Năm 2022, cẩn trọng với nguy cơ tăng nợ xấu ngân hàng, nợ công

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 17:17, 02/02/2022

Ban Phát triển thị trường tài chính (Viện Chiến lược và chính sách tài chính) cho rằng năm 2022, thị trường đối mặt với những rủi ro từ diễn biến phức tạp của biến chủng COVID-19 mới, nguy cơ tăng của nợ xấu ngân hàng, trần nợ công…

Theo Ban Phát triển thị trường tài chính (Viện Chiến lược và chính sách tài chính), trong năm 2021, thị trường tài chính (TTTC) hoạt động trong bối cảnh các chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành theo hướng nới lỏng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát và hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhìn chung TTTC hoạt động ổn định và có diễn biến tích cực trên hầu hết các cấu phần thị trường. Thị trường chứng khoán đã thiết lập nhiều kỷ lục mới về chỉ số, thanh khoản và nhà đầu tư gia nhập mới. Tăng trưởng tín dụng vượt kỳ vọng trong khi tỷ giá VND/USD ổn định và theo sát những biến động trên thị trường thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Về thị trường tiền tệ - tín dụng, đến cuối năm 2021, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đang ở mức 0,98%/năm, tăng 0,83%/năm so với cuối năm 2020. Tính chung cả năm 2021, lãi suất liên ngân hàng bình quân kỳ hạn qua đêm là 0,75%/năm, giảm 17,95% so với cuối năm 2020.

chung-khoan.png
Nhìn chung thị trường tài chính năm qua ổn định

Mặt bằng lãi suất huy động, cho vay trong tháng 12.2021 tiếp tục ổn định ở mức thấp. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm phổ biến là 3,1 - 3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 3,36 - 3,58%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có lãi suất 5,36 – 6-7,4%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,4%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm. Trong năm 2021, mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, tạo điều kiện cho lãi suất cho vay đã giảm khoảng gần 1%/năm.

Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến cuối năm 2021 đã đạt 12,97% so với cuối năm 2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,44%, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,93% so với cuối năm 2020. Tăng trưởng tín dụng cao hơn mức mục tiêu 12% mà NHNN đã đề ra trong đầu năm.

Về thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong những ngày đầu tháng, do sự tăng giá của đồng USD khi mới xuất hiện biến chủng Omicron. Sau đó tỷ giá USD/VND quay đầu giảm trong tháng 12.2021 với biên độ giao động lớn hơn so với các tháng trước trong năm.

Trong năm 2021, tỷ giá USD/VND được duy trì ổn định vào nửa đầu năm, sau đó thể hiện xu hướng giảm rõ rệt và giao động với biên độ lớn hơn kể từ tháng 8.2021. Kể từ khi áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm năm 2016, đây là năm đầu tiên NHNN điều chỉnh giảm mạnh tỷ giá trung tâm. NHNN đã ngưng hoạt động mua ngoại tệ kỳ hạn, quay trở lại sử dụng công cụ mua giao ngay để có thể tác động tức thời và hiệu quả lên thị trường tiền tệ.

Các yếu tố chính giúp duy trì tỷ giá USD/VND ổn định, giao động với biên độ nhỏ từ đầu năm 2021 đến nay là do cơ chế tỷ giá trung tâm và các công cụ điều tiết thị trường ngoại hối phát huy được hiệu quả hạn chế hành vi đầu cơ, găm giữ ngoại tệ; cung cầu ngoại tệ cân bằng; Việt Nam và Mỹ đã đạt được những bước tiến tích cực trong vấn đề "thao túng tiền tệ"…

Về triển vọng thị trường tài chính năm 2022, thị trường tài chính năm 2022 được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Điều này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố hỗ trợ từ sự phục hồi của kinh tế vĩ mô trong nước như phổ quát vắc xin, xu hướng chung phục hồi kinh tế thế giới, Chính phủ đang lên kế hoạch triển khai nhiều giải pháp đột phá để hộ trỡ phục hồi kinh tế…

Ngoài ra, chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành theo hướng linh hoạt, đảm bảo thanh khoản, hỗ trợ tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho quá trình phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất - kinh doanh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch…

Tuy nhiên, Ban Phát triển thị trường tài chính cũng cho rằng năm 2022, thị trường cũng đối mặt với những rủi ro từ diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của biến chủng mới. Áp lực lạm phát có chiều hướng tăng, đặc biệt khi giá thế giới và chi phí sản xuất dự kiến còn ở mức cao, tình trạng đứt gãy nguồn cung có thể kéo dài hơn dự kiến.

Ngoài ra, Việt Nam còn tiếp tục đối diện với nguy cơ tăng của nợ xấu ngân hàng, trần nợ công. Các biến động về địa chính trị toàn cầu, xu hướng thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ cũng sẽ gây ra biến động tiêu cực trên thị trường chứng khoán quốc tế và tác động nhất định tới thị trường tài chính Việt Nam.

Những yếu tố này có thể khiến lãi suất trên thị trường tăng nhẹ, nhưng thị trường chứng khoán vẫn được kỳ vọng là kênh thu hút đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo dự báo của một số công ty chứng khoán, ước tính bình quân mỗi tháng sẽ có thêm khoảng 150.000 tài khoản mở mới trên thị trường chứng khoán. Thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường có thể dao động ở mức 30-35.000 tỉ đồng/phiên.

Lam Thanh