Phát hiện mực vây lớn sống sâu nhất thế giới

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:50, 20/01/2022

Con mực vây lớn được các nhà nghiên cứu phát hiện ở độ sâu 6.200 mét - thấp hơn hàng nghìn mét so với kỷ lục trước đó.
loai-muc1.jpg
Con mực vây lớn bơi phía dưới tàu ngầm - Ảnh: Alan Jamieson

Nhóm các nhà nghiên cứu tìm kiếm xác con tàu khu trục bị mất tích trong Thế chiến II ở biển Philippines đã trở về đất liền với một khám phá thú vị hơn, đó là video bằng chứng về loài mực bơi sâu nhất từng được ghi lại.

Lướt phía trên đáy biển ở rãnh Philippines ở độ sâu đáng kinh ngạc 6.200 mét, con mực vây lớn chưa trưởng thành (họ Magnapinnidae) ngay lập tức phá vỡ kỷ lục trước đó của một cá thể cùng loài bơi ở độ sâu 4.700 m bên dưới mặt biển Thái Bình Dương.

Các nhà khoa học cũng ghi nhận 4 con bạch tuộc dumbo có vây giống như tai voi ở cùng độ sâu. Theo đồng tác giả nghiên cứu Michael Vecchione, đây là lần thứ hai loài bạch tuộc dumbo được quan sát ở độ sâu như vậy, chứng tỏ quan sát trước đây về loài này tại rãnh Java không phải tình cờ.

“Lần lặn này cho thấy nhiều loại động vật thân mềm có thể sống phần trên của những rãnh đại dương cực sâu này”, Vecchione, nhà động vật học của Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia (NOAA), người quản lý động vật thân mềm tại Viện Smithsonian ở Washington, nói với Live Science trong một email.

loai-muc2.jpg

Vecchione nói thêm rằng dữ liệu từ video cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi, làm thế nào để mực vây lớn có thể sống ở độ sâu từ 1.000 đến 6.000 mét - nơi áp suất có thể lớn hơn 600 lần so với bề mặt đại dương.

Các nhà nghiên cứu phát hiện con mực vây lớn vào tháng 3.2021 khi đang tìm kiếm vị trí xác tàu USS Johnston - một tàu khu trục của Hải quân Mỹ bị chìm năm 1944 trong trận chiến vịnh Leyte. Sử dụng tàu ngầm có người lái DSV Limiting Factor (cùng loại tàu ngầm mà nhà thám hiểm Victor Vescovo đã sử dụng để xuống đáy rãnh Mariana vào tháng 6.2020), nhóm nghiên cứu đã quay phim chuyến lặn của họ xuống đáy rãnh Philippines trong hơn 4 giờ.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra con mực vây lớn ngay trên đáy đại dương. Dù tàu ngầm bơi lơ lửng ở quá xa để chụp ảnh chi tiết con mực, các nhà nghiên cứu có thể quan sát những đặc điểm nổi bật của nó như vây đen cực lớn và tư thế bơi khác biệt của nó. Do các xúc tu của mực tương đối ngắn, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng nó là một con mực vây lớn chưa trưởng thành.

Phát hiện của họ được công bố trên tạp chí Marine Biology vào ngày 2.12.2021.

Long Hải