Trác Thúy Miêu: Đại dịch là thảm họa, nhưng với nghệ sĩ là kho tàng chất liệu
Văn hóa - Ngày đăng : 13:50, 01/02/2022
Trác Thúy Miêu (TTM) là một nhân tố khá đặc biệt của showbiz Việt. Chị từng là một nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp. Bỗng một hôm, chị xuất hiện trong làng báo Sài Gòn với một ngôn phong rất đặc thù, dù luôn tự nhận mình là người có trình độ học vấn… thấp. Rồi Miêu dấn thân sang lĩnh vực MC và diễn viên. Trong vai trò này, Miêu gây ấn tượng mạnh bởi khả năng ngôn ngữ vô cùng phong phú cùng kỹ năng biểu đạt rất cá tính. Cuối cùng, Miêu trở thành bà bầu gánh thoại kịch Phụng Hoàng Ban để thỏa khát khao khám phá “thánh đường” sân khấu.
Sân khấu kịch tại đất Sài Gòn vốn dĩ rất khó khăn, mà lối đi của Phụng Hoàng Ban của TTM càng là một con đường độc đạo và hoang sơ, nên hành trình chị đi càng nhiều chông gai. Có lúc, chị mỏi mệt và mất phương hướng nhưng sau cùng chị gượng dậy và tiếp tục bước tới mà không biết phía chân trời kia sẽ là gì. Trác Thúy Miêu đã có buổi trò chuyện với chúng tôi vào một trong những ngày cuối của một năm vô cùng biến động.
PV: Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc 2021 đợt 2 đã kết thúc tại Sài Gòn. Là một bà bầu kiêm nghệ sĩ thoại kịch có hướng đi kiểu độc đạo hơi khác người, liệu chị có quan tâm đến sự kiện này không?
TTM: Sự kiện Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc 2021 đã là một sự kiện “mở đường” cho việc hàng loạt các sân khấu tại thành phố được hoạt động trở lại sau 2 năm liên tiếp nhiều biến cố, do vậy mà không chỉ thu hút sự quan tâm ở góc độ chuyên môn mà còn là niềm tỏ mở của người làm nghệ thuật, bất luận trường phái hay quy mô.
Bên cạnh đó, khi mà các đơn vị đều đang cùng trong một hoàn cảnh đặc biệt với những khó khăn mới của “bình thường mới” đây là cuộc thử thách bản lĩnh xoay sở của công tác sản xuất, thứ ít khi được nhìn thấy và đánh giá đúng tầm ở các mùa liên hoan khác. Thời gian chuẩn bị gấp rút, phần lớn diễn viên trẻ chưa quay trở lại Sài Gòn sau giãn cách, liên tiếp các nhân sự, diễn viên mắc F0 buộc nhà sản xuất phải nhiều lần tìm người thế vai, lại gấp rút vỡ hoang lại từ đầu,… Sự có mặt của đồng nghiệp trong khán phòng cũng là một lời động viên cần có cho nhau lúc này.
Cuối cùng, với cá nhân tôi, đây là một dịp hiếm hoi nhận định thực tế chung về toàn cảnh hoạt động sân khấu tại thành phố, cho riêng mình những đánh giá phân tầng về từng mảng hoạt động của bức tranh chung. Trên hết, tính “liên hoan” trong sự kiện chính là cơ hội được ngồi coi các thầy cô, anh chị em đồng nghiệp “vỡ tuồng” cho bản thân được học, vì trong hoạt động bình thường quanh năm, không mấy khi người làm nghề liên tiếp đi xem tác phẩm của các sân khấu khác. Hiểu về sở trường, sở đoản, đặt bản thân vào tình huống dàn dựng, là những thứ bên cạnh tư cách khán giả, mỗi nghệ sĩ tham dự liên hoan ở tư cách khán giả đều có thể “thu lợi” về cho mình.
