Phi công người Anh hồi phục kỳ diệu, đã cầm bút viết chữ, ra ngoài phơi nắng
Sự kiện - Ngày đăng : 18:28, 11/06/2020
Phi công người Anh mắc COVID-19 đã chính thức bỏ máy tập thở
Bệnh viện Chợ Rẫy cho phi công người Anh ngưng sử dụng thuốc giãn cơ
Phi công người Anh trò chuyện với Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy
Phi công người Anh bất ngờ tỉnh táo, tiếp xúc được với nhân viên y tế
Chiều 11.6, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay sức khỏe của bệnh nhân 91- phi công người Anh hôm nay đã tốt lên trông thấy so với trước đây. Hiện bệnh nhân nhiễm trùng ở phổi do vi khuẩn Burkholderia cenocepacia và Ralstonia Pickettii, mẫu cấy đàm đã âm tính.
Đặc biệt, bệnh nhân không chỉ tỉnh táo hoàn toàn, nhớ cả mật khẩu trên điện thoại và iPad của mình, cầm bút viết lên bảng, sử dụng được điện thoại như người bình thường mà còn ngồi xe lăn để ra ngoài phơi nắng.
BSCK2 Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết hiện vận động 2 chi trên của bệnh nhân 91 dần hồi phục về mức bình thường, nên bệnh nhân có thể cầm bút viết lên bảng và sử dụng được điện thoại gần như người khỏe mạnh.
Hiện sức cơ 2 chân của bệnh nhân 91 đã cải thiện lên 3/5 so với mức 1/5 cách đây 1 tuần. Bệnh nhân cũng có thể ngồi được trên xe lăn với sự trợ giúp của nhân viên y tế để phơi nắng mỗi sáng.
Trong 2 ngày qua, bệnh nhân 91 được tập bỏ máy thở ngắt quãng và thời gian bỏ máy thở đang tăng dần. Bệnh nhân không còn sốt, thở chậm hơn với lượng oxy cung cấp chỉ 3 lít/phút.
“Với tình hình chuyển biến sức khỏe rất tốt như trên, có thể thời gian cần cho việc bỏ hoàn toàn được máy thở sẽ rút ngắn hơn so với tiên lượng trước đó”, bác sĩ Thức nói.
Đề cập đến việc điều trị trong thời gian tới khi bệnh nhân đang hồi phục rất tốt, bác sĩ Thức cho biết các bác sĩ sẽ tiến hành ngưng kháng sinh khi đã đủ liều. Tiếp tục tập bỏ máy thở, tiếp tục dinh dưỡng đầy đủ, tập vận động phục hồi chức năng tích cực, phòng ngừa các nguy cơ nhiễm trùng mới. Sau đó sẽ đánh giá việc rút cannule mở khí quản sau khi đã bỏ được máy thở để bệnh nhân có thể giao tiếp trở lại bằng lời nói.
Bệnh nhân 91 là ca mắc COVID-19 nặng nhất ở Việt Nam và đã trải qua hơn 80 ngày ngày điều trị. Bệnh nhân này có những diễn biến rất bất thường. Từ lúc nhập viện ngày 18.3.2020, bệnh nhân liên tục diễn tiến xấu dần. Đến ngày 5.4, bệnh nhân phải thở máy xâm nhập, ngày 6.4, bệnh nhân phải hỗ trợ máy tim phổi nhân tạo ECMO và lọc máu liện tục, đến ngày 24.4 các bác sĩ buộc phải mở nội khí quản cho bệnh nhân.
Bệnh nhân 91 ngoài bị rối loạn đông máu còn mắc hội chứng "cơn bão cytokine" khiến hệ miễn dịch phản ứng thái quá, giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Các loại thuốc trong nước điều trị kháng đông cho bệnh nhân này đều bị kháng thuốc. Cả 2 phổi bệnh nhân từng bị đông đặc, có thời điểm phổi chỉ còn hoạt động 10%, bệnh nhân lệ thuộc hoàn toàn vào máy tim phổi nhân tạo ECMO.
Trong suốt thời gian trên, có những thời điểm bệnh nhân chuyển biến tốt, nhưng sau đó lại chuyển biến xấu, có lúc tưởng chừng bệnh nhân không qua khỏi. Bộ Y tế nhận định đây là bệnh nhân có yếu tố cơ địa rất kỳ lạ, nếu theo y học thì khả năng sống sót là rất thấp.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính đến nay là 56 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Hiện Việt Nam chỉ có tổng cộng 192 ca nhiễm COVID-19 nhập cảnh được cách ly ngay.
Ngoài ra, đến thời điểm này Việt Nam còn 9.226 người đang được cách ly theo dõi sức khỏe. Đây là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 và những người nhập cảnh từ vùng dịch.
Hồ Quang