Tàu thám hiểm Perseverance phun ra mẫu đá để thoát tắc nghẽn

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:00, 25/01/2022

Tàu thám hiểm Perseverance của NASA đã tìm cách phun những mảnh đá làm tắc nghẽn thiết bị lấy mẫu sao Hỏa của nó từ cuối tháng 12.
robot.gif
Perseverance hướng mũi khoan xuống mặt đất rồi xoay nhanh để khiến những mẫu đá trong ống nghiệm văng ra ngoài - Ảnh: NASA

Nhóm nghiên cứu cho biết trong một bài đăng trên blog rằng, mặc dù quy trình giải phóng tắc nghẽn của thiết bị chưa từng được thử nghiệm trước đó, nhưng các kỹ sư trong sứ mệnh sao Hỏa nhận thấy việc này thực hiện khá “đơn giản”. Theo đó, mũi khoan chứa ống nghiệm bị tắc của robot được hướng xuống mặt đất rồi xoay với tốc độ cao cho đến khi những mảnh đá văng ra ngoài.

Các nhà nghiên cứu thậm chí đã ghi lại khoảnh khắc robot Perseverance phun những viên đá ra ngoài bằng camera khoa học Mastcam-Z của nó. Đoạn video được chia sẻ trên Twitter cho thấy mũi khoan của Perseverance quay khi một mảnh đá nhỏ rơi ra bề mặt sao Hỏa.

“Để duy trì nhiệm vụ #SamplingMars, tôi đã bỏ số mẫu vật mới nhất. Hãy quan sát kỹ để thấy một mảnh đá vụn rơi xuống bề mặt sao Hỏa trong đoạn phim này. Rất may, tôi có thể sử dụng lại ống nghiệm này để lấy mẫu vật khác từ cùng tảng đá”, nhóm nghiên cứu viết trên Twitter.

Quy trình giải phóng tắc nghẽn diễn ra trong hai bước, phần đầu tiên của mẫu đá bị mắc kẹt được giải phóng vào ngày 15.1 và phần còn lại được loại bỏ hôm 20.1.

Đây là nỗ lực lấy mẫu là lần thứ 6 được thực hiện bởi Perseverance kể từ khi hạ cánh xuống sao Hỏa vào tháng 2 năm ngoái. Robot đang tập hợp các mẫu đất đá, dự kiến được mang trở về Trái đất đầu những năm 2030 nhờ một tàu sao Hỏa do NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phối hợp phát triển.

Các kỹ sư nhận ra điều không ổn vào ngày 29.12, khi cánh tay robot của Perseverance cố gắng đặt mẫu mới khoan vào một cấu trúc giống như bánh xe quay trên khung của robot để lưu trữ các mẫu đá. Dữ liệu cho thấy lực cản khi cánh tay cố gắng bịt kín ống đựng mẫu. Mẫu số mẫu vật có nguồn gốc từ tảng đá mà các nhà khoa học gọi là Issole. Các kỹ sư cho biết robot có thể sẽ thử khoan sâu vào tảng đá này một lần nữa.

Các kỹ sư NASA đang phát triển phần cứng quan trọng cho một loạt các nhiệm vụ không gian táo bạo sẽ được thực hiện trong thập kỷ tới. Trong số đó có sứ mệnh phức tạp nhất từng được thực hiện tại hành tinh đỏ - mang các mẫu đá và trầm tích từ sao Hỏa về Trái đất để nghiên cứu kỹ hơn.

Quá trình đưa các mẫu này vào các phòng thí nghiệm trên Trái đất sẽ kéo dài một thập kỷ với sự tham gia của các đối tác châu Âu và nhiều trung tâm NASA. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang phát triển một robot định vị cho việc thu gom mẫu vật, trong khi nhóm kỹ sư ở Trung tâm nghiên cứu Glenn của NASA tại Cleveland, Ohio, thiết kế bánh xe của thiết bị.

robot22.jpg
Mô phỏng robot thu hồi mẫu vật và tên lửa vận chuyển hạ cánh xuống sao Hỏa - Ảnh: NASA

Chương trình trả mẫu sao Hỏa (MSR) của NASA sẽ cách mạng hóa sự hiểu biết của con người về sao Hỏa bằng cách trả lại các mẫu đất đá được các nhà khoa học lựa chọn. Các mẫu này sẽ được nghiên cứu bằng các công cụ tiên tiến nhất trên thế giới. Sứ mệnh sẽ hoàn thành mục tiêu thăm dò hệ Mặt trời, một ưu tiên cao kể từ năm 1980.

Sự hợp tác chiến lược này của NASA và ESA sẽ là sứ mệnh đầu tiên trả lại các mẫu vật từ hành tinh khác về Trái đất. Những mẫu vật do robot Perseverance thu thập khi khám phá vùng châu thổ sông cổ đại là cơ hội tốt nhất để tìm hiểu sự tiến hóa của sao Hỏa ở thuở sơ khai, bao gồm khả năng tồn tại sự sống.

Long Hải