6 nghiên cứu cho thấy molnupiravir có hoạt tính chống lại Omicron
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 21:28, 28/01/2022
Hôm 28.1.2022, hãng dược Merck & Co và đối tác Ridgeback Biotherapeutics nói 6 nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy molnupiravir có hoạt tính chống lại biến thể Omicron.
Dữ liệu đã đánh giá hoạt tính kháng vi rút của molnupiravir chống lại các biến thể SARS-CoV-2 đáng lo ngại. Molnupiravir vẫn chưa được nghiên cứu chống lại Omicron trong các nghiên cứu trên người, theo Merck & Co và Ridgeback Biotherapeutics.
Molnupiravir và Paxlovid, thuốc kháng vi rút của Pfizer, đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại Mỹ vào tháng 12.2021. Cả hai loại thuốc uống này được coi là công cụ quan trọng chống lại Omicron, có thể dùng tại nhà khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng để giúp ngăn ngừa nhập viện và tử vong.
Hồi tháng 12.2021, Pfizer nói dữ liệu phòng thí nghiệm cho thấy Paxlovid vẫn giữ được hiệu quả chống lại Omicron.
Đầu tháng 1.2022, Merck & Co cho biết molnupiravir có hoạt tính chống lại Omicron và bất kỳ biến thể nào khác.
Molnupiravir đã được phép sử dụng tại hơn 10 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, Anh và Nhật Bản.
Hôm 27.1.2022, EMA đã phê duyệt Paxlovid để điều trị người lớn có nguy cơ mắc COVID-19 nặng, khi khu vực này đang cố gắng tăng cường kho vũ khí của mình để chống lại biến thể Omicron.
Việc EMA xác nhận phê duyệt có điều kiện, nếu Ủy ban châu Âu tuân theo như thường lệ, cho phép các quốc gia thành viên EU triển khai Paxlovid sau khi cơ quan quản lý đưa ra hướng dẫn sử dụng khẩn cấp vào cuối năm ngoái.
Ý, Đức và Bỉ là một trong số ít các quốc gia EU đã mua Paxlovid.
Paxlovid có hiệu quả 89% trong ngăn ngừa nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng.
Molnupiravir cũng đang được xem xét ở EU, nhưng mất nhiều thời gian hơn để phê duyệt vì Merck & Co đã sửa đổi dữ liệu thử nghiệm vào tháng 11.2021 cho biết thuốc uống kháng vi rút này kém hiệu quả hơn đáng kể so với suy nghĩ trước đây.
Molnupiravir chỉ giúp giảm 30% nguy cơ nhập viện và tử vong trong cuộc thử nghiệm thay vì 50%.
Paxlovid kết hợp một loại thuốc kháng vi rút mới có tên nirmatrelvir và một loại cũ hơn gọi là ritonavir (thuốc kháng retrovirus được dùng cùng các loại thuốc khác để điều trị HIV).
Theo dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng của Pfizer, Paxlovid có hiệu quả 89% trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng. Dữ liệu phòng thí nghiệm gần đây cho thấy Paxlovid vẫn giữ được hiệu quả chống lại biến thể Omicron.
Tuy nhiên, Paxlovid chỉ được thử nghiệm trên những người chưa được tiêm vắc xin, đặt ra câu hỏi về khả năng sử dụng nó ở những bệnh nhân có nguy cơ cao đã được tiêm phòng COVID-19. EMA đã không giới hạn sự chứng thực của Paxlovid với những người chưa tiêm vắc xin.
Đức đã đặt hàng 1 triệu liều Paxlovid vào cuối tháng 12.2021. Bộ trưởng Y tế Đức - Karl Lauterbach nói rằng ông dự kiến cơ quan quản lý thuốc của nước này sẽ tiến hành phê duyệt sử dụng khẩn cấp Paxlovid trước cuối tháng 1.2022 và việc triển khai nó sẽ bắt đầu sau đó.
