút sự chú ý của giới khoa học thế giới đến với Việt Nam.
Theo đó, giải chính của VinFuture (VinFuture Grand Prize) được trao cho 3 nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman và Pietter R.Cullis với công nghệ nghiên cứu vắc xin mRNA cứu sống rất nhiều người.
GS Kariko và GS Weissman đã phát triển công nghệ mRNA biến đổi nucleoside và các cải tiến khác liên quan đến vắc xin mRNA. Đây là công nghệ mà Pfizer/BioNTech và Moderna đã sử dụng trong quá trình phát triển vắc xin của mình. 150 quốc gia đã được hưởng lợi từ sự ra đời của vắc xin COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA.
Bà Kariko tập trung vào ARN thông tin (mRNA), vật liệu di truyền mang chỉ thị ADN cho bộ máy tạo protein trong mỗi tế bào. Bà tin chắc mRNA có thể dùng để hướng dẫn tế bào tự sản xuất thuốc, gồm cả vắc xin.
Trải qua nhiều khó khăn trong nghiên cứu, bước ngoặt trong sự nghiệp của bà Kariko khi bà gặp ông Drew Weissman - người lúc đó đang theo đuổi mục tiêu sản xuất vắc xin cho căn bệnh thế kỷ AIDS. Ông Weissman đã nhận thấy tiềm năng trong nghiên cứu mRNA của bà Kariko và đã quyết định hợp tác với bà.
Cùng với GS Katalin Kariko, ông Weisman đã kiên trì theo đuổi nghiên cứu những ứng dụng của công nghệ mRNA để nó trở thành một công nghệ bước ngoặt được sử dụng trong một số vắc xin phòng chống COVID-19 dựa trên mRNA hiện được phát triển ở giai đoạn cuối.
Theo bà Kariko, để tạo ra công trình nghiên cứu này, bà cùng các cộng sự đã vượt qua rất nhiều căng thẳng. Trong đó, mấu chốt để tạo nền điều kỳ diệu, để vượt qua nghịch cảnh nằm ở suy nghĩ, mục tiêu hướng đến những điều tích cực cho con người.
“Tôi làm những gì mình yêu, và yêu những thứ mình làm. Vì thế, tôi dành hết tâm trí và cảm xúc cho dự án. Với những điều này, từ ít có thể tạo ra nhiều, từ khó khăn có thể tạo ra đầy đủ. Và tất nhiên, nếu khó khăn quá thì tôi luôn có những đồng đội hỗ trợ, sát cánh với mình”, bà Kariko chia sẻ.
GS Pieter R. Cullis là Giám đốc Viện Khoa học sự sống tại Đại học British Columbia, Canada. Ông và các đồng nghiệp đã đạt được những tiến bộ mang tính nền tảng trong việc tạo ra và đưa hệ thống các hạt nano lipid (LNP) vào tĩnh mạch dưới hình thức các loại thuốc dạng phân tử nhỏ và thuốc đại phân tử như RNA can thiệp nhỏ (siRNA).
GS Cullis đã tạo ra đột phá trong việc phát triển các hạt nano lipid cần thiết để bao bọc và bảo vệ mRNA hoạt động. Điều này đã mở ra một ngành khoa học mới và các phương pháp mới trong sản xuất vắc xin mRNA COVID-19, giúp cải thiện cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người.
Giải thưởng chính VinFuture đánh giá cao công trình nghiên cứu nền tảng với hai thành tố chính tạo nên vắc xin mRNA là lõi mRNA biến đổi và vỏ bọc nano lipid hiệu quả, để ổn định và tăng hoạt tính của mRNA.
Dựa trên thành tựu của các nhà khoa học trong nhiều năm nghiên cứu, vắc xin mRNA phòng chống COVID-19 đã được phát triển trong thời gian ngắn kỷ lục, bảo vệ hàng trăm triệu người, không chỉ giúp nhân loại ứng phó COVID-19 mà còn mở ra cơ hội điều trị ung thư, bệnh tim, các bệnh truyền nhiễm khác.
Theo ông Drew Weissman, công nghệ mới mở ra những vắc xin mới cho nhiều bệnh tật khác nhau, đồng thời khởi đầu cho sự hợp tác giữa nhiều quốc gia. “Không chỉ tôi nhận giải thưởng này mà hàng nghìn nhà khoa học đi trước và sau tôi sẽ tiếp tục những nghiên cứu mới, tạo ra nhiều phương pháp chữa bệnh mới", ông Drew Weissman chia sẻ khi nhận giải.