PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Áp lực tăng lạm phát 2022 là có thực, nhưng không quá lo ngại

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:51, 01/02/2022

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng áp lực tăng cao của lạm phát trong năm 2022 so với năm 2021 là có thực, nhưng không quá lo ngại.

Nhập khẩu lạm phát

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với bình quân năm 2020. Đây là chỉ số CPI thấp nhất trong 6 năm qua kể từ khi tính CPI theo phương pháp mới. Áp lực lạm phát năm 2022 với nền kinh tế có khả năng gia tăng, cần có các biện pháp quản lý phù hợp.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), năm 2022 mặc dù tình hình đại dịch COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp mới từ biến chủng mới Omicron, nền kinh tế thế giới sẽ từng bước phục hồi; nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, về vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Hơn nữa, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới trong thời gian dài vừa qua đã sử dụng các gói hỗ trợ tài khóa hơn 10.400 tỉ USD để kích thích kinh tế hồi phục và phát triển. Điều này sẽ làm giá trị đồng tiền của hầu hết các quốc gia giảm giá. Đó cũng là nhân tố thúc đẩy lạm phát trên thế giới tăng cao.

“Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới cho nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn”, ông Thịnh nói.

PGS-TS Thịnh cho rằng áp lực tăng cao của lạm phát trong năm 2022 so với năm 2021 là có thực, nhưng mức độ tăng của lạm phát năm 2022 không quá lo ngại.

Cụ thể, do việc phòng chống và kiểm soát tốt dịch bệnh, ý thức phòng chống dịch của người dân và toàn xã hội tăng cao, nền sản xuất đã có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong quý 4/2021, nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, về lao động tăng lên.

“Với một nền kinh tế mở cửa sâu rộng, giá nguyên nhiên, vật liệu nhập khẩu tăng sẽ đẩy tỷ lệ lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, mức độ tăng giá nguyên nhiên vật liệu và hàng hóa sẽ không lớn như trong năm 2021. Trong thời gian tới, giá xăng dầu cũng không tăng mạnh như năm 2021, bởi các nước OPEC+ cũng không muốn để giá xăng dầu quá cao, gây phương hại tới đà phục hồi kinh tế thế giới và thúc đẩy các nền kinh tế tìm các nguồn năng lượng thay thế. Ngoài ra, nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu cho đầu vào của sản xuất Việt Nam đã tăng giá mạnh trong năm 2021, sang năm 2022 mức tăng sẽ thấp hơn năm 2021 nhiều”, ông Thịnh nêu.

dinh-trong-thinh.jpeg
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Cũng theo ông Thịnh, khi đã quen với trạng thái chung sống với dịch bệnh, sản xuất sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, các hoạt động dịch vụ, đặc biệt là du lịch, hàng không nội địa và quốc tế được mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy chỉ số tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cuối cùng của cả nước tăng. Cầu tiêu dùng tăng cũng là một nhân tố có thể thúc đẩy lạm phát tăng cao.

Mặt khác, thời gian vừa qua lãi suất ngân hàng đã xuống tương đối thấp. Khi sản xuất phục hồi, nhu cầu về vốn tín dụng tăng cao sẽ có khả năng thúc đẩy lãi suất và lạm phát tăng cao.

Song song với đó, năm 2022 tác động của các gói kích cầu kinh tế năm 2020 và 2021 của Việt Nam sẽ bộc lộ rõ hơn do tác động bởi độ trễ của lượng tiền tệ được đưa vào thị trường. Đặc biệt, năm 2020 tín dụng trong nền kinh tế tăng trưởng 12,17% nhưng nền kinh tế chỉ tăng 2,9% GDP; năm 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng khoảng 14% nhưng nền kinh tế chỉ tăng 2,58%, vì vậy lượng tiền tệ trong nền kinh tế tương đối lớn có thể gây sức ép lạm phát.

Hơn nữa, trong thời gian gần đây do lãi suất thấp, một lượng tiền lớn có thể đã chuyển hướng vào lĩnh vực bất động sản tạo nên cơn sốt đất và tăng giá bất động sản ở nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Thanh Hóa… Đồng thời, một lượng tiền lớn đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán khiến chỉ số chứng khoán liên tục lập đỉnh sau khi sốt đất hạ nhiệt cũng tạo nên sự lo lắng.

Ông Thịnh cho rằng cần theo dõi chặt chẽ sự biến động trên cả hai thị trường này để tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường và thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát. Thêm vào đó, theo ông Thịnh, khả năng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2022 cũng sẽ là một nhân tố có thể đẩy lạm phát tăng cao.

Lạm phát có thể ở mức 2,8-3,2%

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh dự báo trong năm 2022 nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,5 - 7,0% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 2,8 - 3,2%.

Nếu dịch bệnh được khống chế tốt, kinh tế thế giới phục hồi tốt, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, tăng trưởng năm 2022 đạt mức 7,0 - 7,5% thì khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức là 3,5 - 3,8%.

lp.jpg
Áp lực tăng lạm phát 2022 là có thực, nhưng không quá lo ngại

Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội, ông Thịnh cho rằng cần đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh và phủ vắc xin. Đây sẽ là yếu tố tiên quyết cho khả năng tăng trưởng và ổn định kinh tế năm 2022.

Song song với đó, cầntiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay…

Ngoài ra, theo ông Thịnh, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng té nước theo mưa của một số chủ thể, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Đặc biệt, cần có sự theo dõi chặt chẽ của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về sự biến động trên cả thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán, tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát; thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch các thông tin về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng bình ổn giá, tránh lạm phát kỳ vọng, tránh các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá.

Theo vị chuyên gia, với những mặt hàng có lộ trình tăng giá, cần xác định rõ mức độ, thời điểm thực hiện, tránh trùng các thời điểm có thể gây biến động lớn đến mặt bằng giá cả của nền kinh tế. Đặc biệt cần lưu ý việc triển khai Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập có thể làm tăng các chi phí dịch vụ công. Nhiều trường đại học đang xem xét việc tăng chi phí trong năm học mới cũng là nhân tố có thể đẩy tăng lạm phát.

Lam Thanh