Mũi vắc xin COVID-19 thứ 3 giúp người lớn tuổi giảm nhập viện, các bộ trưởng EU xem xét liều thứ 4

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 21:04, 21/01/2022

Những người từ 50 tuổi chưa tiêm vắc xin có nguy cơ nhập viện vì COVID-19 cao hơn đáng kể so với những ai được tiêm chủng đầy đủ và nhận mũi tăng cường, theo dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố.

Mũi vắc xin tăng cường có thể giúp nhiều người không nhiễm SARS-CoV-2 trong một thời gian ngắn. Thế nhưng, phát hiện mới của CDC phần lớn ủng hộ các kết luận từ Israel và các quốc gia khác cho thấy mũi vắc xin tăng cường có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và nhập viện, đặc biệt là ở người lớn tuổi.

Số liệu của CDC đại diện cho dữ liệu thực tế chứng minh tác dụng của việc tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường ở Mỹ.

Các con số được công bố trên trang web của CDC cho thấy rằng vào tháng 12.2021, những người Mỹ từ 50 tuổi trở lên chưa tiêm vắc xin COVID-19 có nguy cơ nhập viện cao hơn 17 lần so với người đã hoàn thành 2 liều ban đầu mà chưa nhận mũi tăng cường.

Trong khi những người Mỹ chưa tiêm vắc xin từ 50 đến 64 tuổi có nguy cơ phải nhập viện vì COVID-19 cao hơn 44 lần so với những người trong cùng độ tuổi đã nhận mũi vắc xin tăng cường.

Sự khác biệt thậm chí còn rõ ràng hơn với đối tượng từ 65 tuổi: Những người chưa tiêm vắc xin COVID-19 có nguy cơ nhập viện cao hơn 49 lần so với những ai đã nhận mũi tăng cường.

CDC không công bố dữ liệu tương tự với người lớn dưới 50 tuổi. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn về nguy cơ nhập viện cho thấy mũi vắc xin tăng cường bổ sung một lớp bảo vệ mạnh mẽ chống lại COVID-19, ít nhất là ở người lớn tuổi.

mui-vac-xin-covid-19-thu-3-giup-nguoi-lon-tuoi-giam-nguy-co-nhap-vien.jpg
Y tá giơ tấm thẻ báo hiệu một bàn đã sẵn sàng cho nhiều người hơn tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer ở thành phố Rochester Hills, bang Michigan - Ảnh: The New York Times

Khi tranh luận về các khuyến nghị tiêm vắc xin COVID-19 tăng cường cho tất cả người lớn, các cố vấn khoa học cho Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cùng CDC liên tục than phiền về việc thiếu dữ liệu về mũi tiêm này dành riêng cho Mỹ.

Có sự khác biệt giữa Israel và Mỹ, chẳng hạn trong cách Israel định nghĩa bệnh nặng. Điều đó khiến việc giải thích mức độ liên quan của dữ liệu Israel với người Mỹ là khó khăn.

Một số thành viên của chính quyền Biden đã ủng hộ việc sử dụng mũi vắc xin COVID-19 tăng cường ngay cả trước khi các cố vấn khoa học của FDA, CDC có cơ hội xem xét các dữ liệu từ Israel. Các quan chức y tế liên bang đã thúc đẩy chiến dịch tiêm mũi vắc xin tăng cường cho hầu hết người dân sau khi biến thể Omicron xuất hiện.

CDC hiện khuyến nghị tiêm mũi tăng cường cho mọi người từ 12 tuổi trở lên, 5 tháng sau khi nhận hai liều vắc xin do Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất, hoặc 2 tháng sau khi tiêm một liều vắc xin Johnson & Johnson.

Đầu tuần này, dữ liệu CDC cho thấy những người khỏi bệnh COVID-19 có nhiều sự bảo vệ trước biến thể Delta hơn những người đã tiêm vắc xin.

Trong ngày 21.1.2022, cơ quan này dự kiến ​​sẽ cung cấp các kết quả gần đây hơn để cho thấy hiệu quả của vắc xin và mũi tăng cường chống lại biến thể Omicron.

Các bộ trưởng y tế EU tìm kiếm đường lối chung về mũi vắc xin COVID thứ 4

Hôm 21.1.2022, các bộ trưởng y tế của Liên minh châu Âu (EU) sẽ cố gắng tìm ra đường lối chung về liều vắc xin thứ tư, trong bối cảnh gia tăng số ca COVID-19 do biến thể Omicron gây ra.

Vào đầu tuần này, Cơ quan quản lý dược phẩm của EU (EMA) nói sẽ hợp lý nếu tiêm liều vắc xin thứ tư cho những người có hệ thống miễn dịch suy yếu nghiêm trọng, nhưng cần có thêm bằng chứng.

Các bộ trưởng y tế tổ chức cuộc họp video riêng để thảo luận về việc sử dụng liều vắc xin thứ tư, theo thông cáo báo chí do Pháp (Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU) đưa ra.

Các thành viên EU là Hungary và Đan Mạch đã quyết định triển khai tiêm mũi vắc xin COVID thứ tư. Đan Mạch cho biết sẽ làm như vậy cho những người dễ bị tổn thương nhất, trong khi Hungary thông báo mọi người đều có thể nhận được mũi thứ tư sau khi tham khảo ý kiến ​​bác sĩ.

