Vắng bóng SARS-CoV-2, Tonga hoang mang khi tàu cứu trợ có 23 ca mắc COVID-19

Quốc tế - Ngày đăng : 14:40, 26/01/2022

23 ca mắc COVID-19 được xác định trên một con tàu hải quân Úc đang đi đến Tonga, làm phức tạp thêm các nỗ lực viện trợ cho đảo quốc Thái Bình Dương vốn vắng bóng vi rút SARS-CoV-2.

Trước đó, Nhật Bản tạm dừng sứ mệnh cứu trợ cho Tonga do bùng phát COVID-19 giữa các thành viên thủy thủ đoàn.

Tonga chỉ ghi nhận một ca mắc COVID-19 duy nhất vào ngày 30.10.2021 kể từ khi bắt đầu đại dịch và đang nỗ lực hết sức, bao gồm cả việc đề nghị giao hàng không tiếp xúc, để tránh lây vi rút SARS-CoV-2 khi nhận được viện trợ từ các nước láng giềng Thái Bình Dương sau một vụ phun trào núi lửa lớn và sóng thần gần 2 tuần trước.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc - Peter Dutton phát biểu trong cuộc họp báo hôm 25.1.2022 rằng 23 ca mắc COVID-19 đã được phát hiện trên tàu đổ bộ HMAS Adelaide với thủy thủ đoàn hơn 600 người. Con tàu rời Brisbane, thủ phủ và là thành phố đông dân nhất bang Queensland (Úc), vào ngày 21.1, chở theo thiết bị y tế và viện trợ nhân đạo, dự kiến ​​sẽ đến Tonga trong tuần này.

Peter Dutton cho biết các thành viên thủy thủ đoàn mắc COVID-19 đang được cách ly và không có các triệu chứng nghiêm trọng, đồng thời nói thêm rằng con tàu sẽ nhanh chóng chuyển vật tư khi được phép cập cảng ở Tonga.

Ông nói: “Chúng tôi có thể làm điều đó theo cách không tiếp xúc, xịt thuốc vào thiết bị, vì vậy cơ hội lây truyền vi rút SARS-CoV-2 rõ ràng là không đáng kể”.

Theo đài truyền hình NHK, Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 25.1.2022 cho biết đã đình chỉ một sứ mệnh viện trợ cho Tonga sau khi 4 thành viên Lực lượng Phòng vệ Trên không đóng tại Úc có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

NHK đưa tin một thành viên của đơn vị cứu trợ đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 hôm 24.1.2022 sau khi Nhật Bản giao lô nước uống đầu tiên cho Tonga vào ngày 23.1. Ba thành viên phi hành đoàn khác có xét nghiệm dương tính hôm 25.1.

Nhật Bản hiện không thể vận chuyển vật tư từ Úc đến Tonga và đang xem xét gửi người thay thế hơn 30 thành viên thủy thủ đoàn hiện đang bị cách ly, theo NHK.

vang-bong-sars-cov-2-tonga-hoang-mang-khi-tau-cuu-tro-co-20-ca-mac-covid-19.jpeg
Núi lửa Hunga-Tonga-Hunga Ha'apai đã phun tro bụi và các mảnh vỡ cao tới 40km vào bầu khí quyển trong vụ phun trào ngày 15.1 gây ra những đợt sóng thần khổng lồ - Ảnh: Internet

Vụ phun trào của núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai dưới nước vào ngày 15.1 đã khiến phần lớn quần đảo Tongan bị bao phủ bởi lớp tro bụi dày đặc, đồng thời gây ra sóng thần khiến sóng ập vào các hòn đảo. Ít nhất 3 người thiệt mạng trong thảm họa này.

Các chuyến bay viện trợ không tiếp xúc đầu tiên đã đến Tonga từ Úc vào tuần trước như một phần trong nỗ lực ngăn chặn SARS-CoV-2 lây lan trên đảo quốc.

Với dân số hơn 100.000 người, Tonga đã tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ cho hơn 80% dân số đủ điều kiện, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bộ trưởng Quốc phòng Úc - Peter Dutton cho biết: “Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi sẽ không làm tổn hại đến sức khỏe và hạnh phúc của những người dân Tonga vốn đã có nỗ lực phối hợp chống lại COVID-19 bằng cách bảo vệ chính họ và vi rút không hiện diện trên đảo”.

Các quốc gia khác, gồm cả New Zealand, cũng gửi nguồn cung cấp đến đảo quốc xa xôi, nơi gần như bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới ngay sau thiên tai do hư hỏng dây cáp quan trọng dưới nước.

Các cơ quan cứu trợ và chính trị gia Tongan đã cảnh báo về tình trạng ô nhiễm nước, thiếu lương thực tiềm ẩn sau khi mùa màng bị tàn phá bởi tro bụi.

Các nhân viên cứu hộ đang làm việc để cung cấp nước uống an toàn cho các hòn đảo, khi liên lạc dần được nối lại và các nỗ lực dọn dẹp vẫn tiếp tục.

Omicron lan tới các đảo quốc xa xôi nhất hành tinh từng vắng bóng SARS-CoV-2

Hầu như không có nơi nào trên Trái đất có thể thoát khỏi sự lây lan của biến thể Omicron.