Tuy không phải là không có, nhưng bản thân tôi vẫn ao ước được nhìn thấy sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật và các đơn vị đào tạo xã hội hóa có mặt trong khán phòng đông đảo hơn, hoặc sự kiện liên hoan có thể được coi là một hoạt động ngoại khóa quan trọng của các sinh viên ngành văn hóa nghệ thuật, bên cạnh sự có mặt thưởng lãm của đại đồng công chúng.
- Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 ở đỉnh điểm, sân khấu bị đóng cửa, Phụng Hoàng Ban của chị đã diễn kịch online. Theo chị, đây là cách thích ứng với hoàn cảnh để người nghệ sĩ vẫn được sống với đam mê, hay là một thử nghiệm cho một lối đi mới đầy hứa hẹn?
Các chỉ thị về giãn cách, những đợt “chảy máu nhân sự” khi hàng loạt nhân viên, diễn viên trở về quê đã tạo nên sự khủng hoảng tinh thần cho các nghệ sĩ đã quen với nhịp sống sân khấu. Các dữ liệu về việc tận dụng thời kỳ giãn cách để làm việc trên bản thảo đã không xảy ra như vậy. Tâm lý hoang mang chung của xã hội và những mối quan tâm tới sự sinh tồn của bản thân đã đẩy hệ giá trị xuống tầng cơ bản nhất, đặc biệt vô cùng khó thích ứng với người nghệ sĩ.
Bản thân là người luôn dè dặt với các tiện nghi công nghệ, nhưng nếu bị dồn tới cùng đường, sự vận động xoay sở là giải pháp tinh thần hữu hiệu nhất, trước khi nó phát triển thành trào lưu hay trường phái chuyên môn.
Sự quyến luyến, đôi khi “cố chấp” của tư duy sân khấu với ngoại thể vật chất là nhà hát là một khái niệm khá lãng mạn của nghệ sĩ, đặc biệt diễn viên sân khấu. Thời kỳ giãn cách đã đặt ra một tình huống mới hoàn toàn cho câu hỏi tự vấn về nghệ thuật bên ngoài thánh đường, về sân khấu – phi – sân khấu. Chắc chắn đây không phải là lần đầu tiên nhân loại tự đặt ra câu hỏi này cho mình về môi trường nghệ thuật.
Nếu quay trở ngược về thời kỳ khẩn hoang của văn nghệ Nam Bộ, nếu một môn nghệ thuật bác học như hát bội có thể rời chiếc nôi vương giả của kinh đô Huế mà xuôi theo đường thủy xuống Nam, dựa trên địa thế sông ngòi kênh rạch mà hình thành những gánh hát ghe bầu độc đáo đầu tiên, thì ắt hẳn chân dung đại cuộc văn hóa Đàng Trong đã rất khác.
Tính sáng tạo của nghệ sĩ chính là tiềm năng xoay sở và ứng phó với bất kỳ điều kiện tối thiểu nào. Môi trường nền tảng hoàn toàn không có những thi vị mang tính cảm xúc quen thuộc, các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam được thiết lập cấp kỳ để đáp ứng nhu cầu, nên còn lúng túng trong kiểm soát. Tiếp nối các hình thức họp, hội thảo online, đó là những chương trình ca nhạc online.
Với Phụng Hoàng Ban, cùng định dạng kịch bản thiên về kịch ý niệm, tình cờ môi trường nền tảng sẽ có những lợi thế bất ngờ để hiện thực hóa tính phi thực tế của kịch bản, điều mà kỹ thuật hậu đài tại các sân khấu nội địa chưa thể đáp ứng được. Một nhân vật đối thoại với chính hình ảnh của mình, hay một cú “one shot” được áp dụng trên kỹ thuật biểu diễn sân khấu,… là những thứ có thể thực hiện được. Nhiệm vụ của chúng tôi là phân định thật rõ lằn ranh giữa điện ảnh và sân khấu bằng kỹ thuật biểu diễn và trường phái kịch bản.
Không vừa lòng với việc bưng bê các kịch bản viết riêng cho sân khấu lên nền tảng mới, Phụng Hoàng Ban đã dàn dựng riêng các buổi diễn được thiết kế theo các ưu thế lẫn bất lợi của nền tảng kỹ thuật số.
