Thời gian ủ bệnh của Omicron phản ánh điều gì về đại dịch trong tương lai?
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 18:23, 26/01/2022
Hiện có rất nhiều quan chức y tế công cộng vẫn đang tìm hiểu về biến thể Omicron, nhưng có một điều chắc chắn là nó lây lan rất nhanh. Omicron hiện gây ra 99,5% ca mắc COVID-19 mới ở Mỹ. Đây là con số đáng kinh ngạc khi biến thể này chỉ mới được phát hiện ở Mỹ vào đầu tháng 12.2021.
Rất nhiều người thắc mắc về thời gian ủ bệnh của Omicron, tức là khoảng thời gian từ khi bạn nhiễm biến thể này đến khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.
Thời gian ủ bệnh của Omicron
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) phân tích dữ liệu 6 người nhiễm biến thể Omicron và phát hiện ra rằng 73 giờ (khoảng 3 ngày) là thời gian ủ bệnh điển hình của bệnh nhân. Song có một số trường hợp khác biệt: một số triệu chứng phát triển sớm nhất 33 giờ sau khi tiếp xúc với ca nhiễm Omicron và vài triệu chứng xuất hiện sau 75 giờ.
Theo một báo cáo khác của CDC, các triệu chứng đó thường bao gồm ho, mệt mỏi, nghẹt mũi, sổ mũi. CDC chỉ ra rằng thời gian ủ bệnh của Omicron chắc chắn ngắn hơn so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu (5 ngày trở lên) và biến thể Delta (khoảng 4 ngày).
Bạn có thể nhiễm Omicron trong bao lâu?
Vào cuối tháng 12.2021, CDC đã rút ngắn khoảng thời gian khuyến nghị người dân nên cách ly sau khi dương tính với COVID-19. CDC hiện khuyến nghị bạn nên cách ly trong 5 ngày miễn là các triệu chứng tốt hơn hoặc không còn triệu chứng, và theo dõi thêm 5 ngày nhưng vẫn đeo khẩu trang.
CDC giải thích sự thay đổi vào thời điểm đó là do nghiên cứu phát hiện ra rằng hầu hết người lây truyền vi rút SARS-CoV-2 trong 1 đến 2 ngày kể từ khi dương tính với COVID-19 trước khi họ phát triển các triệu chứng 2 đến 3 ngày sau đó. Vì vậy, theo biện pháp này, hầu hết mọi người đều có thể truyền Omicron trong khoảng 5 ngày.
Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là giáo sư tại Trường Y thuộc Đại học Vanderbilt (Mỹ), cho biết: “Bất kể thời gian bạn nhiễm Omicron là bao lâu, biến thể này dễ lây lan hơn nhiều so với các chủng SARS-CoV-2 trước đó”. Ông giải thích lý do vì “bệnh nhân nhiễm Omicron thải ra nhiều vi rút hơn và người khác nhận lượng vi rút lớn hơn”.
Thời gian ủ bệnh của Omicron có ý nghĩa gì?
Tiến sĩ William Schaffner nói thời gian ủ bệnh ngắn hơn không có nghĩa là Omicron dễ kiểm soát hơn. Ông nói: “Omicron rất dễ lây lan. Rất khó để kìm hãm sự lây lan của nó trong cộng đồng”.
Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh ngắn hơn có nghĩa là bạn nên cân nhắc tự xét nghiệm sớm hơn nếu từng tiếp xúc với ai đó nhiễm Omicron, theo tiến sĩ Thomas Russo, giáo sư kiêm trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Buffalo ở thành phố New York (Mỹ).
CDC hiện khuyến nghị nên tự xét nghiệm sau ít nhất 5 ngày tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19, nhưng Thomas Russo nói rằng thời gian đó nên ngắn hơn với Omicron.
