Xe khách tại TP.HCM đang thừa vì lượng khách đi lại dịp Tết giảm sâu

Sự kiện - Ngày đăng : 18:03, 21/01/2022

Hiện nay, tại các bến xe tại TP.HCM vẫn khá vắng vẻ, ít người đến mua vé, lượt xe và lượng hành khách xuất bến cũng khá thấp.

Sở GTVT TP.HCM cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản lượng hành khách đi lại qua các bến xe liên tỉnh, nhà ga dịp Tết Nguyên đán 2022 dự báo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đó, Sở GTVT TP.HCM dự báo sản lượng hành khách qua các bến xe liên tỉnh Tết năm nay chỉ đạt được khoảng 50% so với cùng kỳ 2021; đường sắt đạt khoảng 30% và hàng không dự báo cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 80% so với cùng kỳ năm trước. Các bến xe khách liên tỉnh ngày cao điểm Tết dự kiến đạt khoảng 60.000 hành khách, trong khi các năm trước đạt tới 130.000 hành khách.

ben-xe-17.jpeg

Sáng 21.1, lượng khách tại Bến xe Miền Đông rất ít. Tại các quầy vé cũng không có tình trạng xếp hàng chờ mua vé như mọi năm-Ảnh: LĐO

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), hiện cấp độ dịch ở TP.HCM là cấp 1 (vùng xanh), tuy nhiên một số tỉnh, thành phố phía Bắc cũng như khu vực miền Tây Nam bộ còn phát sinh dịch bệnh, do đó vận tải hành khách liên tỉnh năm nay dự báo giảm sâu. Trong 57 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, hiện có 10 tỉnh, thành phố khác chưa có liên kết với TP.HCM. Ngoài ra, một số địa phương vẫn còn những quy định về cách ly người trở về quê.

Trong kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán 2022, Bến xe miền Tây dự báo sản lượng hành khách sẽ giảm mạnh, với kỳ vọng đạt khoảng 60 – 70% so với Tết năm 2021. Trong khi đó, Bến xe miền Đông cũng dự báo công suất chỉ đạt khoảng 60% so với năm trước. Hiện nay, tại các bến xe vẫn khá vắng vẻ, ít người đến mua vé tại các sảnh, lượt xe và lượng hành khách xuất bến cũng khá thấp.

Ông Đỗ Ngọc Hải cho biết, hiện Bến xe miền Đông bán được gần 50% số vé với các tuyến đường dài. Trong khi đó, các bến xe như Ngã Tư Ga, An Sương bán chưa được 20%, tuy nhiên các bến xe này chủ yếu phục vụ các tuyến cự ly ngắn, nên có thể cận Tết hành khách mới mua vé về quê.

Đối với giá vé, trên địa bàn TP.HCM 51 đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh, năm nay có 22 đơn vị kê khai tăng giá vé. Trong đó, mức tăng không quá 40% cho các tuyến đi các địa phương khu vực miền Tây Nam bộ và 60% đi các tỉnh, thành phố phía Bắc để bù chạy rỗng.

Trong năm 2021, vận tải hành khách tại TP.HCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng. So với năm 2020, vận tải hành khách theo tuyến cố định giảm 55% lượt xe và giảm 62% lượt hành khách; sản lượng hành khách đi và đến TP.HCM bằng đường sắt giảm 61%; sản lượng hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất giảm 54%.

Trọng tâm dịp Tết năm nay của lĩnh vực vận tải hành khách TP.HCM chủ yếu tập trung công tác phòng chống dịch COVID-19 và đảm bảo đủ xe cho người dân về quê.

"Với dự báo sản lượng như trên, hiện lượng xe khách tại thành phố đang dư thừa và tới thời điểm này, các bến xe chưa có nhu cầu tăng cường xe buýt để vận tải hành khách liên tỉnh. Dù vậy, Sở GTVT cũng đã chuẩn bị xe buýt, đồng thời yêu cầu các đơn vị vận tải dự phòng xe để đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho hành khách," ông Hải cho biết.

Liên quan đến phục vụ cao điểm trước, sau dịp Tết và mùa lễ hội năm 2022, Bộ GTVT trước đó đã ban hành quyết định về kế hoạch phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị, không để hành khách chậm về quê đón Tết do không có phương tiện vận chuyển và hạn chế các hiện tượng chèn ép giá, lợi dụng tăng giá không đúng quy định; chậm chuyến, hủy chuyến trong vận tải hàng không.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị liên quan thành lập Ban chỉ đạo vân tải trong dịp Tết của đơn vị. Lập danh sách và phân công lãnh đạo, chuyên viên trực trong dịp Tết. Công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thường trực 24/24 để tiếp nhận xử lý thông tin liên quan.

Các đơn vị vận tải xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải, xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải bảo đảm tuân thủ quy định về phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đảm bảo đáp ứng kịp thời khi nhu cầu vận tải phát sinh tăng cao, đặc biệt tại các đầu mối giao thông, giải tỏa hành khách và hạn chế tối đa ùn tắc giao thông.

Đ.M - T.V