Đại dịch là một thảm họa, nhưng với người nghệ sĩ, đây cũng là một kho tàng chất liệu vô cùng quý báu về tâm lý xã hội, mà tính thời sự, những cảm xúc xã hội đang được đẩy tới cực đoan của tích cực và tiêu cực đã là chất liệu hoàn hảo, câu chuyện còn lại là khả năng kiểm soát về kỹ thuật sản xuất.
Thất thu trong 2 năm, cá nhân tôi không thể mạnh tay đầu tư cho ê kíp sản xuất, hoàn toàn bao gồm chính các diễn viên trong gánh. Như phần lớn các diễn viên trẻ mới tốt nghiệp, các bạn hầu như đều phải có thêm các kỹ năng về sản xuất để làm nghề. Không chỉ tận dụng tối đa nhân sự “nhà trồng được”, mà toàn bộ thiết bị đã được tận dụng từ những gì sẵn có. Hai tác phẩm theo thể thức định dạng trực tuyến đều được thực hiện bằng điện thoại cá nhân, ê kíp điều phối, monitor đều bằng laptop, cảnh trí và ánh sáng được đạo diễn điều động, sắp đặt từ xa qua nền tảng zoom, tại nhà riêng của từng diễn viên.
Chúng tôi đã có những vở kịch mà các diễn viên đang cùng lúc ngồi tại những tỉnh thành khác nhau, thậm chí có người đang diễn từ phòng cách ly. Hai kịch bản Đêm hôn mê và Đừng giết hoa hồng đều mang tính thời sự với bối cảnh đại dịch, về tâm tình người Sài Gòn và những xung đột tâm lý của chính người nghệ sĩ khi bị tách rời khỏi khán giả, khỏi nhà hát, khỏi môi trường quen thuộc của mình với tư tưởng xuyên suốt khẳng định về sự tồn tại nghiễm nhiên của nghệ thuật, trước khi có rạp hát, và sẽ vẫn nghiễm nhiên tồn tại bên ngoài rạp hát, như sự hiện diện của thiên nhiên, trước và sau loài người.
Cho tới buổi diễn sau cùng, Đừng giết hoa hồng với dạng thức ý niệm đã hoàn tất kiểm soát kỹ thuật lên tới 80% buổi diễn live hoàn toàn và khán giả vẫn ngỡ rằng đang xem một buổi streaming (có quay và dựng trước phát sóng). Trên thực tế, các diễn viên và máy quay bằng điện thoại đã trực chiến xuyên suốt, bao gồm cả việc thay phục trang và hóa thân ngay khi đang phát sóng buổi diễn.
Không thể nói gì về hiệu quả kinh tế, vì để khán giả làm quen với việc trả tiền cho một tác phẩm, hay một sản phẩm giải trí trực tuyến hiện vẫn là một điều chưa phổ biến ở Việt Nam. Nhưng đây là một giải pháp để Phụng Hoàng Ban tiếp cận khán giả Việt Nam tại hải ngoại, một lối đi mới cho các kịch bản mang nội dụng đặc thù về văn hóa bản địa, vốn xưa nay chỉ dành cho khán giả tại thành phố thưởng lãm.
- Phụng Hoàng Ban nhấn sâu vào kịch ý niệm. Xin chị cho biết kịch ý niệm là gì?
Nếu dựa trên tra cứu và phân định thuật ngữ, rất dễ hiểu lầm về tính châm biếm, trào phúng đặc hữu của các tác phẩm cùng trường phái từ soạn giả cha đẻ của kịch ý niệm là Bernard Shaw. Phụng Hoàng Ban không chọn thể thức trào lộng vốn không phải là sở trường, nhưng các kịch bản đều đề cao tính biểu trưng của từng nhân vật, biến cố, thoại từ,… Những lớp nghĩa, tư tưởng mà khán giả đa tầng có thể nhìn ngắm, cảm thụ theo nhu cầu cảm xúc khác nhau. Cốt truyện trở thành cái cớ cho những va chạm tư tưởng diễn ra không chỉ trên sân khấu, mà trong tư duy khán giả.