“Bạn nên thực hiện xét nghiệm tại nhà vào khoảng ngày thứ 3 kể từ khi tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Omicron để cách ly với những người khác nếu nhận kết quả dương tính với COVID-19. Nếu dương tính, điều đó cũng có nghĩa là bạn có thể tiếp cận các phương pháp điều trị như kháng thể đơn dòng hoặc thuốc kháng vi rút sớm hơn nếu có nguy cơ cao mắc các biến chứng nghiêm trọng do SARS-CoV-2 gây ra. Nhìn chung, bạn chỉ cần sẵn sàng tỏ ra nhạy bén hơn một chút trong các hành động của mình”, Thomas Russo nói thêm.
Thomas Russo nói rằng thời gian ủ bệnh ngắn hơn của Omicron gần giống với bệnh cúm (từ 1 đến 4 ngày). “Nó chắc chắn là giống bệnh cúm theo hướng đó. Song dù thế nào, xét nghiệm COVID-19 là điều sẽ giúp bạn phân biệt đâu là việc cần làm tiếp theo”, ông chia sẻ.
CDC: Omicron ít nghiêm trọng hơn Delta nhờ tỷ lệ tiêm vắc xin và mắc COVID-19 cao
Theo một nghiên cứu mới của CDC, biến thể Omicron dường như gây ra bệnh COVID-19 ít nghiêm trọng hơn so với các đợt dịch trước đây, bao gồm cả Delta, với thời gian nằm viện ngắn hơn, ít cần chăm sóc đặc biệt và ít tử vong hơn. Tuy nhiên, Omicron lây lan nhanh chóng đã dẫn đến số ca mắc COVID-19 và nhập viện kỷ lục, làm căng thẳng hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ.
Theo nghiên cứu được công bố trong Báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong của CDC, dù số ca mắc COVID-19 tăng đột biến nhưng tỷ lệ bệnh nhân nhập viện phải vào đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) trong đợt dịch Omicron hiện tại thấp hơn khoảng 29% so với làn sóng dịch mùa đông năm ngoái và thấp hơn khoảng 26% so với đợt dịch Delta.
Nghiên cứu cho biết mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 thấp hơn trong đợt dịch Omicron có thể liên quan đến tỷ lệ tiêm vắc xin cao hơn và nhận mũi tăng cường ở những người đủ điều kiện, cũng như số ca mắc COVID-19 cao trước đó cung cấp miễn dịch tự nhiên.
Nghiên cứu cho thấy các số ca tử vong từ ngày 19.12.2021 đến 15.1.2022 khi tỷ lệ nhiễm Omicron ở mức cao nhất, trung bình là 9 trên 1.000 trường hợp mắc COVID-19, so với 16 trên 1.000 trong đỉnh dịch mùa đông trước đó và 13 trên 1.000 ở đợt dịch Delta.
CDC cho biết các phát hiện này phù hợp với các phân tích dữ liệu trước đây từ Nam Phi, Anh và Scotland, nơi số ca nhiễm Omicron đạt đỉnh điểm sớm hơn Mỹ.
Cơ quan này cho biết tỷ lệ nhập viện tương đối cao ở trẻ em trong làn sóng dịch Omicron có thể liên quan đến tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 thấp ở lứa tuổi này hơn so với người lớn. Trẻ em dưới 5 tuổi chưa đủ điều kiện để tiêm vắc xin COVID-19 ở Mỹ và tỷ lệ tiêm chủng ở lứa 5-17 tuổi thấp hơn người lớn.
Nghiên cứu bao gồm phân tích dữ liệu từ cơ sở dữ liệu chăm sóc sức khỏe lớn và 3 hệ thống giám sát để đánh giá các đặc điểm COVID-19 của Mỹ từ ngày 1.12.2020 đến ngày 15.1.2022.
Các tác giả cho biết một hạn chế của nghiên cứu là không thể loại trừ các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên, trong đó bệnh nhân nhập viện vì các lý do khác nhưng nhận kết quả dương tính với COVID-19 khi ở đó. Điều này có thể làm tăng tỷ lệ nhập viện và ảnh hưởng đến các chỉ số mức độ nghiêm trọng của COVID-19.