Thông tin sai lệch về vắc xin khiến hàng triệu trẻ em gặp rủi ro vì Omicron
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 11:40, 23/01/2022
COVID-19 khiến hơn 888.000 người ở Mỹ thiệt mạng hơn 2 năm qua nhưng chưa rõ có bao nhiêu trẻ em trong số đó. Khả năng trẻ em tử vong vì COVID-19 vẫn thấp, song nguy cơ tăng lên khi biến thể Omicron đẩy số ca mắc COVID-19 và nhập viện lên cao kỷ lục ở Mỹ.
Tiêm vắc xin COVID-19 làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh nặng và các thai phụ có thể truyền kháng thể cho thai nhi, nhưng sự chần chừ trong tiếp nhận vắc xin khiến cả bà mẹ và trẻ em đều dễ bị tổn thương.
Bác sĩ Wassim Ballan của Bệnh viện Nhi Phoenix (Mỹ) cho biết, chống lại những thông tin sai lệch đã trở thành một phần công việc của ông trước những tuyên bố sai lầm rằng tiêm vắc xin COVID-19 có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai.
Wassim Ballan cho hay: "Thật không may, rất nhiều lần chúng tôi có thời gian để thảo luận với các gia đình về những điều này là khi đứa trẻ đã ở trong bệnh viện".
Cha mẹ cần hiểu rằng vắc xin là "công cụ quan trọng nhất để bảo vệ con trước COVID-19", đặc biệt là để tránh hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em, một biến chứng hiếm gặp và nguy hiểm có thể xảy ra ngay cả khi nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ.
Chỉ có 27% trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ở Mỹ đã tiêm liều vắc xin COVID-19 đầu tiên. Số ca nhập viện đạt mức cao nhất là 914 trẻ em mỗi ngày trong tháng này ở Mỹ, tăng đáng kể so với mức cao nhất trước đó là 342 đứa trẻ vào tháng 9.2021.
Bảo vệ thai nhi từ trong bụng mẹ
Tuần đầu tiên của tháng 1.2022, Bệnh viện Nhi đồng Texas ở thành phố Houston (Mỹ) báo cáo có 12 trẻ sơ sinh được chăm sóc đặc biệt vì COVID-19.
Trẻ sơ sinh còn quá nhỏ để tiêm vắc xin COVID-19, nhưng Kathryn Grey, bác sĩ chăm sóc sức khỏe bà mẹ - thai nhi tại Bệnh viện Brigham and Women (Mỹ), nói các nghiên cứu ngày càng cho thấy việc tiêm vắc xin COVID-19 trong thai kỳ dẫn đến các kháng thể được truyền sang thai nhi một cách an toàn, cung cấp sự bảo vệ phần nào cho em bé khi chào đời.
Nhiều bà mẹ tương lai cũng tỏ ra lưỡng lự trong việc tiêm phòng COVID-19 sau khi đối tượng này bị loại khỏi các thử nghiệm vắc xin lâm sàng ban đầu.
Kathryn Grey nằm trong số những người đang theo dõi tình hình, nhưng bà rất tin tưởng khi nói với bệnh nhân là tiêm vắc xin COVID-19 là an toàn cho mẹ và con trong thời kỳ mang thai.
"Nếu thực sự muốn bảo vệ trẻ sơ sinh của mình trước COVID-19 thì tiêm vắc xin là thứ sẽ bảo vệ họ nhiều nhất vào lúc này", Kathryn Grey chia sẻ.
Các cơ quan y tế trên toàn cầu cũng nói như vậy, nhưng việc thiếu dữ liệu ban đầu vẫn tiếp tục được khai thác trong các thông điệp chống vắc xin trên mạng xã hội.
Các bài đăng trên Facebook và Twitter cho rằng thai chết lưu tăng lên sau khi thúc đẩy tiêm vắc xin COVID-19 cho những thai phụ, dù nguy cơ không được bảo vệ trước COVID-19 cao hơn.
Nhà dịch tễ học Carla DeSisto và Sascha Ellington từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết dữ liệu từ 1,2 triệu ca sinh ở Mỹ chỉ ra "không có bằng chứng nào cho thấy tỷ lệ thai chết lưu nói chung cao hơn trong đại dịch". Thế nhưng, nghiên cứu của họ đã tiết lộ những nguy cơ của phụ nữ mang thai nhiễm SARS-CoV-2.