Không hề xa lạ tại phương Tây với sự hình thành từ nửa đầu thế kỷ trước, kịch ý niệm đã được nghênh đón như sự tiếp nhận phóng khoáng về đối thoại tư duy thông qua nghệ thuật sân khấu. Trí tưởng tượng trong sáng tạo cùng với trăn trở thực tiễn mang tính thời cuộc được hiệp nhất qua kỹ thuật biểu diễn, đặc biệt, khi đưa vào chủ nghĩa “cách ly tâm lí” của Bertolt Brecht sẽ giúp khai phóng tư duy của chính cá nhân diễn viên, và đặt khán giả vào một sự khoáng hoạt, không áp đặt về cảm thụ.
Dựa trên cảm xúc, tâm tình của chính các thành viên Phụng Hoàng Ban, những điều kiện vật chất kỹ thuật đặc thù, đặc biệt bản thân các bạn diễn viên trẻ mới tốt nghiệp, hay chính cá nhân tôi là người không kinh qua đào tạo bài bản, việc chọn theo trường phái “phi-Aristote” sẽ khiến Phụng Hoàng Ban là một vùng trời khai phá riêng biệt, cũng là một dịp “đổi món” cho khán giả của thị trường giải trí đã sẵn rất phong phú của tổng quan sân khấu thành phố.
Chọn con đường riêng, hẳn nhiên, cũng là những hòn đá, ổ gà, và ngã rẽ rất riêng. Tên gọi kịch ý niệm chỉ là một cách giảng giải nôm na, bên cạnh việc vận dụng vào thực tiễn các trường phái thể hiện khác, chung quy chỉ là một công đoạn trên kịch bản. Tác phẩm trên sân khấu vẫn phải đi qua các quy trình chuyển hóa cho gần gũi với thị hiếu thưởng thức của khoanh vùng khán giả trọng tâm của Phụng Hoàng Ban xưa nay.
Thể thức ý niệm vẫn đang được áp dụng cho các kịch bản dựng riêng cho nền tảng online, trong khi cùng lúc, cho các vở dựng trên sân khấu, Phụng Hoàng vẫn duy trì thể thức kịch dài, các đề tài lấy cảm hứng từ văn chương và lối sống, tâm tình đặc thù của người dân thành phố, cùng với các kịch dài theo hơi hướm diễm tình của tuồng tâm lý xã hội theo phong cách “hương xưa”, gợi nhớ không khí văn nghệ sân khấu của thành phố vào những thập niên trước.
- Các kịch bản của chị, dù được trình diễn sân khấu, nhưng có tính điện ảnh rất đậm nét. Một lúc nào đó, Trác Thúy Miêu sẽ dấn thân vào lĩnh vực biên kịch điện ảnh chứ?
- Cho tới thời điểm này, dù rất lấy làm thú vị với điện ảnh, nhưng bản thân tôi vẫn chưa tìm thấy động lực và tình yêu đủ với lãnh địa này, ngoài tư cách khán giả.
Còn về tính cinematic trong kịch bản, có lẽ tôi không phải là trường hợp duy nhất. Các biên kịch và đạo diễn trẻ tại Việt Nam hầu như nguồn ảnh hưởng tham khảo luôn dồi dào hơn với điện ảnh thế giới, chứ không phải là kịch nghệ thế giới. Đó chính là giới hạn của sân khấu – tính lan tỏa. Do đó, dấu vết ảnh hưởng của tính điện ảnh trong thủ pháp biên kịch hoặc dàn dựng, có thể dễ dàng hiểu được. Không phải sinh viên nào cũng có thể mua vé thưởng lãm trực tiếp các tiến bộ về kịch thuật thế giới, trong khi chỉ cần một số tiền nhỏ, thì các nền tảng như Netflix đã sẵn sàng phục vụ bất kì gu thưởng thức nào với những tác phẩm từ kinh điển đến mới sản xuất, trên đỉnh trào lưu.
