Giá vàng trong nước tăng mạnh ngược chiều với đà giảm của thế giới

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 09:20, 30/01/2022

Giá vàng ngày 30.1 lao dốc mạnh trên thị trường quốc tế, giảm tương đương 1,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó ở thị trường trong nước, nhu cầu vàng tăng mạnh sát Tết Nguyên đán kéo giá vàng SJC lên cao.

Giá vàng trong nước đóng cửa phiên giao dịch tuần được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết mua vào là 61,8 triệu đồng/lượng, bán ra là 62,5 triệu đồng/lượng; tăng 570.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch tuần trước (23.1). Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC đang là 700.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 61,75 - 62,5 triệu đồng/lượng. So đóng cửa phiên giao dịch tuần trước (23.1), giá vàng tại DOJI tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 700.000 đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giá mua - bán vàng tại DOJI là 750.000 đồng/lượng.

Tuy giá vàng tăng đến 700.000 đồng/lượng chỉ sau 1 tuần nhưng nhà đầu tư vẫn tiếp tục thua lỗ nặng. Cụ thể, nếu mua vàng của Tập đoàn DOJI vào phiên ngày 23.1 với giá 61,8 triệu đồng/lượng và bán ra vào phiên hôm nay với giá 61,75 triệu đồng/lượng, người mua lỗ 50.000 đồng/lượng. Trong khi đó, mức lỗ này tại Công ty VBĐQ Sài Gòn ở ngưỡng 130.000 đồng đối với mỗi lượng vàng.

gia-vang.jpeg
Giá vàng trong nước tăng mạnh ngược chiều với đà giảm của thế giới

Sở dĩ xảy ra tình trạng giá vàng tăng mạnh nhưng người mua vẫn lỗ là do mức chênh lệch mua vào - bán ra bị các đơn vị kinh doanh trong nước đẩy lên ngưỡng cao. Mức an toàn được một số chuyên gia về vàng tư vấn là dưới 300.000 đồng/lượng.

Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần ở mức 1.792,1 USD/ounce. Quy đổi với tỷ giá ngân hàng Vietcombank, vàng thế giới tương đương 49,2 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).

Hiện vàng miếng SJC đang tăng hơn thế giới ở mức kỷ lục là 13,4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên ngược với thị trường trong nước, vàng thế giới trong tháng đầu tiên năm 2022 đã sụt giảm gần 25 USD/ounce và rớt khỏi ngưỡng 1.800 USD/ounce.

Chỉ riêng trong tuần này, kim loại quý thế giới đã bốc hơi mạnh khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine ngày càng gia tăng. Tuy nhiên ngay sau đó, giá vàng lại lao dốc do đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ bật tăng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell báo hiệu việc gỡ bỏ các biện pháp hỗ trợ kinh tế thời đại dịch, với ngân hàng trung ương chuẩn bị cho đợt tăng lãi suất vào tháng 3.

Đồng thời các dữ liệu kinh tế của Mỹ khá lạc quan như dữ liệu sơ bộ cho thấy GDP quý 4/2021 của Mỹ tăng 6,9% so với kỳ vọng tăng 5,5% của các chuyên gia trong khi quý 3/2021 GDP của Mỹ đạt 2,3%...

Vì vậy, nhiều ý kiến hiện đã nghiêng về xu hướng tiếp tục đi xuống của vàng trong ngắn hạn. Cuộc khảo sát của Kitco News về xu hướng giá vàng trong tuần tới đã thu hút được 14 nhà phân tích trên Phố Wall tham gia. Kết quả có 4 người, tương đương 29% dự báo giá vàng sẽ tăng và 7 người, tương ứng 50% cho rằng giá vàng sụt giảm. Còn 3 người cuối cùng, tương ứng 21% nhận định giá vàng đi ngang.

Nhưng đa số nhà đầu tư cá nhân vẫn tin rằng kim loại quý sẽ đi lên. Cụ thể, cuộc khảo sát trực tuyến Main Street có 495 nhà đầu tư tham gia và kết quả có 270 người, tương ứng 55% vẫn cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần tới. Ngược lại, có 158 nhà đầu tư khác, chiếm 32% dự báo vàng đi xuống và 67 phiếu còn lại, chiếm 14% nhận định kim loại quý đi ngang...

Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.099 đồng/USD, giảm 22 đồng/USD so với cuối tuần trước. Giá USD ở các ngân hàng thương mại được giao dịch quanh 22.500 đồng/USD mua vào, 22.780 đồng/USD bán ra, tăng 20 đồng/USD so với cuối tuần trước.

Lam Thanh