Nhà hát Opera Sydney: Kiệt tác kiến trúc được xây dựng từ phác thảo bị loại

Văn hóa - Ngày đăng : 12:00, 03/02/2022

Khi nhắc đến nước Úc hay nhà hát opera nổi tiếng, hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong đầu nhiều người là Nhà hát Opera Sydney.

Công trình này đã được Liên Hợp Quốc chỉ định là Di sản Thế giới - công trình non trẻ nhất từng được vinh danh như vậy. Năm 2003, Jørn Utzon đã được trao Giải thưởng Priztker cho thiết kế Nhà hát vĩ đại. Trích dẫn giải thưởng có nội dung:

“Không còn nghi ngờ gì nữa, Nhà hát Opera Sydney là kiệt tác của ông. Đây là một trong những công trình kiến ​​trúc mang tính biểu tượng vĩ đại của thế kỷ 20, một hình ảnh của vẻ đẹp tuyệt vời được cả thế giới biết đến - một biểu tượng cho không chỉ một thành phố, mà cho cả đất nước và châu lục”.

sydney.jpg
Nhà hát Opera Sydney nằm giữa cảng biển và là biểu tượng của nước Úc

Nhưng ít ai biết được công trình quá tráng lệ này được xây dựng từ một bản thiết kế bị loại... từ vòng gửi xe.

Cho đến Thế chiến thứ hai, Úc vẫn tự coi mình là một phần của Đế quốc Anh. Người Úc đã bị sốc khi người Anh chẳng những rút quân ra khỏi đất nước phần lớn không có khả năng phòng ngự, mà còn yêu cầu Úc gửi số quân đội ít ỏi đến chiến đấu để bảo vệ các nơi khác của đế chế. Khi chiến tranh kết thúc, Úc buộc phải đối mặt với sự thật rằng nước này hoàn toàn không phải là một quốc gia thuộc Anh mà là một phần của châu Á.

Úc khao khát được khẳng định bản sắc riêng của mình và nghĩ rằng phải có một nhà hát mang hơi thở của biển. Người dân Sydney khi ấy cũng khó nghĩ rằng một nhà hát opera mới liền kề với bến cảng sẽ trở thành biểu tượng của bản sắc mới, không chỉ đối với người dân Úc mà còn với thế giới.

Và câu chuyện về Nhà hát Opera Sydney bắt đầu vào năm 1948, khi người đứng đầu nhà hát kêu gọi xây dựng một ngôi nhà mới. Lời mời về bản thiết kế đã được gửi đến các kiến ​​trúc sư trên khắp thế giới.

Hầu hết các thiết kế có tư tưởng khác lạ đều khó coi, cái thì trông giống như những khối bê tông gợi nhớ đến phong cách kiến ​​trúc Xô Viết, cái lại giống doanh trại quân đội. Nhưng đáng chú ý có một cái có vẻ “khó coi” nhất lại không giống như bản thiết kế hoàn hảo mà chỉ đơn giản là một loạt các bản phác thảo do kiến ​​trúc sư người Đan Mạch Jørn Utzon thực hiện. Là con trai của một kiến ​​trúc sư hải quân ở Copenhagen, Utzon thật sự có tài tưởng tượng.

Utzon có thể hình dung tác phẩm của mình trông như thế nào trên bờ cảng Sydney bằng cách tưởng tượng nó đặt gần Copenhagen nhìn ra eo biển ngăn cách Đan Mạch với Thụy Điển. Những mái nhà cao vút của nhà hát có dáng hình mái sò nhưng thực ra ý định ban đầu xây dựng là nhằm gợi lên những cánh buồm của biết bao con tàu đã đưa vô số người di cư đến Úc. Chắc hẳn khi Utzon ở ngoài bãi biển Đan Mạch cũng dựa vào cảm hứng từ những cánh buồm để phác thảo ra nhà hát opera.

