Tiêm mũi vắc xin tăng cường có thể giảm đến 800.000 ca nhập viện do Omicron ở châu Âu

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 23:20, 27/01/2022

Hôm 27.1.2022, cơ quan y tế công cộng của Liên minh châu Âu (EU) cho biết tiêm mũi vắc xin tăng cường có thể làm giảm 500.000 - 800.000 ca nhập viện trong tương lai ngay cả khi biến thể Omicron lan truyền với tốc độ chưa từng có.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho hay: “Việc sử dụng mũi vắc xin tăng cường hiện tại vào đầu tháng 1.2021 có thể giảm 500.000 - 800.000 người nhập viện do Omicron trong tương lai”.

Các số liệu bao gồm 27 quốc gia thuộc EU cùng với Na Uy, Iceland và Liechtenstein.

Hiện khoảng 70% dân số 450 triệu người của EU đã được tiêm vắc xin đầy đủ và một nửa trong số họ nhận mũi tăng cường.

ECDC cho biết: “Việc mở rộng chương trình vắc xin tăng cường cho tất cả cá nhân đã tiêm chủng trước đó có thể giảm thêm 300.000 - 500.000 người nhập viện nữa”.

Dù các ca nhiễm Omicron ở châu Âu đang gia tăng với tốc độ chưa từng có, nhiều quốc gia có thể đã ở một bước ngoặt, EU cho biết.

"Ở một số quốc gia thành viên, mức độ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất gần đây dường như đã đạt đến đỉnh, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc", Ủy viên y tế EU - Stella Kyriakides nói thêm.

tiem-mui-vac-xin-tang-cuong-co-the-giam-800000-ca-nhap-vien-do-omicron.jpg
Các ống tiêm chứa vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech được nhìn thấy tại trung tâm tiêm chủng ở thành phố Basel, Thụy Sĩ - Ảnh: Reuters

Hôm 21.1.2022, các bộ trưởng y tế của EU đã tổ chức cuộc họp video riêng để cố gắng tìm ra đường lối chung về liều vắc xin thứ tư, theo thông cáo báo chí do Pháp (Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU) đưa ra.

Trước đó, Cơ quan quản lý dược phẩm của EU (EMA) nói sẽ hợp lý nếu tiêm liều vắc xin thứ tư cho những người có hệ thống miễn dịch suy yếu nghiêm trọng, nhưng cần có thêm bằng chứng.

Các thành viên EU là Hungary và Đan Mạch đã quyết định triển khai tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ tư. Đan Mạch cho biết sẽ làm như vậy cho những người dễ bị tổn thương nhất, trong khi Hungary thông báo mọi người đều có thể nhận được mũi thứ tư sau khi tham khảo ý kiến ​​bác sĩ.

Hôm 22.1.2022, Giám đốc điều hành Pfizer - Albert Bourla cho biết tiêm vắc xin COVID-19 hàng năm sẽ thích hợp hơn tiêm nhắc lại thường xuyên để phòng chống đại dịch.

Vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNtech đã cho thấy có hiệu quả chống lại bệnh nặng và tử vong do biến thể Omicron gây ra nhưng ít hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa truyền nhiễm.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ N12 News của Israel, ông Albert Bourla được hỏi liệu có thấy viễn cảnh về việc tiêm vắc xin COVID-19 nhắc lại được thực hiện thường xuyên từ 4 đến 5 tháng một lần không.

Giám đốc điều hành Pfizer chia sẻ: "Đây sẽ không phải là một kịch bản tốt. Điều tôi hy vọng là chúng ta sẽ có một loại vắc xin mà bạn chỉ phải tiêm mỗi năm một lần. Điều này sẽ giúp việc thuyết phục người dân dễ dàng hơn. Người dân cũng dễ nhớ hơn.

Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, đó là một tình huống lý tưởng. Chúng tôi đang tìm cách xem liệu có thể tạo ra một loại vắc xin bao gồm cả Omicron và không quên các biến thể khác không. Đó có thể là một giải pháp”.

Albert Bourla cho biết hãng dược Pfizer (Mỹ) có thể sẵn sàng nộp đơn xin phê duyệt vắc xin được thiết kế lại để chống Omicron và sản xuất hàng loạt ngay sau tháng 3.2022.

Dù vậy, công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) cho biết, tùy thuộc vào lượng dữ liệu thử nghiệm lâm sàng mà các cơ quan quản lý yêu cầu, có thể họ và Pfizer không thực hiện được kế hoạch tung ra vắc xin đặc trị Omicron vào cuối tháng 3.2022.

"Các yêu cầu pháp lý đang được thảo luận với các cơ quan có liên quan. Việc đưa dữ liệu thử nghiệm lâm sàng vào hồ sơ quy định có thể ảnh hưởng đến việc phân phối các lô vắc xin nhắm đến Omicron ban đầu, dự kiến sẽ sẵn sàng vào cuối tháng 3.2022", một phát ngôn viên BioNTech nói với Reuters.

