Đài Loan tìm cách lấy lòng Nhật để gia nhập CPTPP
Chuyển động - Ngày đăng : 08:51, 22/01/2022
Lệnh cấm được ban hành sau thảm họa động đất - sóng thần năm 2011. Giáo sư Lý Hiểu Huệ thuộc đại học Chính trị Đài Loan (NCCU) dự đoán có khả năng giới chức đảo tự trị sẽ nhanh chóng đưa ra quyết định ngay trong đầu năm 2022 – thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị (không chính thức) của 2 bên.
Cũng theo giáo sư Lý, việc xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - thỏa thuận thương mại mà Nhật đóng vai trò dẫn dắt - chính là một trong số nguyên nhân thúc đẩy Đài Loan xem xét vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu.
CPTPP hiện bao gồm 11 nền kinh tế Việt Nam, Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore – tạo ra khu vực thương mại tự do với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu, gần 500 triệu dân.
Vào tháng 9.2021, lần lượt Trung Quốc lẫn Đài Loan nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Nhật tỏ ý ủng hộ Đài Loan.
Cuối năm ngoái, người đứng đầu cơ quan quản lý kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa từng cho biết lệnh cấm trên sẽ được đưa ra thảo luận khi đảo tự trị cố gắng gia nhập CTPP, vì đây là vấn đề Nhật quan ngại nhất.
Đài Loan từng tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 12 về hàng loạt vấn đề, trong đó có vấn đề có chấp nhận thịt lợn nhập khẩu chứa chất tạo nạc ractopamine hay không. Người dân bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng an toàn thực phẩm và chính trị nên được tách biệt.
Cuối cùng đề xuất cấm thịt lợn chứa ractopamine không được thông qua. Giới chức Đài Loan khẳng định duy trì nhập khẩu sẽ giúp đảo tự trị thuận lợi trong thương lượng gia nhập CPTPP cũng như tiến tới đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Ngày 11.1 vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản - Đài Loan Mitsuo Ohashi bày tỏ hy vọng Đài Loan sẽ sớm làm theo Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), xử lý vấn đề nhập khẩu dựa trên bằng chứng khoa học và tiêu chuẩn quốc tế.
Tính đến nay, đã có Mỹ, Canada, Ấn Độ, Singapore dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ Nhật. Phía châu Âu cũng có Anh, Iceland, Thụy Sĩ và Nga cho phép nhập nhưng đòi hỏi kiểm tra kỹ lưỡng. Tại châu Á, Hàn Quốc và Trung Quôc còn duy trì lệnh cấm.