Chính quyền Sydney đã tập hợp một hội đồng gồm 4 kiến ​​trúc sư nổi tiếng quốc tế để chọn ra thiết kế cuối cùng. 3 kiến ​​trúc sư đã xem xét phác thảo của Utzon và ngay lập tức… loại bỏ nó. Nhưng rất may, người cuối cùng trong hội đồng là kiến ​​trúc sư nổi tiếng người Mỹ Eero Saarinen vốn không có mặt trong buổi đầu xét duyệt lại có ý khác. Sau khi Saarinen đến Sydney, ông đã yêu cầu xem lại tất cả các bài nộp, kể cả những bài đã bị từ chối. Saarinen đã xem qua thiết kế của Utzon và tuyên bố đây là thiết kế yêu thích của mình.

Các kiến trúc sư ở Sydney bị sốc. Thiết kế của chàng kỹ sư Đan Mạch không giống bất cứ thứ gì mà người ta từng thấy trước đây. Công trình rất táo bạo nhưng được coi là không thể xây dựng được. Utzon đã thất bại trong việc cung cấp các bản vẽ kỹ thuật để cho mọi người thẩm thấu ý tưởng của mình khả thi tới đâu. Nhưng uy tín của Saarinen đã lên tiếng và thiết kế của Utzon đã được tuyên bố chiến thắng.

Việc xây dựng không thực sự bắt đầu cho đến năm 1958. Khu đất mà Nhà hát Opera dự định đặt móng lại được quy hoạch để sử dụng làm sân đường sắt cho hệ thống xe lửa Sydney. Trước tiên, có một lượng lớn công việc cần thiết để di dời tất cả các đường ray. Cuối cùng khi công việc bắt đầu, mọi người nhận ra rằng họ không biết làm thế nào để biến ý tưởng thiết kế của Utzon thành hiện thực.

Cuối cùng, người ta quyết định rằng các khung sườn để đỡ các lớp vỏ mái nhà sẽ được làm từ bê tông đúc sẵn. Mỗi xương sườn được bẻ thành nhiều đoạn, được sản xuất tại chỗ rồi sau đó được cẩu vào vị trí. Các đường sườn rỗng, cho phép đặt dây cáp thép vào bên trong để tạo cho khung xương độ bền kết cấu cần thiết. Nhiều dây cáp thép chạy ngang giữa các xương sườn để giữ mọi thứ gắn chặt lại với nhau.

banthietke.jpg
Bản thiết kế nhà hát Opera của kiến trúc sư Đan Mạch

Utzon khẳng định rằng không có khe hở trên mái nhà, tức là không có đường ống dây, ống thông hơi hoặc ống làm mát. Thay vào đó, tất cả hệ thống cơ khí để sưởi ấm và làm mát được gắn bên dưới mái nhà và được giấu ở giữa khoảng trần và mái. Phải đứng ở vị trí thuận lợi và quan sát rất kỹ thì người ta mới có thể thấy những khe hở tinh tế ở cuối các bức tường giúp không khí đi vào và thoát ra.

Các mái nhà được lợp bằng gạch men theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Utzon. Chúng có vẻ ngoài có màu trắng sáng khi được chiếu nắng, nhưng thực chất là hai màu nâu nhạt, màu của những cánh buồm bông. Gạch có khả năng tự làm sạch vì mọi bụi bẩn hay mảnh vụn đều bị cuốn trôi sau mỗi trận mưa bão đi qua.

