Chia Tết với người nông dân

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 19:18, 31/01/2022

Mỗi giờ đi qua, người bán như ngồi lên lửa. Trái cây có thể chở về chứ hoa đa phần bỏ lại.

Dù tiến trình công nghiệp hóa đạt nhiều thành tựu, Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp với hơn 65% dân số sống ở nông thôn. Từ bao đời nay, nông dân luôn là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng phân hóa. Quanh năm dãi nắng dầm mưa với điệp khúc “Được mùa, mất giá” và bị thương lái, nhất là thương lái nước ngoài ép tơi tả, bốn mùa kêu gọi “giải cứu”.

Hơn hai tháng nay, nông dân càng lao đao vì nông sản dồn ứ, tắc nghẽn ở các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc. Ùn tắc cửa khẩu vì đủ thứ lý do là chuyện xưa như trái đất, chỉ là ít trầm trọng hơn. Lấy cớ dịch bệnh phải kiểm soát, làm khó dễ hàng Việt nhưng hàng Thái Lan, Campuchia, Lào vẫn vào Trung Quốc thoải mái.

nguoibandaphoa.jpg
Cảnh người bán hoa đập bỏ những chậu cây trước đêm giao thừa - Ảnh: Internet

Trước Tết, nông sản đổ bộ vỉa hè cả nước, giá bán rẻ hơn bèo. Thanh long ruột đỏ có lúc còn 10.000 đồng 3 ký. Gần Tết, ngoài nông sản, chủ yếu là trái cây còn có “Kính thưa các loại hoa”, rực rỡ sắc màu gọi tết. Giống ngành du lịch, Tết là mùa cao điểm, thu nhập chính cả năm của người trồng hoa. Tết thứ 3 bị đại dịch càn quét, du lịch đứng hình,

Các doanh nghiệp lữ hành cố khởi nhưng chưa động mạnh, chỉ mới cựa mình. Tết thứ 3 sống chung với dịch, kinh tế kiệt quệ, người dân đón Tết ngày càng đơn giản nhưng không thể thiếu hoa và trái cây. Chiều 27 tháng Chạp, ship hàng một vòng Sài Gòn, thấy phố phường tràn hoa, phơi phới sắc màu của Tết.

Điều đáng lo là đa phần các điểm bán hoa đều vắng. Hoa vẫn thắm nhưng có vẻ hơi buồn như “giai nhân chờ lãng tử”. Các báo đều đưa tin về việc này. Có báo còn cho rằng người bán và người mua hoa đang thử thách nhau. Người bán chờ được giá tối thiểu. Người mua đợi được giá tối đa. Mỗi giờ đi qua, người bán như ngồi lên lửa. Trái cây có thể chở về chứ hoa đa phần bỏ lại.

Đã vậy, Sài Gòn còn tràn lan hoa giả. Từ các cửa hàng bán “nông sản sạch, trồng tự nhiên” đến các nhà văn hóa. Có cả dịch vụ cho thuê hoa giả chưng tết như mấy cổng chào đám cưới. Làm vậy thì hoa thật bán cho ai? Chưa kể tạo tâm lý giả. Việt Nam nhiều thứ giả lắm rồi, tha cho hoa được không? Hoa giả không có lỗi nhưng cần chừng mực, giống như thẩm mỹ.

Năm 2017, tôi về Đồng Tháp làm tư vấn du lịch, đi khảo sát làng hoa kiểng Sa Đéc và vùng phụ cận. Báo cáo kết quả với Hội đồng Nhân dân thành phố, tôi xin phép nói thẳng kiểu Nam bộ “Sa Đéc chưa thể làm du lịch. Đơn giản vì tự hào là thủ phủ hoa với hơn 600ha và 2.000 loài nhưng trong hội trường UBND thành phố toàn hoa giả”. Nghe vậy, chủ tịch thành phố Sa Đéc “lệnh”: “Bắt đầu từ ngày mai, các cơ quan trong thành phố phải thay hoa thật”.

Bàn thờ lãnh tụ, tổ tiên mà chưng hoa giả thì lạnh lắm. Hoa thật phải thay nước, chăm chút mỗi ngày. Hoa giả thì năm ba tháng, có khi nửa năm mới “giặt” một lần. Việc nhỏ, rất nhỏ nhưng thể hiện chân thực tình cảm. Không ai tặng hoa giả cho người yêu và người mình kính trọng nhưng lại vô tư chưng hoa giả trên bàn thờ.

Năm nào cũng lo và buồn vì nhiều nông dân không có Tết do nông sản “dội chợ”. Năm nay, càng lo hơn. Đằng sau những châu hoa rực rỡ, những trái cây thơm ngon là biết bao mồ hôi nước mắt của nông dân. Năm nay, gần như ai cũng khó, chỉ khác là khó ít hay nhiều. Người khó ít chung tay với người khó nhiều, chia tết với nông dân bằng cách mua thêm một ít trái cây và hoa.

giaothua.jpg
Làm sao để hoa không bị đổ bỏ - Ảnh: Thanh Niên

Thay vì đổ bỏ, nhà nước và các mạnh thường quân có thể hỗ trợ, giúp nông dân cắt lỗ, thu mua hoa và giờ cuối. Có thể chưng ở các cơ quan, văn phòng và cả khu phố hoặc tặng cho các bệnh viện, người nghèo. Một công đôi việc, vừa giúp người bán và thêm niềm vui cho người được nhận. Trái cây cũng vậy.

Bạn đọc rất phấn khởi vì nhiều địa phương đã kịp thời chủ động ngưng bắn pháo hoa, dừng các lễ hội để tiết kiệm và tập trung phòng chống dịch, chia sẻ với người khó khăn, mang Tết An Vui đến với mọi nhà. Mong sao mọi người chung tay góp sức với nhà nước và mạnh thường quân, để hoa và trái cây không bị đổ bỏ trước Giao thừa.

Đó là việc làm thiết thực, chia Tết với nông dân.

Nguyễn Văn Mỹ