Hai nhà nghiên cứu cho biết: “So với những người mang thai không mắc COVID-19, những thai phụ nhiễm SARS-CoV-2 có nhiều nguy cơ gặp các kết quả bất lợi như sinh non và thai chết lưu”.
“Sữa từ người chưa tiêm vắc xin COVID-19”
Nuôi con bằng sữa mẹ cũng là mục tiêu của các thông tin sai lệch, với các bài đăng cho rằng trẻ sơ sinh bị phát ban hoặc thậm chí tử vong khi được người mẹ tiêm vắc xin COVID-19 cho bú.
Hiệp hội Y học Bà mẹ - Thai nhi (Mỹ) khuyến cáo nên tiêm vắc xin cho những phụ nữ đang cho con bú và nói rằng không có lý do gì để ngừng làm việc này sau khi chủng ngừa COVID-19.
Thông tin sai lệch ngày càng trở nên phổ biến trong các nhóm Facebook, nơi các bậc cha mẹ kết nối để chia sẻ và bán sữa mẹ, người điều hành một nhóm nói với trang AFP.
Tại một trong những nhóm lớn nhất như vậy, Bethany Bristow (thành phố New York, Mỹ) cho biết cô lo ngại trước những đề nghị về "sữa từ người chưa tiêm vắc xin COVID-19".
Bethany Bristow cùng những người điều hành nhóm khác đã quyết định cấm những đề nghị như vậy. Các quy tắc dành cho nhóm hơn 10.500 phụ huynh của cô hiện nêu rõ: "Quảng cáo hoặc đề nghị sữa từ người chưa tiêm vắc xin COVID-19 có thể khiến bạn, con bạn và cộng đồng gặp rủi ro".
Theo Laura Ward, đồng Giám đốc Trung tâm Y học Nuôi con bằng sữa mẹ tại Bệnh viện Nhi Cincinnati (Mỹ), các nghiên cứu đang tìm ra những lợi ích cụ thể của sữa từ bà mẹ được tiêm vắc xin COVID-19.
Bà Laura Ward cho biết: “Các kháng thể đã được phát hiện trong sữa mẹ của những phụ nữ đang cho con bú đã tiêm vắc xin COVID-19”.
Kathryn Grey đồng ý điều này khi nói: “Sữa mẹ chứa đầy các kháng thể dựa trên sự tiếp xúc trước đó của một người với vắc xin hoặc mắc COVID-19 rồi khỏi bệnh. Bất kỳ mối lo ngại hoặc thông tin nào chưa rõ ràng về vắc xin nên bị bỏ qua bởi nguy cơ mắc COVID-19".
Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng ở trẻ nhỏ so với Delta nhưng…
Theo một nghiên cứu mới đây, ở trẻ nhỏ, biến thể Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn so với Delta.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu về gần 80.000 trẻ em Mỹ dưới 5 tuổi nhiễm SARS-CoV-2 lần đầu, bao gồm cả 7.201 bé mắc COVID-19 vào cuối tháng 12.2021 hoặc đầu tháng 1.2022 khi Omicron gây ra hơn 90% ca ở Mỹ.
Sau khi tính đến các yếu tố nguy cơ khác, bao gồm cả điều kiện y tế và hoàn cảnh kinh tế xã hội, các nhà nghiên cứu nhận thấy trẻ em nhiễm Omicron có nguy cơ phải đến khoa cấp cứu thấp hơn 29%, nguy cơ nhập viện thấp hơn 67%, nguy cơ cần chăm sóc đặc biệt thấp hơn 68%, giảm 71% nguy cơ cần máy để thở, so với những đứa trẻ nhiễm Delta. Tuy nhiên, "do khả năng lây truyền của Omicron tăng cao nên tổng số lần khám tại khoa cấp cứu, nhập viện, chăm sóc đặc biệt và sử dụng máy thở cơ học ở trẻ em vẫn có thể nhiều hơn" ở làn sóng dịch biến thể mới này so với Delta, theo một báo cáo đăng trên trang medRxiv trước khi được đánh giá đồng cấp.
Các nhà điều tra cũng đã quan sát thấy rằng tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 (cả biến thể Omicron và Delta) ở trẻ em da đen và gốc Tây Ban Nha với nhóm tuổi này cao hơn một cách không cân xứng và số ca nhiễm Omicron ngày càng mở rộng điều này, theo trưởng nhóm nghiên cứu, Rong Xu thuộc Trường Y Đại học Case Western Reserve (Mỹ).