Không có máng xối trên bất kỳ phần mái nào. Thay vào đó, có những khoảng trống trên các tấm bê tông tạo thành các lối thoát nước ra xung quanh tòa nhà. Nước mưa do mái nhà đổ ra chỉ đơn giản chảy qua những khoảng trống đó đến một hệ thống thoát nước được xây dựng bên dưới và đổ thẳng vào cảng Sydney.

kts.jpg
KTS Jorn Utzon (9.4.1918 – 29.11.2008) – người từng vinh dự nhận giải thưởng Pritzker Prize. Ông là người chiến thắng trong cuộc thi thiết kế nhà hát Opera Sydney

Utzon là một người được trời phú cho khả năng nghệ thuật đa dạng chẳng kém Leonard da Vinci. Utzon chẳng những có tài về kiến trúc, kiến thức âm nhạc mà còn là một người có tài vẽ tranh. Nhưng cũng vì cái tính nghệ sĩ đó mà Utzon không chịu đầu tư cho mảng kỹ thuật lắm. Nghệ sĩ người Đan Mạch không cung cấp chỉ dẫn nào về cách xếp nhiều lớp vỏ tạo nên các phần mái khác nhau của Nhà hát. Các nhà thầu địa phương đã phải tự mầy mò tìm hiểu điều đó. Họ đã nghĩ ra sự kết hợp giữa thép và kính vô cùng hoàn hảo. Khỏi phải nói, cảnh quan của thành phố và bến cảng nhìn từ bên trong vô cùng tuyệt đẹp.

Tất nhiên, một nhà hát opera thì phải quan tâm đến phần chất lượng biểu diễn âm nhạc. Có hai sảnh hòa nhạc chính cộng với nhiều nhà hát và không gian trình chiếu nhỏ hơn. Âm thanh trong sảnh chính hết sức đặc biệt. Khán giả nào may mắn được vào bên trong thưởng thức thì dù ngồi trên những hàng cuối cùng, thường được mọi người gọi là “ghế chảy máu mũi” thì vẫn có thể nghe thấy từng nốt nhạc mà nghệ sĩ piano chơi như thể nhạc công đang ngồi ngay trước mặt mình.

Tuy nhiên, với những người biểu diễn thì cũng có chút phiền toái từ kiến trúc của công trình. Phần mái cao vút phía trên sân khấu chính tạo ra độ trễ nhỏ trước khi âm thanh trở lại ngang tai, khiến họ khó nghe thấy nhạc cụ của mình. Nhưng cũng phải nhớ rằng hội trường được thiết kế cách đây 60 năm. Kỹ thuật âm học ngày nay đã phát triển hơn khá nhiều.

phacthao.jpg

Nhà hát Opera vẫn chưa được hoàn thành cho đến năm 1973. Công trình ban đầu dự trù kinh phí 7 triệu AUD, nhưng nó đã đội giá lên tới hơn 100 triệu AUD Một số thay đổi trong chính quyền địa phương đã tạo ra những trắc trở với dự án. Đôi khi, việc xây dựng bị trì hoãn khi hết tiền, các kỹ sư không ít lần thất vọng giơ tay, và các phe phái chính trị được dịp chất vấn về tính cần thiết của việc xây dựng Nhà hát.

Có một giai thoại kể rằng, một ngày nọ, khi tương lai của Nhà hát Opera đang trở nên ảm đạm, ca sĩ opera người Mỹ Paul Robeson đã bất ngờ ghé qua công trường xây dựng. Đứng một mình và không có người đi theo, Robeson nổi hứng hát opera cho công nhân nghe trong hai giờ đồng hồ dưới cái nắng gay gắt của xứ Kanguru. Giọng ca của Robeson truyền cảm hứng cho giới công nhân đến nỗi họ đã cam kết hoàn thành dự án. Chính quyền địa phương đã tổ chức một chương trình xổ số đặc biệt để gây quỹ trả tiền cho việc xây dựng. Trong vòng hai năm, cư dân địa phương đã mua đủ vé số để trả cho việc hoàn thành Nhà hát.

Cho đến giờ người dân Sydney vẫn ghi nhớ công của Utzon. Có một phòng thuyết trình nhỏ bên trong Nhà hát Opera Sydney được dành riêng cho Utzon. Trên một bức tường treo một tấm thảm do các nghệ nhân địa phương dệt dựa theo một bức tranh do chính Utzon vẽ.

Bùi Tú