Việc triển khai mũi vắc xin thứ tư đã bắt đầu ở Israel vào tháng trước cho người từ 60 tuổi, nhân viên y tế và những ai bị suy giảm miễn dịch. Qua đó, Israel trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng liều vắc xin tăng cường thứ hai.

mui-vac-xin-covid-19-thu-3-giup-nguoi-lon-tuoi-giam-nguy-co-nhap-vien2.jpg
Các ống tiêm chứa đầy vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được chụp tại một trung tâm tiêm chủng ở Bỉ - Ảnh: Reuters

Các nước giàu hơn đã quyết định đẩy nhanh việc triển khai mũi vắc xin thứ ba trong bối cảnh làn sóng gia tăng ca bệnh mới do biến thể Omicron gây ra, nhưng đang phân vân về liều thứ tư. Nhiều nước cho rằng cần thêm dữ liệu trước khi đưa ra quyết định.

Pháp cho biết hội nghị truyền hình nhằm tìm ra cách tiếp cận chung ở cấp độ EU về các chiến lược tiêm vắc xin.

Cuộc họp cũng sẽ thảo luận về việc điều phối các chính sách COVID-19 khác, bao gồm cả việc có thể mua chung vắc xin mới, vì "vắc xin thích ứng với các biến thể sẽ sớm ra mắt", Pháp cho biết.

Vắc xin đặc trị Omicron có thể trình làng sớm nhất là vào tháng 3.2022, nhưng EMA cho biết vẫn chưa rõ liệu nó có cần thiết hay không.

Công việc đang được tiến hành để phát triển vắc xin có thể bảo vệ chống lại nhiều biến thể SARS-CoV-2, nhưng vẫn chưa biết khi nào hoặc liệu nó có ra đời hay không.

Cách đây vài ngày, Tiến sĩ Richard Hatchett, Giám đốc điều hành Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), tổ chức tài trợ vắc xin COVID-19 cho nhiều quốc gia, nói rằng có “những thách thức khoa học cốt lõi với việc phát triển một loại vắc xin có thể chống lại nhiều đột biến của vi rút”.

Tiến sĩ Richard Hatchett cho rằng "ít nhất 2 năm nữa" mới có vắc xin bảo vệ rộng rãi chống lại nhiều biến thể SARS-CoV-2 khác nhau. Theo ông, nếu biến thể mới xuất hiện hoạt động theo cách khác biệt đáng kể với Omicron và các chủng cũ thì “chính xác là chúng ta có thể gánh chịu một đợt dịch COVID-19 khác”.

Tiến sĩ Richard Hatchett nói các nghiên cứu cho thấy những người nhiễm SARS, loại vi rút gây ra dịch bệnh năm 2003 đến 2004, cũng tạo ra kháng thể với SARS-CoV-2.

Về mặt sinh học, chúng ta biết điều đó là có thể, nhưng câu hỏi đặt ra là làm cách nào để nắm bắt được và đưa nó vào một loại vắc xin mà chúng ta có thể dễ dàng sử dụng? Việc này sẽ mất một khoảng thời gian”, Richard Hatchett chia sẻ.

Sau hai năm nghiên cứu, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed (Mỹ) đang đạt được tiến bộ trong việc phát triển vắc xin pan-coronavirus. Đây là loại vắc xin có thể chống lại tất cả coronavirus và biến thể, bao gồm cả Omicron và những loại có khả năng xuất hiện trong tương lai. Song chưa rõ thời điểm nó được tung ra.

Theo trang Defense One, các nhà khoa học tại Emerging Infectious Diseases Branch thuộc Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed đã đặt mục tiêu này ngay từ đầu đại dịch khi họ nhận được toàn bộ trình tự bộ gen đầu tiên của vi rút SARS-CoV-2.

Nó được gọi là vắc xin SpFN (Spike Ferritin Nanoparticle), đang hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và sẽ cần phải trải qua giai đoạn 2, 3.

Thế nhưng, các nhà phát triển cho biết vắc xin này đã chứng minh tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ và hứa hẹn có thể mang lại sự bảo vệ rộng rãi hơn các sản phẩm hiện tại.

Vắc xin SpFN sử dụng một hạt nano hình quả bóng đá với 24 mặt cho phép các nhà khoa học gắn các gai nhiều chủng coronavirus lên các mặt khác nhau của protein.

Trong các thử nghiệm ở phòng thí nghiệm, các kháng thể do vắc xin này tạo ra bảo vệ chuột khỏi những gì có thể gây chết chóc từ SARS-CoV-2 và cả vi rút gây ra dịch SARS năm 2003, các nhà nghiên cứu cho biết trên Tạp chí Cell Reports.

Trưởng nhóm nghiên cứu Gordon Joyce thuộc Viện nghiên cứu Quân đội Walter Reed cho biết: “Trình bày nhiều bản sao của protein gai một cách có trật tự có thể là chìa khóa để tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh và rộng”.

Ông nói vắc xin này sẽ duy trì ổn định ở một loạt nhiệt độ, khiến nó đặc biệt hữu ích ở những nơi không có thiết bị bảo quản chuyên dụng.

Sơn Vân