Một số địa phương ra quy định chống dịch gây bức xúc cho người dân
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 22:22, 28/01/2022
Một số địa phương ra chính sách chống dịch gây bức xúc cho dân
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 28.1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đã trả lời câu hỏi của báo chí về việc nhiều địa phương ban hành các quy định phòng chống dịch gây khó cho người dân.
Ông Sơn cho biết, để đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết 128, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo các địa phương không được tự ý ban hành các quy định riêng, khi không được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền. Về nguyên tắc, các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
“Quan điểm của Chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân về quê đón Tết sau một năm rất vất vả. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần quán triệt trong các cuộc họp. Tinh thần chuyển trạng thái thích ứng an toàn với dịch bệnh nhưng không được chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt trong bối cảnh tỉ lệ tiêm vắc xin của Việt Nam rất cao. Tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên cơ bản là 100%, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt chống chỉ đinh”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, một số địa phương có tình trạng ban hành một số quyết định gây khó khăn, thậm chí là bức xúc cho người dân. Trước tình hình ấy, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Công điện 64 ngay trong đêm.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc quy định tổ chức các biện pháp y tế, cách ly, rồi vấn đề đi lại của người dân, vấn đề đón người dân về quê ăn Tết.
Đặc biệt, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân thì phải đảm bảo thống nhất trong công tác phòng chống dịch và yêu cầu các địa phương không được đặt ra những quy định về phòng chống dịch trái với hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như của Chính phủ, để gây những khó khăn không cần thiết cho người dân, nhất là trong dịp Tết cổ truyền, nhân dân về quê ăn Tết. Sau khi có công điện này, các địa phương đã chấn chỉnh kịp thời.
Nhiều chính sách đảm bảo an sinh dịp Tết
Về việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thị Hà cho biết Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 11, trong đó quán triệt các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và chăm lo đời sống cho người dân.
Ngoài ra, Chủ tịch nước đã ban hành quyết định về việc tặng quà cho người có công với cách mạng nhân dịp Tết. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành những chỉ thị về đảm bảo đón Tết 2022 vui tươi, an toàn, tiết kiệm. Đồng thời với đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc cũng ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Bộ LĐTB-XH cũng phối hợp với các địa phương tổ chức Tết Nguyên đán với phương châm vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Về chỉ đạo, có năm nội dung như vậy.
Về kết quả, thực hiện quyết định số 2408 của Chủ tịch nước, Bộ đã phối hợp với các địa phương, tổ chức trao quà cho 1.560 người có công và thân nhân liệt sĩ với số tiền 480,3 tỉ đồng; các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đến thăm người nghèo, công nhân, người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch, rồi trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở hầu hết các địa phương trên cả nước.
Bà Hà cũng cho biết đã thực hiện chi trả trợ cấp xã hội đầy đủ kịp thời cho khoảng 3,5 triệu người đang là đối tượng hưởng các chính sách này, với hơn 50.000 đối tượng ở các cơ sở bảo trợ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 123 và chúng ta đã xuất cấp trên 6.902 tấn gạo cứu đói Tết Nguyên đán và 2.975 tấn gạo cứu đói giáp hạt.
Ngoài ra, Bộ đã xây dựng kế hoạch phối hơp với các địa phương trong việc chăm lo cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội khác.
Đến thời điểm này, theo báo cáo nhanh của các địa phương, tổng kinh phí chăm lo cho các đối tượng chính sách, người lao động, người dân có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo từ nguồn Trung ương, nguồn địa phương và nguồn xã hội hóa lên tới gần 2.650 tỉ đồng. Về cơ bản, đến nay, gia đình chính sách, người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đều có Tết.
Nhu cầu vận tải không cao
Trả lời về việc đi lại trong dịp Tết, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết trước Tết hơn 1 tháng, Bộ GTVT đã ban hành các kế hoạch thông qua các quyết định, công điện hướng dẫn tất cả các đơn vị liên quan, các Sở GTVT địa phương, vận tải đường bộ, thủy nội địa, hàng hải, hãng hàng không, các cục, tổng cục triển khai công tác giao thông vận tải Tết, đảm bảo việc đi lại trước, trong và sau Tết.
Theo ông Đông, năm nay là năm đặc thù tiếp theo của năm 2020, đó là vừa vận tải nhưng đảm bảo kiểm soát dịch bệnh. Nguyên tắc quản lý dịch bệnh trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Y tế.
“Chúng tôi cũng nhấn mạnh trong kế hoạch và chỉ đạo là phải đảm bảo hạn chế ùn tắc giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo giao thông thông suốt trước, trong và sau Tết Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022”, ông Đông nêu.
Cũng theo ông Đông, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và siết chặt kỉ cương ở các bến xe, bến tàu, cảng hàng không để đảm bảo trật tự an ninh, an toàn hành khách, nhưng điều đặc biệt lưu lý là kiểm soát dịch trong điều kiện vận tải.
“Tất cả lịch chúng ta có thể thay đổi theo thời gian và theo hướng dẫn chung về kiểm soát dịch của Bộ Y tế, ví dụ như những ngày gần đây, kiểm soát của hàng không đã nới lỏng hơn rất nhiều để phục vụ tốt hơn cho người dân với điều kiện đã tiêm đầy đủ vắc xin… Ngay cả chuyện kết nối quốc tế chúng ta cũng có việc test nhanh, xem xét các trường hợp giảm thủ tục, hoặc điều chỉnh việc test đó, hạn chế ùn tắc cửa khẩu cảng hàng không”, ông Đông nói.
Một trong những yêu cầu nữa, theo ông Đông, ngày Tết đảm bảo trật tự an toàn giao thông là hết sức quan trọng. Từ đó, yêu cầu tất cả các cơ quan chức năng liên quan, thanh tra giao thông, các nhà chức trách, cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc kiểm tra, kiểm soát tình trạng này.
Đại diện Bộ GTVT cũng cho biết đối với vận tải đường bộ, năm nay giảm rất nhiều nhu cầu so với các năm, kể cả năm 2020; vận tải đường sắt cũng giảm, được 30-35% so với hằng năm. Hàng không mấy ngày gần đây có tăng trưởng lên, gây ùn cục bộ như ở Tân Sơn Nhất. So với năm 2019, khoảng 110.000 hành khách/ngày, năm 2021 đạt 90.000 hành khách/ngày. Năm nay cao điểm nhất, những ngày vừa rồi lên cao nhất là do nhu cầu đi lại, kiểm soát dịch của các địa phương, người dân đăng ký có đột phá nhưng chỉ đạt 70.000 hành khách/ngày.
“Như vậy nhu cầu vận tải tôi cho là không cao, phương tiện và việc đáp ứng nhu cầu vận tải không vấn đề gì”, ông Đông nói.