Cúng tất niên tiễn năm cũ: Cúng sao cho đúng và bài văn khấn chuẩn

Văn hóa - Ngày đăng : 13:45, 30/01/2022

Lễ cúng tất niên là phong tục lâu đời và mang đậm nét đẹp văn hóa, bản sắc truyền thống của người Việt Nam với ý nghĩa hoàn tất năm cũ và chào đón năm mới.

Vì sao phải cúng tất niên?

Lễ cúng tất niên cuối năm là nét đẹp văn hóa bao đời nay trong đời sống tâm linh người Việt, thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn của những người đang sống tới các vị tổ tiên, thần linh. Đây là dịp để con cháu tưởng nhớ và cảm tạ tổ tiên, các vị thần linh đã phù hộ một năm bình an vô sự.

Lễ cúng tất niên là dịp các gia đình báo cáo lên bề trên những gì được mất trong năm, những gì chưa làm được và mong muốn năm sau sẽ hoàn thành tốt. Đây cũng là lúc để gia đình và người thân đoàn tụ sau những tháng ngày lặn lội mưu sinh, tạm thời gác lại những áp lực, cùng nhau tận hưởng không khí đoàn viên ấm áp.

Thường thì lễ cúng tất niên được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm tính theo lịch âm (tức là ngày 30 tháng 12 âm lịch, còn được gọi là ngày 30 Tết, một số năm thiếu thì sẽ được tổ chức vào ngày 29 Tết).

Vào thời điểm chiều 30 Tết, mọi công việc trong năm cũ đều kết thúc, nhà cửa được trang hoàng sạch sẽ và mọi người đều kịp trở về nhà. Mọi thứ dường như đầy đủ và hoàn hảo nhất để chuẩn bị trình diện và làm cơm cúng.

Tuy nhiên, một số gia đình tổ chức cúng tất niên sớm hơn, có thể là ngày 25, 26, 27 hoặc 28 tháng Chạp. Nhìn chung, thời gian tốt nhất để cúng tất niên vẫn là 2 ngày cuối cùng của năm cũ. Riêng năm 2021 không có ngày 30 âm lịch nên có thể cúng muộn nhất vào ngày 29 Tết.

Bên cạnh ý nghĩa gia đình đoàn tụ, bữa cơm tất niên còn là nghi thức tiễn biệt năm cũ, sửa soạn đón năm mới. Sau bữa cơm tất niên, mọi người chuẩn bị cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón mừng năm mới.

mamcungtatnien.jpg
Mâm cúng tất niên thường có trái cây, bánh chưng (hoặc bánh tét), chả giò, canh... - Ảnh: Internet

Mâm cúng tất niên gồm có những gì?

Để cúng tất niên, các gia đình cần chuẩn bị mâm cơm thật tươm tất để dâng lên tổ tiên và những người đã khuất trong gia đình. Sau khi hạ lễ, mọi người trong gia đình sum vầy bên mâm cơm.

Mâm lễ cúng tất niên tùy thuộc theo vùng miền, mỗi nơi sẽ khác nhau và tùy thuộc vào điều kiện gia đình mà chuẩn bị. Thế nhưng, một số vật phẩm cơ bản phải có khi cúng theo phong tục của người Việt đó là: mâm ngũ quả, hoa, vàng mã, trầu cau, rượu, bánh chưng... Các món ăn trong ngày tết sẽ được bầy biện trang nghiêm trên bàn thờ.

Mâm cơm cúng tất niên miền Bắc

Mâm cơm cúng tất niên của người dân miền Bắc thường gồm các món ăn quen thuộc như: canh móng giò hầm măng, xôi và bánh chưng, chả giò hoặc chả lụa, gà trống luộc nguyên con (hoặc sử dụng thịt heo luộc), miến nấu lòng gà. Ngoài ra, cũng có thể có thêm như dưa hành muối, nộm (gỏi) và thịt đông…

Mâm cúng tất niên miền Trung

Khác với miền Bắc, mâm cơm cúng tất niên của người dân miền Trung thường có các món ăn như: giò lụa Huế, miến Huế, gà bóp rau răm, măng khô ninh, thịt heo luộc, ram rán. Ngoài ra, tùy theo từng khu vực hoặc các gia đình mà mâm cúng có thể thay đổi hoặc thêm các món ăn khác cho phù hợp.

Mâm cơm cúng tất niên của miền Nam

Mâm cơm cúng tất niên của người dân miền Nam thường có các món ăn đặc trưng như: bánh tét, củ cải ngâm nước mắm, thịt heo luộc, gỏi tôm thịt, giò chả, canh măng nấu xương, canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu (thịt heo kho hột vịt).

Bên cạnh đó, các gia đình có thể thêm bớt các món ăn sao cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện gia đình mình. Ngoài ra, có một số gia đình ăn chay hoặc làm mâm cúng chay sẽ bao gồm các món làm từ rau củ quả và xôi nếp.

Bài văn khấn cúng tất niên

Một bài văn khấn cúng tất niên được chuẩn bị kỹ lưỡng, tôn nghiêm sẽ thể hiện được tấm lòng thành kính, cầu mong một năm mới lại đến được bình an vô sự, mọi việc tốt lành.

vankhan.jpg
Một bài văn khấn được chuẩn bị kỹ lưỡng, tôn nghiêm cũng thể hiện sự thành kính đến việc thờ cúng - Ảnh: Internet

Sau đây là bài văn khấn cúng Tất niên chuẩn được trích từ sách Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa - Thông tin)

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)

- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

- Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần.

- Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương.

- Con kính lạy ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa tôn thần.

- Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, Bản gia Táo quân, cùng tất cả các vị thần linh cai quản trong xứ này.

- Con kính lạy chư gia Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Tiên linh nội ngoại họ...

Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm...

Tín chủ (chúng) con là: ...

Ngụ tại...

Trước án kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới.

Chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên Địa tôn thần, phụng hiến tổ tiên, truy niệm chư linh.

Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án tọa, phủ thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng, bách sự như ý, vạn sự tốt lành, luôn luôn mạnh khỏe, gia đình hòa thuận.

Thành tâm bái thỉnh, cúi xin chư vị tôn thần và gia tiên nội ngoại chứng giám phù hộ độ trì.

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy).

Minh An