Trong bối cảnh đó, người làm kịch sân khấu dường như cô độc và bị ngăn trở hơn bao giờ hết.
Đó cũng rất có thể là lý do tôi vẫn chọn đứng về phía thiệt thòi.
Chị là một dạng thần tượng đứng giữa yêu cực đoan và ghét cực đoan. Cảm giác này có dễ chịu không?
- Không. Nhưng chấp nhận được.
Đến giờ chị vẫn móc tiền túi ra nuôi dưỡng Phụng Hoàng Ban. Tình hình sân khấu thoại kịch tại đất Sài Gòn ngày càng bấp bênh, chị phác họa kịch bản nào cho Phụng Hoàng Ban trong tương lai?
- Tôi không lãng mạn và cũng không thực tế tới mức phác họa bất kỳ kịch bản tương lai nào. Mọi sự trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, tôi lao theo một cách hào hứng và để trái tim dẫn dắt, nuôi dưỡng sự tò mò, và cả sự ngu ngốc.
Có lẽ tôi sống đủ lâu để tin rằng chưa có kịch bản nào hay và chặt chẽ hơn kịch bản của số phận. Mọi biến cố đều có ý nghĩa, các khó khăn xảy ra vì nó cần xảy ra, và do đó ngay cả các phần thưởng cũng chẳng có gì là bất ngờ cả.
Bất luận đường bay Phụng Hoàng Ban sắp tới sẽ dẫn đến điều gì, việc của tôi là cố gắng để bảo đảm rằng trước khi tới đó, chúng tôi vẫn có cùng nhau những đường bay tuyệt đẹp hết sức của mình. Sau đó thì tất cả mọi việc tiếp theo đều là hợp lí.
- Năm 2022, kế hoạch cụ thể của chị là gì?
Một câu hỏi không mấy nhà hoạch định dám trả lời trước. Năm 2021 đầy rẫy bất ngờ và ở vào thế hầu như hoàn toàn bị động, Phụng Hoàng Ban vẫn cùng đạo diễn Lê Hoàng Giang đã cho ra đời 4 kịch bản hoàn chỉnh, mục tiêu là chuyển thể sân khấu một vở theo thể loại ý niệm ở định dạng online, một kịch dài thể loại diễm tình đang đi vào công đoạn cuối của bản thảo và hi vọng mở màn công diễn vào đầu hè 2022, cùng lúc, tham vọng chuyển thể cải lương cũng rất có thể được đưa vào cân nhắc cho thể loại ý niệm với sự tương thích về tính tự sự trong bút pháp. Bên cạnh đó, năm nào cũng vậy, sẽ luôn có một vở diễn được thiết kế đặc biệt cho đêm giỗ Tổ nghề sân khấu Năm ngoái, chúng tôi đã rất hài lòng về buổi lễ trang trọng kết nối các diễn viên với khán giả ngay vào cao điểm giãn cách xã hội, chắc chắn, nhang đèn bàn thờ Tổ nghề sân khấu sẽ không thể để bị nguội lạnh trong năm nay, dưới bất kì tình huống nào.
- Ngày tết, Trác Thuý Miêu - một người yêu Sài Gòn, thường hay làm gì?
Câu trả lời đã nằm trong câu hỏi. Hơi đáng tiếc rằng để ưu tiên cho anh em diễn viên về quê thăm gia đình sau một năm quá nhiều đau buồn, biến cố, và nguồn lực bị tán mỏng khi các thành viên tập trung cho các sân khấu khác tham dự liên hoan, việc tập luyện cho mùa kịch Tết là không thể. Bản thân tôi vẫn khá dè dặt với việc tập trung đông người trong dịp Tết nên Tết của Phụng Hoàng Ban sẽ chính thức khai xuân vào đêm trước Lễ Tình Nhân năm nay với kịch bản Mộng Hào Hoa có nhiều cải biến.
- Chị sẽ gửi đến khán giả lời chúc gì nhân dịp đầu năm?
Bình tĩnh sống.
- Chúc chị luôn mạnh mẽ và bình an!