Bà Phạm Khánh Phong Lan: 'Doanh nghiệp than phiền mới phục hồi sau dịch mà kiểm tra nhiều quá'
Sự kiện - Ngày đăng : 18:50, 24/01/2022
Chia sẻ với báo chí về công tác bảo đảm an toàn an thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vào chiều 24.1, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, đơn vị này đã ban hành kế hoạch 2237, các quận huyện và TP.Thủ Đức cũng có kế hoạch riêng của mình.
“Các kế hoạch đều tập trung vào công tác thanh, kiểm tra để phát hiện thực phẩm mất an toàn, xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời chúng tôi rà soát lại phòng chống ngộ độc thực phẩm để không xảy ra tình trạng này trong dịp Tết và tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng”, bà Lan chia sẻ.
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, TP có một lực lượng thanh, kiểm tra hùng hậu ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm. Ngoài 11 đoàn kiểm tra của Ban Quản lý an toàn thực phẩm, còn có hàng chục đoàn liên ngành ở mỗi quận huyện và TP.Thủ Đức; chưa kể lực lượng công an, cảnh sát môi trường, cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường… cũng ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm.
Dù lực lượng thanh, kiểm tra hùng hậu nhưng bà Lan cho rằng không thể nào xử lý triệt để nếu không có sự đồng hành, hợp tác của người dân với các ngành chức năng.
“Người dân phải đồng hành ủng hộ thực phẩm sạch, mua thực phẩm ở những địa chỉ hợp pháp, có uy tín. Người dân nên mua thực phẩm ở các cửa hàng kinh doanh, chợ đầu mối, chợ truyền thống... không nên mua ở vỉa hè hay những điểm bán tự phát. Nếu phát hiện có sự cố về an toàn thực phẩm, người dân nên báo ngay với cơ quan chức năng”, bà Lan khuyến cáo.
Hiện nay hệ thống thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm của TP.HCM được phủ kín, nhưng theo bà Lan, công tác thanh, kiểm tra đang phải gặp những trở ngại do nhiều doanh nghiệp than phiền.
“Rất nhiều doanh nghiệp than phiền mới phục hồi sau dịch mà sao các anh chị kiểm tra nhiều quá”, bà Lan nói và cho biết việc thanh kiểm tra ở đây là để kịp thời phát hiện những vi phạm để chấn chỉnh, chứ không đợi đến lúc thực phẩm mất an toàn đến với người tiêu dùng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
Thông qua thanh kiểm tra trên thị trường, bà Lan cho biết hiện nay các nơi bán hàng hợp pháp như chợ truyền thống, các cửa hàng tiện ích… doanh thu đang sụt giảm. Nguyên nhân là do một bộ phận người dân khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên mua hàng trôi nổi.
Hiện các nhà hàng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã thông báo sẽ bán hàng xuyên Tết. Vì vậy bà Lan đề nghị người dân dù ủng hộ dịch vụ ăn uống nhưng không nên quá đà, phải cố gắng giữ khoảng cách để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
“Trong thời gian vừa qua, chúng tôi tập trung lấy rất nhiều mẫu rượu để phát hiện methanol. Khi kinh tế giảm sút, nhiều người muốn mua những sản phẩm thật rẻ, trong đó có cồn công nghiệp pha thành rượu để uống, đây là mối nguy lớn”, bà Lan cho biết.
Dù dịp Tết ít khi xảy ra ngộ độc thực phẩm trên diện rộng, vì các bếp ăn trường học hay bếp ăn ở các công ty đã nghỉ. Tuy nhiên, bà Lan lưu ý người dân nếu đi ăn tại các quán ăn, nhà hàng mà có những triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa… cần phản ánh với cơ quan chức năng.
“Chúng tôi rất mong sự ủng hộ của người dân trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm”, bà Lan nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu cơ quan quản lý an toàn thực phẩm TP, trong năm 2022 công tác quản lý an toàn thực phẩm sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Trong một chừng mực nào đó, việc tự cung tự cấp vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Giờ đây, hoạt động đã bình thường trở lại sau những tháng phòng chống dịch, sản xuất kinh doanh đã phục hồi, phải tiếp tục xây dựng hệ thống sản xuất và phân phối thực phẩm sạch.