Dữ liệu cho thấy "trẻ em dưới 5 tuổi có tỷ lệ nhiễm Omicron cao nhất" so với lứa lớn hơn và người lớn ở tất cả các nhóm tuổi, bà Rong Xu nói.
Tất cả triệu chứng nhiễm Omicron ở trẻ em mà cha mẹ cần lưu ý
Khi biến thể Omicron gây nên làn sóng dịch trên khắp thế giới, trẻ em ngày càng dễ nhiễm vi rút SARS-CoV-2 hơn trước.
Trang Insider đã trò chuyện với các chuyên gia và nhận được một số dữ liệu ban đầu để nhận biết các triệu chứng mà trẻ em có xu hướng biểu hiện khi nhiễm Omicron.
Biểu hiện thường thấy nhất là mệt mỏi, hắt hơi, ho hoặc đau họng.
Emma Duncan, Giáo sư y khoa tại Đại học Hoàng gia London (Anh), nói về công việc theo dõi các triệu chứng COVID-19 ở trẻ em thông qua nghiên cứu ZOE COVID-19. Nghiên cứu sử dụng một ứng dụng để cho phép những người tham gia ghi lại các triệu chứng của họ hàng ngày.
Dựa trên kết quả sơ bộ từ vài trăm trẻ em nhiễm Omicron từ 8 - 12 tuổi, Emma Duncan đã liệt kê các triệu chứng sau:
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Viêm họng
- Sổ mũi
- Hắt xì
- Sốt
- Ho
Các chuyên gia y tế khác ghi nhận các triệu chứng ít phổ biến hơn về các vấn đề đường ruột như tiêu chảy và phát ban.
Trong một số trường hợp, trẻ bị viêm thanh khí phế quản, nhiễm trùng đường thở, ho ra tiếng như hải cẩu hoặc chó sủa.
Emma Duncan lưu ý rằng dữ liệu của bà không bao gồm cả các ca nhiễm Omicron không có triệu chứng. Hầu hết trẻ em trong nhóm nghiên cứu của Emma Duncan đã được tiêm vắc xin, nhưng bà nói rằng các triệu chứng cũng rất giống ở những đứa bé chưa tiêm phòng COVID-19.
Tiêm vắc xin COVID-19 dường như làm giảm tần suất và thời gian các triệu chứng Omicron, nhưng còn quá sớm để biết chắc chắn, bà nói.
Các bác sĩ làm việc với trẻ em nói với Insider rằng báo cáo trên phù hợp với những gì họ thấy.
Tiến sĩ John McGuire, Trưởng bộ phận chăm sóc cho trẻ em của Bệnh viện Nhi đồng Seattle (Mỹ), nói: “Hầu hết trẻ em nhiễm Omicron đều mắc các triệu chứng giống như cảm lạnh/hô hấp trên, bất kể tuổi tác. Các triệu chứng như đau ruột, sốt, phát ban cũng là những dấu hiệu để cha mẹ theo dõi và nhận biết con nhiễm Omicron”.
Tiến sĩ Buddy Creech, Giám đốc Vanderbilt Vaccine Research Program (Mỹ), nói ông cũng đã thấy hầu hết các triệu chứng về đường hô hấp trong đợt dịch Omicron này.
Tiến sĩ Lisa Saiman, Giáo sư Nhi khoa tại Đại học Columbia (Mỹ), cho biết nổi hạch dường như cũng là triệu chứng điển hình của Omicron.
Lisa Saiman nói rằng cha mẹ không nên quá lo lắng vì bệnh tình các bé sẽ trở nên tốt hơn theo thời gian.
Một triệu chứng khác Lisa Saiman nhìn thấy ở trẻ em nhiễm Omicron là viêm tiểu phế quản. Bà nói: “Những đứa trẻ này có biểu hiện ho, thở khò khè và đôi khi cần phải nhập viện nếu chúng cảm thấy khó thở”. Tuy nhiên, cả hai triệu chứng này đều có thể do các bệnh đường hô hấp khác gây ra.
Buddy Creech chia sẻ: “Nếu để các bé ở nhà, cha mẹ rất khó xác định liệu các triệu chứng cảm lạnh hoặc giống viêm thanh khí phế quản là do COVID-19 hay các vi rút hô hấp theo mùa khác”.