Trong hơn 2 năm, dù lan ra hầu hết quốc gia theo nhiều đợt bùng phát dịch nhưng vi rút SARS-CoV-2 đã không đến được một số đảo quốc xa xôi nhất nằm rải rác trên Thái Bình Dương.

Ngay cả khi các ca mắc COVID-19 xuất hiện ở những nơi xa xôi như Nam Cực, những đảo quốc này hầu như chưa bị tác động bởi mầm bệnh nhờ sự cô lập về địa lý và các chính sách nghiêm ngặt. Thế nhưng, điều này không còn nữa khi biến thể Omicron xuất hiện.

Với khả năng lây nhiễm nhanh chưa từng có trong đại dịch, biến thể Omicron đã tìm được chỗ đứng ở một số đảo quốc.

Có đảo quốc đang ghi nhận những ca mắc COVID-19 đầu tiên trong người dân địa phương kể từ khi đại dịch bắt đầu. Những quốc đảo khác cố gắng duy trì ca mắc COVID-19 ở một con số trong khi 2 năm qua chỉ theo dõi tình hình dịch ở nơi khác.

Một trong những ví dụ quyết liệt nhất là Kiribati, quốc gia tập hợp các đảo san hô và đảo đá ngầm nằm rải rác trên một khu vực Thái Bình Dương có diện tích gấp đôi bang Alaska (Mỹ).

Đảo quốc có khoảng 119.000 dân này đã đóng cửa biên giới trong phần lớn đại dịch. Đến gần đây, Kiribati chỉ ghi nhận hai ca mắc COVID-19 từ một con tàu trở về vào tháng 5.2021. Thủy thủ đoàn đã được cách ly và không có ổ dịch nào được ghi nhận.

Thế nhưng, khi chuyến bay quốc tế đầu tiên đến Kiribati trong 10 tháng từ Fiji vào tuần trước, 36 hành khách đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Theo Radio Kiribati - đài truyền hình quốc gia, SARS-CoV-2 sau đó đã lây sang một nhân viên an ninh tại trung tâm cách ly và hai người khác.

Thủ đô Tarawa của Kiribati sẽ phải phong tỏa từ 24.1.2022. Các cư dân chỉ có thể rời khỏi nhà của họ để mua thực phẩm. Tất cả nơi làm việc sẽ bị đóng cửa trừ những nơi cung cấp các dịch vụ cần thiết và khẩn cấp.

Tại Tonga, nơi các nhân viên cứu trợ đang gấp rút cung cấp đồ cứu sinh sau khi một vụ phun trào núi lửa gây ra sóng thần tàn phá đảo quốc này, các nỗ lực phục hồi trở nên phức tạp do tình trạng không có vi rút SARS-CoV-2 trước đây.

Quốc gia này chỉ ghi nhận một ca mắc COVID-19 trong suốt đại dịch và chính quyền địa phương đã bày tỏ lo ngại về việc nhân viên cứu trợ từ nước ngoài có thể mang vi rút đến.

Quần đảo Solomon cũng báo cáo ca COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên của mình vào tuần trước. Nguồn tin cho biết một chiếc thuyền đến đảo Ontong Java (thuộc Quần đảo Solomon) từ Papua New Guinea bất hợp pháp chở một hành khách mắc COVID-19, các nhà chức trách cho biết.

“Hỡi những người dân Quần đảo Solomon, điều chúng tôi lo sợ đã xảy ra. Chúng tôi hiện có ca COVID-19 lây truyền trong cộng đồng ở Ontong Java. Dự kiến ​​số lượng người mắc COVID-19 sẽ tăng nhanh trong những ngày và tuần tới. Dự kiến một số người có thể bị bệnh nặng, thậm chí mất mạng”, Thủ tướng Manasseh Sogavare tuyên bố hôm 18.1.2022.

Một ngày sau, sự lan truyền COVID-19 trong cộng đồng đã được phát hiện ở thủ đô Honiara của Đảo Solomon, buộc chính quyền ở đó phải nhanh chóng ra lệnh phong tỏa. Tính đến 25.1.2022, cả nước này ghi nhận 650 ca mắc COVID-19 nhưng chỉ có 56 giường cho bệnh nhân, 2 người chết và 20 trường hợp khỏi bệnh

Palau gần đây cũng báo cáo một đợt bùng phát dịch sau gần 2 năm không có vi rút SARS-CoV-2. Tính đến 21.1.2022, Palau đã ghi nhận 757 ca mắc COVID-19. Quốc đảo này đã tạm đóng cửa các trường học trong 2 tuần và áp dụng lệnh cấm tụ tập nơi cộng đồng.

Đảo quốc Samoa đang xem xét hủy các chuyến bay hồi hương sau khi một máy bay từ Úc hạ cánh xuống nước này chở 10 hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Tất cả đều đang cách ly và vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy vi rút SARS-CoV-2 lây lan vào cộng đồng.

Tuy nhiên, các trường hợp này đại diện cho số ca mắc COVID-19 cao nhất mà Samoa từng thấy kể từ khi bắt đầu đại dịch. Đến nay, Samoa ghi nhận tổng cộng 26 ca mắc COVID-19 và 3 trường hợp khỏi bệnh.

Sơn Vân