Ngày 21.1.2022, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết liều thứ ba của vắc xin mRNA là chìa khóa để chống lại Omicron, cung cấp 90% khả năng bảo vệ khỏi nhập viện.

Đây là những nghiên cứu đầu tiên ở Mỹ xem xét tác động của mũi vắc xin tăng cường với biến thể Omicron đang lây lan cực nhanh, hiện chiếm 99% tổng số ca COVID-19 mới tại nước này.

Nhìn chung, các nghiên cứu cho biết mũi vắc xin tăng cường giúp ngăn nhiễm SARS-CoV-2 và mắc bệnh có triệu chứng. Người lớn từ 50 tuổi trở lên được hưởng lợi nhiều nhất khi tiêm mũi vắc xin Pfizer/BioNTech hoặc mũi Moderna thứ ba.

Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky, cho biết trong cuộc họp ngắn tại Nhà Trắng: "Bảo vệ chống lại nhiễm vi rút và nhập viện do biến thể Omicron là cao nhất ở những người được tiêm mũi vắc xin tăng cường khi họ đủ điều kiện".

Như đã được chứng minh ở các quốc gia khác, mũi vắc xin tăng cường hoạt động tốt hơn trong việc chống lại biến thể Delta so với Omicron, một phiên bản đột biến cao của SARS-CoV-2 có khả năng tránh được khả năng miễn dịch từ vắc xin và khỏi COVID-19 trước đó.

EMA phê duyệt Paxlovid cho bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao

Hôm 27.1.2022, EMA đã phê duyệt Paxlovid, thuốc uống kháng vi rút của Pfizer, để điều trị người lớn có nguy cơ mắc COVID-19 nặng, khi khu vực này đang cố gắng tăng cường kho vũ khí của mình để chống lại biến thể Omicron.

Việc EMA xác nhận phê duyệt có điều kiện, nếu Ủy ban châu Âu tuân theo như thường lệ, cho phép các quốc gia thành viên EU triển khai Paxlovid sau khi cơ quan quản lý đưa ra hướng dẫn sử dụng khẩn cấp vào cuối năm ngoái.

Ý, Đức và Bỉ là một trong số ít các quốc gia EU đã mua Paxlovid.

tiem-mui-vac-xin-tang-cuong-co-the-giam-800000-ca-nhap-vien-do-omicron1.jpg
Paxlovid có hiệu quả 89% trong ngăn ngừa nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng

Vào tháng 12.2021, Mỹ phê duyệt sử dụng khẩn cấp Paxlovid và Molnupiravir của Merck.

Molnupiravir cũng đang được xem xét ở EU, nhưng mất nhiều thời gian hơn để phê duyệt vì Merck đã sửa đổi dữ liệu thử nghiệm vào tháng 11.2021 cho biết thuốc uống kháng vi rút này kém hiệu quả hơn đáng kể so với suy nghĩ trước đây.

Molnupiravir chỉ giúp giảm 30% nguy cơ nhập viện và tử vong trong cuộc thử nghiệm thay vì 50%.

Hai loại thuốc uống này, đặc biệt là Paxlovid, được coi là những lựa chọn điều trị COVID-19 đầy hứa hẹn, có thể dùng tại nhà khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng để giúp ngăn ngừa nhập viện và tử vong.

Paxlovid kết hợp một loại thuốc kháng vi rút mới có tên nirmatrelvir và một loại cũ hơn gọi là ritonavir (thuốc kháng retrovirus được dùng cùng các loại thuốc khác để điều trị HIV).

Theo dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng của Pfizer, Paxlovid có hiệu quả 89% trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng. Dữ liệu phòng thí nghiệm gần đây cho thấy Paxlovid vẫn giữ được hiệu quả chống lại biến thể Omicron.

Tuy nhiên, Paxlovid chỉ được thử nghiệm trên những người chưa được tiêm vắc xin, đặt ra câu hỏi về khả năng sử dụng nó ở những bệnh nhân có nguy cơ cao đã được tiêm phòng COVID-19. EMA đã không giới hạn sự chứng thực của Paxlovid với những người chưa tiêm vắc xin.

Đức đã đặt hàng 1 triệu liều Paxlovid vào cuối tháng 12.2021. Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach nói rằng ông dự kiến ​​cơ quan quản lý thuốc của nước này sẽ tiến hành phê duyệt sử dụng khẩn cấp Paxlovid trước cuối tháng 1.2022 và việc triển khai nó sẽ bắt đầu sau đó.

Ý sẽ nhận được 200.000 liều Paxlovid vào tháng 2.2022 và có tùy chọn mua thêm 400.000 liều.

Sơn Vân