Tìm lại dư vị của Tết xưa
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:41, 02/02/2022
1. Ngày xưa, mỗi lần đến Tết là người dân ở xứ tôi lại tổ chức tát đìa để thu hoạch cá. Mùa tát đìa được bắt đầu sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, rộ vụ là tầm vào khoảng đầu tháng Chạp âm lịch. Bởi vào thời điểm đó, ruộng đồng cạn nước, lũ cá lại tìm đến nơi có nước sâu như ao, đìa (nơi có một khoảng đất trống, rộng lớn và có mực nước sâu – PV) để tránh trú. Thế là, chủ đìa cứ việc dùng máy để bơm nước ra ngoài cho đến khi trong đìa chẳng còn nước nữa. Khi đó những con cá mập ú, béo ngậy như cá lóc, trê, rô, sặc… bắt đầu ngoi lên lớp bùn để vùng vẫy. Khi đó, chủ đìa cứ việc thu hoạch.
Thời đó, cá ở xứ tôi nhiều vô kể, nên mỗi lần thu hoạch cá là chủ đìa lại huy động cả xóm để phụ bắt cá. Bắt xong, người chủ đìa bắt đầu phân cỡ cá để bán cho thương lái. Và họ cũng không quên những người đã phụ giúp mình trong việc thu hoạch bằng cách biếu cho những người đó vài ký cá để làm quà ăn Tết. Tùy vào việc trúng hay thất mùa, quà biếu có thể nhiều hay ít.
Còn bọn trẻ chúng tôi, chỉ chờ đến lúc người ta thu hoạch xong thì xách giỏ nhảy tỏm xuống đìa hì hụi tìm kiếm cá còn sót lại để bắt (dân miền Tây hay gọi là bắt cá hôi – PV). Mỗi lần bắt được cá là tụi tui khoái chí cười toe toét rồi khoe với cả nhóm. Khoái nhất là bắt được cá chạch đồng – loài cá ẩn mình rất lâu dưới đáy bùn và rất khó bắt được. Chỉ đến khi bị lũ trẻ chúng tôi quậy quá lâu khiến chúng bị ngợp bùn mới ngoi lên để thở, thì lúc đó, chúng tôi chỉ việc “nắm đầu” lũ cá ngoan cố này cho vào giỏ mang về. Theo thời gian, cá chạch giờ trở thành đặc sản vì khan hiếm, có chăng giờ chỉ là cá nuôi. Mà cá chạch, thịt dai và chắc nên món ngon nhất là kho sả nghệ hoặc làm khô đãi khách trong mấy ngày tết.
Bắt cá xong, lũ trẻ chúng tôi chẳng hề tắm rửa mà để nguyên bộ dạng lấm lem bùn đất rồi hì hục chạy đi tìm mớ rơm (rạ) khô để nướng cá rồi ăn ngon lành.
2. Ký ức Tết xưa lại ùa về trong tôi, hồi đó mỗi khi Tết đến xuân về, vào độ 25 tháng Chạp, sau khi thực hiện tục đưa ông bà xong là mẹ tôi bắt đầu đi cắt lá chuối về phơi để gói bánh tét. Nhớ nhất mỗi lần cứ đến Tết Nguyên đán là hầu như nhà nào cũng gói bánh tét, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh mà có nhà gói nhiều, nhà gói ít.
Đêm giao thừa, lũ trẻ chúng tôi lại hí hửng chạy quanh nồi bánh đang nghi ngút khói để canh lửa phụ giúp ba mẹ. Bánh chín, đó cũng là lúc thời khắc giao thừa đã đến, ba mẹ tôi cắt bánh ra đĩa rồi xếp ngăn nắp lên bàn thờ tổ tiên cùng với trà nước thành kính khấn vái cầu mong cho gia đình hòa thuận, khỏe mạnh và công việc làm ăn thuận lợi, hanh thông. Được thưởng thức những khoanh bánh nóng vừa mới ra lò ngay đêm giao thừa và được cha mẹ kể cho chúng tôi nghe những mẫu chuyện vui ngày Tết thì trong lòng lại lâng lâng, một cảm giác sảng khoái chẳng tìm thay thế ở đâu được.
3. Hồi đó, mỗi lần đến Tết là tụi nhỏ chúng tôi lại nôn nao, rồi đòi ba mẹ may quần áo mới. Thời đó, nhà nào khá giả thì được ba mẹ mua cho vài ba bộ để thay nhau trong những ngày Tết. Còn riêng tôi, do gia đình có đông anh em nên sau một năm làm việc vất vả, tằn tiện lắm mẹ chỉ may cho anh em chúng tôi mỗi đứa đúng một bộ quần áo và một đôi dép mới. Đợi mãi đến chiều 29 hoặc 30 Tết thì mẹ mới đi phiên chợ cuối cùng để mua bánh mứt về ăn Tết. Với mẹ, do túi tiền có giới hạn nên đi phiên chợ cuối thường hàng hóa rẻ hơn vì ai cũng muốn bán cho nhanh để kịp về đón giao thừa cùng với gia đình. Riêng bộ quần áo mới được mẹ may cho, ngoài mặc đón Tết thì nó còn được trưng dụng để đi học cho năm sau. Rồi đến Tết, bọn trẻ chúng tôi tự rủ nhau rồi lội bộ hàng cây số để tìm khu vui chơi chứ đâu được ba mẹ chở đi bằng xe như bây giờ.
Thời đó tuy nghèo mà vui, mà ấm cúng với những việc làm đơn giản trong những ngày giáp Tết, chẳng quá cầu kỳ nhưng lại mang đầy ý nghĩa hồn cốt quê hương. Nay thì xã hội hiện đại, phát triển, chỉ cần có tiền là mọi thứ đều có thể mua được. Và thậm chí là người bán còn giao đến tận nhà. Bởi vậy, nó không còn cảm giác nôn nao mỗi khi dậy sớm để canh người ta tát đìa với mong muốn bắt được con cá to về rọng lại đón Tết, hay như cảm giác được hòa mình vào làn khói nghi ngút của nồi bánh tét đêm giao thừa, cảm giác ngồi canh lửa đợi nồi bánh chín đó nó ấm áp và vô cùng thi vị.
Bây giờ, bọn trẻ ngày nay làm gì có được những cảm xúc đó, các cháu chỉ biết Tết qua những trò chơi vui nhộn, những bao lì xì mừng tuổi, những món quà bánh được ba mẹ mua về từ chợ. Chứ nào có được những cảm giác được thức xuyên đêm canh nồi bánh tét, được hì hục bắt cá dưới đìa đầy bùn đất. Giờ có chăng, chỉ là những hình ảnh qua phục dựng mà thôi. Tết bây giờ đã thay đổi theo nhịp độ phát triển của xã hội, những hình ảnh vốn rất bình dị, dân dã đã dần bị mai một và ta chỉ còn tìm lại nó qua ký ức.