Mảnh vỡ vệ tinh Nga suýt va chạm với vệ tinh Trung Quốc
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:45, 21/01/2022
Thông tin này được đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Trung tâm Mảnh vỡ Không gian thuộc Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA). Theo đó, cơ quan này đã tính toán và cảnh báo sớm về một “sự cố giao nhau cực kỳ nguy hiểm” có thể xảy ra vào khoảng 10 giờ 49 tối 18.1 giữa vệ tinh khoa học Thanh Hoa của Trung Quốc và một mảnh vỡ vệ tinh của Nga mang số hiệu 49863.
Trong đó, mảnh vỡ số 49863 là mảnh vỡ phân hủy được tạo ra bởi vụ thử chống vệ tinh của Nga vào ngày 15.11.2021. Trong khi vệ tinh khoa học Thanh Hoa của Trung Quốc được phóng lên quỹ đạo ngày 6.8.2020.
Khoảng cách gần nhất giữa hai vật thể là 14,5 m và góc giao nhau là 40,52°. Nếu va chạm xảy ra, tai nạn có thể tạo ra “sóng xung kích siêu thanh”, nhà nghiên cứu Jonathan McDowell ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, cho biết. Theo McDowell, mảnh vỡ bay đủ gần để có thể gây ra va chạm.
“Một mảnh vỡ đủ lớn để theo dõi như thế này, va chạm ở tốc độ 19,3 km/h, sóng xung kích sẽ khiến vệ tinh vỡ thành nhiều mảnh”, McDowell nói.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu nhận định khoảng cách giữa hai vật thể mà Trung Quốc nêu ra “khá vô lý bởi không có cách nào để biết chính xác”. Dựa trên thông tin theo dõi không gian sẵn có ở Mỹ, McDowell xác định mảnh vỡ bay cách vệ tinh từ hơn 100 m đến vài centimet.
Nga phá hủy một trong những vệ tinh của họ vào tháng 11 năm ngoái trong thử nghiệm phá hủy bằng tên lửa. Thử nghiệm này ước tính đã tạo ra 1.600 mảnh vỡ có kích thước từ 10 cm trở lên, phân bố trong phạm vi độ cao quỹ đạo từ 400 đến 1.000 km và có thể gây ra rủi ro va chạm đối với tất cả các thiết bị vũ trụ hoạt động trong phạm vi này.
Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời chuyên gia về mảnh vỡ không gian Lưu Tịnh cho biết, có rất nhiều trường hợp mảnh vỡ vũ trụ và tàu vũ trụ cách nhau vài km đến cả chục km, nhưng rất hiếm khi cả hai chỉ cách nhau hơn chục mét. Khả năng xảy ra va chạm là rất cao và nguy hiểm, hiện cả hai đã duy trì khoảng cách an toàn, nhưng không loại trừ khả năng sẽ tiến gần trở lại trong tương lai.
Các mảnh vỡ nhỏ rất khó theo dõi và có rất nhiều mảnh như vậy ngoài không gian. Khoảng 900.000 vật thể rộng 1-10 cm đang bay quanh Trái đất, theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ước tính.
Ngoài ra, trên quỹ đạo cũng có tới 128 triệu mảnh rác với đường kính từ 1 mm đến 1 cm. Các vật thể trên quỹ đạo di chuyển cực nhanh, ví dụ, vận tốc ở độ cao của Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) là khoảng 27.600 km/h. Vì vậy, những mảnh vụn nhỏ cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho vệ tinh.