Ý sẽ nhận được 200.000 liều Paxlovid vào tháng 2.2022 và có tùy chọn mua thêm 400.000 liều.
Omicron đứng sau gần như tất cả mắc COVID-19 mới ở Ý
Hôm 28.1, Viện Y tế Quốc gia (ISS) cho biết Omicron chiếm 95,8% ca mắc COVID-19 mới ở Ý, theo cuộc khảo sát vào ngày 17.1.
Cuộc khảo sát trước đó từ ngày 3.1 cho thấy Omicron chiếm 81% ca mắc COVID-19 mới ở Ý.
ISS cho biết: "Tại Ý vào ngày 17.1, biến thể Omicron chiếm ưu thế, với tỷ lệ phổ biến ước tính là 95,8%, còn Delta là 4,2% trong số mẫu được xét nghiệm".
Phân tích dựa trên 2.486 mẫu xét nghiệm tại 124 phòng thí nghiệm, được thu thập ở tất cả 21 khu vực và tỉnh tự trị của Ý.
Trên toàn thế giới, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần này, biến thể Omicron chiếm 89,1% ca mắc COVID-19 mới, còn Delta chiếm 10,7%.
Là quốc gia phương Tây đầu tiên phải hứng chịu đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, Ý đã chứng kiến ca mắc COVID-19 giảm dần những ngày gần đây.
Bộ Y tế cho biết Ý đã ghi nhận 155.697 ca mắc COVID-19 hôm 27.1, giảm từ 167.206 vào ngày trước đó, trong khi số người chết giảm từ 426 xuống 389.
Số ca COVID-19 tăng cao, Bộ trưởng Y tế Đức nói vẫn kiểm soát được làn sóng dịch Omicron
Bộ trưởng Y tế Đức - Karl Lauterbach cho biết làn sóng dịch Omicron lây lan nhanh ở nước này "đang được kiểm soát tốt" và có thể xem xét dỡ bỏ một số hạn chế sau mức cao điểm vào cuối tháng 2 hay đầu tháng 3.
Hôm 28.1, Viện Robert Koch (RKI) của Đức về các bệnh truyền nhiễm đã báo cáo 190.148 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, so với 49.988 ca vào ngày này một tuần trước đó và 170 trường hợp tử vong, nâng số người chết lên 117.484.
"Tôi thường đọc và nghe các chính trị gia nói rằng Đức đã mất kiểm soát với đại dịch. Tuy nhiên, điều này không đúng. Chúng tôi đã chuẩn bị cho những con số lây nhiễm hiện có vào lúc này. Trên thực tế, con số đó thậm chí còn thấp hơn dự kiến", ông Karl Lauterbach nói tại cuộc họp báo.
Karl Lauterbach dự báo số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Đức có thể tăng lên 400.000 nhưng sau đó sẽ giảm trở lại. Ông nói thêm rằng việc bảo vệ những người lớn tuổi chưa tiêm vắc xin COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng nhất của Đức hiện nay.
Karl Lauterbach cho biết: “Đức có số lượng người lớn tuổi chưa tiêm vắc xin COVID-19 tương đối cao, nhiều gấp 4 lần Anh và gấp 3 lần Ý. Sẽ là sai lầm nếu dỡ bỏ các hạn chế với các khía cạnh của đời sống công cộng, nhưng điều này có thể xảy ra sau đỉnh điểm vào nửa cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 nếu làn sóng Omicron vẫn được kiểm soát, với một số ít trường hợp nghiêm trọng”.
Christian Karagiannidis, cố vấn chính phủ Đức, nói các đơn vị chăm sóc đặc biệt nước này hiện chỉ đón hơn 2.000 người là "có thể chấp nhận được".
Karl Lauterbach cũng cho biết quyết định của RKI rút ngắn thời gian hiệu lực của trạng thái "đã phục hồi sau khi mắc COVID-19" từ 6 tháng xuống 3 tháng là hợp lý vì khả năng miễn dịch của những người sau nhiễm Omicron chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.