Mỹ tranh thủ sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Ukraine

Quốc tế - Ngày đăng : 08:18, 24/01/2022

Mỹ đột ngột quyết định không ủng hộ dự án đường ống dẫn nhiên liệu EastMed ngay trong những ngày đầu năm.

EastMed kết nối các mỏ khí đốt của Israel với Cyprus và Hy Lạp. Dự án sẽ giúp châu Âu giảm phụ thuộc nhiên liệu từ Nga, nhưng đường ống dài 1.900 km rất tốn kém và đòi hỏi nỗ lực đàm phán khó khăn vì nó đi qua một số vùng thuộc Địa Trung Hải nơi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chủ quyền. Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi EastMed nên giới chức nước này rất giận dữ.

Dù Mỹ không tham gia trực tiếp, nhưng chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump lại dành sự ủng hộ chính trị cho EastMed.

Tuy nhiên, nhiều phương tiện truyền thông trong những ngày đầu tháng này đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nói với Israel và Hy Lạp rằng Washington không còn ủng hộ EastMed nữa. Đại sứ quán Mỹ tại Hy Lạp không nhắc gì đến dự án một tuyên bố chính sách gần đây.

Diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh Nga triển khai lượng lớn quân đến sát biên giới Ukraine, nguy cơ nổ ra xung đột vũ trang tăng cao.

eastmed-pipeline.jpeg
Đường đi của EastMed - Ảnh: EC

Theo giáo sư quan hệ quốc tế Oktay Tanrisever thuộc đại học Kỹ thuật Trung Đông (METU): “Tôi nghĩ Mỹ muốn chấm dứt leo thang căng thẳng ở phía đông Địa Trung Hải, nhằm giúp Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác tập trung hơn vào Ukraine cùng Biển Đen, nơi mà sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò rất quan trọng”.

Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ vài năm gần đây không mấy tốt đẹp. Mỹ ủng hộ nhóm dân quân người Kurd bị Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào danh sách khủng bố, Thổ Nhĩ Kỳ khiến Mỹ tức giận vì nhất quyết mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Để kiềm chế ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Địa Trung Hải, Mỹ ủng hộ liên minh Israel - Hy Lạp - Cyprus với trọng điểm là dự án EastMed.

Tháng 11.2019, Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Libya được Liên hợp quốc công nhận đã ký một thỏa thuận phân định ranh giới hàng hải ở biển Aegean (một phần của Địa Trung Hải) – tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chủ quyền với một phần khu vực mà EasMed đi qua. Khả năng tận dụng căng thẳng tại Địa Trung Hải của Nga thúc đẩy phía Mỹ thay đổi quan điểm, theo giáo sư Tanrisever.

Ở vấn đề Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ lại đẩy mạnh nỗ lực xoa dịu căng thẳng. Tổng thống Tayyip Erdogan dự định nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vài tuần tới.

Cựu quan chức ngoại giao Mỹ Matthew Bryza nhận định: “Đây là cơ hội tuyệt vời để Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện quan hệ với Mỹ. Giữa 2 đồng minh NATO (Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ) rõ ràng đang tồn tại sự nghi ngờ vì chuyện mua S-400”.

Theo cựu quan chức Bryza, Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Trước đây Thổ Nhĩ Kỳ từng bán máy bay không người lái Bayraktar và tên lửa cho Ukraine. Hai nước còn soạn thảo thỏa thuận mua tàu hải quân, hợp tác phát triển máy bay cùng động cơ. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ luôn là nhà đầu tư lớn tại Ukraine.

Nội dung trọng tâm của căng thẳng Nga - phương Tây là yêu cầu NATO không cho Ukraine gia nhập. Moscow không muốn có một quốc gia thù địch ngay sát biên giới.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ kết nạp Ukraine lẫn các quốc gia xung quanh. Họ cũng từng phản đối hành động sáp nhập Crimea năm 2014.

Cẩm Bình