Quà, mứt ‘nhà làm’ giúp tận hưởng hương vị tết cổ truyền, gắn kết gia đình

Sự kiện - Ngày đăng : 10:54, 26/01/2022

Những năm gần đây, thay vì mua sẵn mứt tết, đồ lễ dâng lên ban thờ tổ tiên, nhiều gia đình chọn cách tự tay làm mứt, trang trí.

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như muốn gắn kết các thành viên trong gia đình, nhiều chị em chọn cách tự tay làm các loại mứt tết, trang trí lẵng quà tặng, biếu hoặc đặt trang trọng lên ban thờ tổ tiên khi tết đến xuân về.

qua-mut-nha-lam-giup-tan-huong-huong-vi-tet-co-truyen-gan-ket-gia-dinh-8-.jpg
Lẵng quả được trang trí khéo léo - Ảnh: T.A

Chia sẻ với PV Một Thế Giới, chị Trần Trang (làm việc trong ngành Thẩm mỹ ở Hà Nội) cho biết mọi năm các cửa hàng hay làm lẵng quà để tặng, biếu …. nhưng để đặt lên ban thờ thì có phần cồng kềnh và hơi to. “Từ đó, tôi lên ý tưởng làm những mẹt oản, bia hoặc nước ngọt đặt trên ban thờ”, chị Trang nói.

qua-mut-nha-lam-giup-tan-huong-huong-vi-tet-co-truyen-gan-ket-gia-dinh-7-.jpg
Các lẵng quà được chị Trang trang trí đẹp mắt - Ảnh: T.A

Ngoài việc sử dụng những lon nước ngọt, bia, hoặc hộp bánh mua sẵn, để trang trí, chị Trang sử dụng thêm hoa vải, tô điểm thêm cho các lẵng quà nhỏ xinh. Dù công việc tương đối bận mỗi dịp gần tết, nhưng chị Trang vẫn tranh thủ thời gian rảnh lúc tối để hoàn thành “tác phẩm” của mình.

qua-mut-nha-lam-giup-tan-huong-huong-vi-tet-co-truyen-gan-ket-gia-dinh-6-.jpg
Hoa vải được tô điểm thêm cho lẵng bánh - Ảnh: T.A

Cũng là một người phụ nữ yêu thích nấu ăn, chị Kim Yến (giảng viên ở Hải Phòng) cũng thường xuyên tự tay làm mứt tết. Đặc biệt hơn, chị Yến còn khéo léo “lôi kéo” được hai cô con gái nhỏ vào bếp, giúp các bé biết được hương vị tết cổ truyền, cảm nhận được không khí gia đình mỗi dịp giáp tết.

Chị Yến bày tỏ: “Bạn lớn có chút năng khiếu nghệ thuật, cứ nhìn các loại mứt bắt mắt là bạn ấy tò mò. Bạn bé thì bắt chước theo chị lớn. Các bạn nhỏ thường hỗ trợ ở khâu sơ chế. Hiện nhà chị đã thành nếp nên năm nào cũng làm”.

qua-mut-nha-lam-giup-tan-huong-huong-vi-tet-co-truyen-gan-ket-gia-dinh-3-.jpg
Mứt dừa các vị - Ảnh: NVCC

Nói về lý do lựa chọn tự tay làm mứt, bánh kẹo tết, chị Yến cho rằng thực phẩm bên ngoài có từ rất nhiều nguồn, chưa kể các loại mứt, bánh kẹo mua sẵn thường rất ngọt, trong khi gia đình thích ăn vừa phải nên việc tự tay chuẩn bị mứt kẹo ngày tết sẽ đúng khẩu vị của gia đình.

Không dừng lại ở việc làm những loại mứt tết đơn giản, chị em còn tự mày mò làm các loại mứt mới với các màu khác nhau, nhìn rất bắt mắt. Theo chị Yến, gia đình có truyền thống làm mứt dừa các vị, mứt gừng, cà rốt, cà chua và thi thoảng cũng bổ sung thêm các loại mứt khác, như đu đủ hay củ sen…

qua-mut-nha-lam-giup-tan-huong-huong-vi-tet-co-truyen-gan-ket-gia-dinh-2-.jpg
Mứt đu đủ xanh - Ảnh: NVCC
qua-mut-nha-lam-giup-tan-huong-huong-vi-tet-co-truyen-gan-ket-gia-dinh-4-.jpg
Mứt củ sen - Ảnh: NVCC

Được biết, để tạo màu sắc cho mứt, chị em thường sử dụng màu tự nhiên như cà phê, lá dứa, lá cẩm…, không những cho ra màu sắc bắt mắt mà còn tạo được nhiều vị mứt khác lạ so với vị truyền thống, như vị trà xanh, vị ca cao…

Vốn có kinh nghiệm tự tay làm mứt nhiều năm, theo chị Yến, với dòng mứt khô, chị thường sơ chế nguyên liệu, rửa qua nước sạch nhiều lần, ướp đường từ 6 - 8 tiếng cho tan rồi bắt đầu sên.

qua-mut-nha-lam-giup-tan-huong-huong-vi-tet-co-truyen-gan-ket-gia-dinh(1).jpg
Mứt khế sấy dẻo - Ảnh: NVCC

Cầu kì hơn, với dòng mứt quả, người làm phải thái hoặc xăm quả để dễ ngấm đường. Sau đó ngâm qua nước vôi trong một đêm, rửa thật sạch, ướp đường từ 6 - 8 tiếng, cho lên bếp sên đến khi nước gần cạn, thêm nước cốt chanh để tạo vị thơm và không bị ngọt khé.

Năm nay, gia đình chị Yến có làm thêm mứt khế. Với loại mứt này, chị Yến cho thêm gừng đập dập để tạo mùi thơm. Ngoài ra, “với dòng mứt này có thể chiết được một chút siro, pha nước mát cũng là loại thức uống mà trẻ con ưa thích và cũng tốt cho sức khỏe”, chị Yến cho biết thêm.

Thu Anh